221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
978574
Sử dụng kết quả kiểm toán để chống tham nhũng
1
Article
null
Sử dụng kết quả kiểm toán để chống tham nhũng
,

(VietNamNet) - "Báo cáo kiểm toán các năm sẽ được gửi tới Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, các bộ, ngành chủ quản, Bộ Tài chính... Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào có hành vi vụ lợi, phạm pháp sẽ phải chịu trách nhiệm", lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố tại buổi họp báo sáng nay (5/9).

Buổi họp nhằm công bố kết quả kiểm toán (104 cuộc trong năm 2006) của KTNN, gồm báo cáo quyết toán Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2005 của 32 tỉnh, thành; báo cáo quyết toán NSNN của 10 bộ, cơ quan TƯ; 16 dự án, chương trình trọng điểm; kiểm toán báo cáo tài chính của 22 tổng công ty, DNNN, tổ chức tài chính - ngân hàng... 

Ông Lê Mạnh Khái, Phó Tổng KTNN trả lời câu hỏi của báo giới (ảnh Ngọc Quyết).

Chuyển 2 vụ sang cơ quan điều tra

Báo cáo kiểm toán năm 2006 về niên độ ngân sách 2005 của KTNN cho thấy, công tác quản lý thu, chi ngân sách mặc dù đã được tăng cường song tình trạng thất thu còn khá lớn

Ông Lê Minh Khái cho biết, năm 2007, KTNN sẽ tiến hành 115 cuộc kiểm toán. Cơ quan này đã phát hành 12 báo cáo kiểm toán và đang hoàn tất, chuẩn bị kết luận 28 cuộc khác. 

Tính đến hết 8/2007, KTNN đã triển khai 61 cuộc kiểm toán, kiến nghị xử lý gần 1.000 tỷ, tăng thu 90 tỷ đồng, giảm chi khoảng 80 tỷ đồng. 

Tổng hợp toàn bộ kết quả kiểm toán niên độ ngân sách 2005, KTNN đã phát hiện, kiến nghị xử lý về tài chính 7.622,5 tỷ đồng. Trong đó, tăng thu NSNN và tăng thu khác gần 1.892 tỷ đồng, giảm chi NSNN 1.339,5 tỷ đồng, đưa vào quản lý qua NSNN 1.350,6 tỷ đồng, bổ sung kinh phí hoạt động 18 tỷ đồng và kiến nghị xử lý các khoản tạm thu, tạm giữ 286,7 tỷ đồng, cho vay tạm ứng không đúng quy định, sai phạm khác... là 2.735,8 tỷ đồng. 

Ông Lê Minh Khái, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, nhận xét, KTNN tin tưởng vào tính đúng đắn, xác thực của báo cáo tài chính tại các đơn vị được kiểm toán. Cơ quan này chỉ kiến nghị xử lý các tổ chức, cá nhân nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Kiến nghị trước hết được chuyển tới Bộ trưởng các Bộ chủ quản, Chủ tịch tỉnh hay Thủ trưởng đơn vị... nhằm xem xét trách nhiệm cá nhân.

Trong đó, KTNN đặc biệt lưu ý 3 hành vi: tham ô, lợi dụng chức vụ để kiếm lời và tham nhũng. Một trong những địa chỉ quan trọng để KTNN gửi các báo cáo hàng năm chính là Ban chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng TW, Thanh tra Chính phủ...

Ông Vương Đình Huệ, Tổng Kiểm toán Nhà nước, nói thêm, cuối tháng này, Thanh tra Chính phủ, KTNN và cơ quan tư pháp sẽ ký Thông tư liên tịch cung cấp thông tin đưa lên Cổng thông tin phòng chống tham nhũng của Chính phủ.

Mới đây nhất, ông Khái cho biết, KTNN đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để tiến hành tố tụng 2 trường hợp: một là tại Công ty Xây dựng tư vấn đường thuỷ (Tổng công ty Xây dựng đường thuỷ) thua lỗ 11 tỷ đồng, cơ quan công an đã bắt giam và khởi tố một số bị can, nay tiếp tục điều tra để hoàn tất vụ việc; một đơn vị khác là Dự án sản xuất nhựa đường, nhũ tương... tại Công ty Sữa chữa, xây dựng công trình cơ khí giao thông 721 (Quản lý đường bộ 7) với tổng số vốn 2,7 tỷ đồng, sau 2 năm hoạt động thua lỗ chỉ còn hơn 1 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi của nhiều PV về các kiến nghị xử lý của KTNN liệu đã đủ mạnh để răn đe hoặc giảm bớt tình trạng sai phạm hay chưa, theo ông Khái, nhiệm vụ của của KTNN là chỉ đến "chụp lại bức tranh toàn cảnh về thu - chi ngân sách liên quan đến tài sản Nhà nước, khi phát hiện có sai phạm thì kiến nghị xử lý để làm tốt công tác phòng chống tham nhũng.  

Cơ quan thuế chưa làm tròn trách nhiệm?

Có một điều đáng lưu ý qua báo cáo của KTNN là kiểm tra tại 32 tỉnh, 12 Cục Thuế địa phương cho thấy tính đến 31/12/2005, tổng số nợ đọng thuế so với báo cáo của cơ quan thuế tăng thêm 1.076 tỷ đồng. Các đơn vị này đã chưa điều chỉnh kịp thời nợ thuế theo số phát sinh thực tế nên báo cáo nợ thuế thường thấp hơn thực tế. Kiểm tra hồ sơ thuế của 225 DN ngoài quốc doanh tại 23 tỉnh, KTNN xác định số thuế phải nộp tăng thêm 36 tỷ đồng. 

16 tỉnh vẫn ban hành văn bản trái luật

KTNN phát hiện có 16/32 địa phương ban hành tới 42 văn bản trái quy định Nhà nước, chủ yếu đưa ra những định mức chi phụ cấp, hỗ trợ, thưởng... 

Do báo cáo công bố ngày 5/9/2007 đánh giá công tác ban hành văn bản từ năm 2005 nên đã muộn tới 20 tháng, lãnh đạo KTNN cho biết đến nay có nhiều văn bản đã bị thu hồi. KTNN vẫn tiếp tục kiến nghị các địa phương rà soát những văn bản đã ban hành, nếu trái với quy định của Nhà nước thì phải huỷ bỏ.

Hay tại các DNNN, cơ quan này cũng phát hiện và kiến nghị tăng thu cho NSNN 1.280,2 tỷ đồng, trong đó, thuế GTGT là 92 tỷ đồng, thuế thu nhập DN là 342,6 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do DN kê khai thuế suất thuế GTGT, hạch toán thiếu doanh thu chịu thuế, kê khai khấu trừ thuế đầu vào không đúng quy định...

Về điều này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc Hội, ông Đinh Văn Nhã, cho rằng, nếu vin vào đó mà đánh giá cơ quan thuế chưa làm tròn trách nhiệm thì không khách quan lắm. Tuy nhiên, ông thừa nhận có thể có sai sót nhưng không phải toàn bộ. Hàng năm, các DN tự khai, tự nộp thuế nhưng không phải 100% DN đều được kiểm tra về quyết toán thuế. Hiện chỉ có 25-30% số DN tự khai được kiểm tra.

Bên cạnh đó, ngành thuế vẫn mỏng về lực lượng. Trước khi quyết toán, bản thân các DN cũng chưa tự kiểm tra về thuế. Liên quan đến vấn đề này, ông Nhã tin tưởng Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ 1/1/2007 sẽ góp phần hạn chế tình trạng trên, nhất là khi có hai hệ thống kiểm tra song song, đó là thanh tra thuế và kiểm tra nội bộ. 

Đại diện Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội và lãnh đạo KTNN tại buổi họp báo. (Ảnh: Ngọc Quyết)

Thua lỗ, nợ nần "è cổ" DN xây dựng cơ bản

Báo cáo của KTNN cho thấy, kiểm toán 277/523 DN của 21 tổng công ty, tổ chức tài chính - ngân hàng có 76,5% DN được kiểm toán có lãi, 23% số DN thua lỗ. Trong đó, theo ông Vương Đình Huệ, Tổng Kiểm toán Nhà nước, thì tình trạng thua lỗ kéo dài, nợ nần tập trung chủ yếu vào các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. 

6/21 tổng công ty được kiểm toán trong năm 2005 đã thua lỗ tới hơn 351 tỷ đồng (luỹ kế đến 31/12/2005 là 985 tỷ đồng), điển hình như các tổng công ty: Thuỷ tinh và Gốm xây dựng năm 2005 lỗ 41 tỷ đồng; Xây dựng số 1 lỗ 69 tỷ đồng, Xây dựng miền Trung lỗ trên 66 tỷ đồng, Xây dựng Đường thủy lỗ 45 tỷ đồng... 

Ông Huệ cho rằng, nguyên nhân thua lỗ kéo dài là do các DN này thiếu vốn trầm trọng. Giá nguyên liệu đầu vào tăng, quản lý chi phí sản xuất và giá thành bất cập. Tình trạng nợ đọng các DN xây dựng cơ bản buộc các DN này phải đi vay ngân hàng, trả lai cao. Bên cạnh đó, việc đầu tư mở rộng dự án hoặc đầu tư chiều sâu trong khi tính toán chưa hiệu quả, chi phí khấu hao cao nên không trả nợ được ngân hàng và chiếm dụng vốn của Nhà nước. 

Riêng với trường hợp Tổng công ty Xây dựng miền Trung, ông Huệ cho biết KTNN sẽ làm rõ những vấn này trong thời gian tới, nhất là trong việc quản lý đầu tư các dự án xây dựng cơ bản kém, tiếp nhận một số dự án từ địa phương trong khi chưa có phương án cơ cấu lại sản xuất, dẫn tới hoạt động không hiệu quả. 

Báo cáo KTTN nhận định, khi kiểm toán các đơn vị, Bộ ngành và DNNN thì "không sai chỗ này cũng sai cái khác" - lời ông Lê Minh Khái. Yếu kém cơ bản tại các DNNN vẫn là công tác quản lý kinh tế - tài chính và kế toán. Báo cáo tài chính còn phản ánh sai lệch tình hình tài chính, kết quả kinh doanh và nghĩa vụ với Nhà nước. Tiến trình CPH tại các DNNN quy mô lớn vẫn ì ạch, thời gian hoàn tất thủ tục kéo dài, tỷ lệ cổ phần bán ra chưa đạt.

  • Hà Yên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,