(VietNamNet) - Đoàn kiểm tra giá thị trường của Bộ Tài chính vừa kết thúc đợt thanh tra giá các mặt hàng sữa, thép, gas đối với nhiều DN. Tín hiệu đáng mừng là nhiều DN đã cam kết bình ổn giá theo hướng cắt giảm chi phí, không tăng giá từ nay đền hết năm... góp phần bình ổn giá thị trường.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cho biết, đoàn đã thực hiện thanh tra tại 5 công ty sữa, 4 công ty gas, 5 công ty thép.
Kết quả bước đầu cho thấy, nguyên nhân tăng giá các mặt hàng này trong những tháng đầu năm có tính chất khách quan là giá thế giới tăng cao. Trong đó, giá phôi thép tăng gần 20%, nguyên liệu sữa bột tăng 25 - 97%, giá gas tăng 8%.
Tuy nhiên, có nguyên nhân chủ quan là các doanh nghiệp hạch toán chi phí nhiều khoản còn cao và đây là những yếu tố có thể tiết giảm được trong 6 tháng cuối năm. Điểm đáng chú ý là chưa phát hiện được DN bị kiểm tra lợi dụng thị trường để tăng giá bất hợp lý.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa. (Ảnh: Phước Hà) |
Các DN có cam kết thế nào thưa ông?
- Các DN mà đoàn đến kiểm tra đều đã cam kết cắt giảm chi phí, trước hết là để giữ ổn định giá đến hết 2007. Tất nhiên là trong trường hợp giá thế giới ổn định hay chỉ tăng lên trong mức có thể chịu đựng được.
Căn cứ trên tình thực tế và yêu cầu của đoàn kiểm tra, nhiều DN đã có những phản ứng tích cực. Cụ thể, các DN kinh doanh gas đã cam kết giảm giá 2.000 - 3.000 đồng mỗi bình (tương đương giảm khoảng 330 đồng/kg) và đã thực hiện giảm trên thị trường rồi. Công ty Thép Việt - Úc giảm 200 đồng/kg. Thép Thái Nguyên đã giảm 100 - 200 đồng kg. Sữa của công ty TNHH thực phẩm 3A Thành phố Hồ Chí Minh đã giảm từ 4 - 8%.
Giả sử giá thế giới tiếp tục tăng, DN muốn tăng giá thép có phải báo cáo Bộ không? Trong quá trình kiểm tra, DN thép giải thích tại sao còn tồn kho khá lớn mà vẫn tăng giá?
- Trong trường hợp đó, DN phải báo cáo. Bởi vì thép là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Nếu tăng giá vì giá thế giới tăng thì cũng báo để Nhà nước xem có biện pháp gì hỗ trợ không. Ví dụ, thuế vẫn đang còn khả năng giảm.
Việc tồn kho là do tiêu thụ thì trong thời gian này miền Nam đang là mùa mưa, xây dựng ít nên tiêu thụ giảm. Bên cạnh đó, vào tháng 7 âm lịch tâm lý người dân kiêng xây dựng. Tồn kho không theo nghĩa thừa hàng mà do các yếo tố ngắn hạn. Chứ còn với yêu cầu giải ngân đầu tư từ nay đến cuối năm lớn, lại vào mùa xây dựng nên nhu cầu tiêu thụ thép sẽ không giảm.
Lương thực - thực phẩm vẫn tăng khá mạnh trong tháng vừa qua, các bộ đã có biện pháp gì để giữ bình ổn trong những tháng cuối năm và Tết?
- Trong nhóm này chỉ có gạo là mặt hàng trong diện bình ổn giá nhà nước bình ổn giá. Tuy nhiên, ngoài những mặt hàng trong quy định, những mặt hàng còn lại nếu tăng cao quá vẫn phải thực hiện các biện pháp bình ổn giá. Vấn đề là lựa chọn áp dụng biện pháp nào.
Giá gạo tăng cao trong thời gian vừa qua chủ yếu xuất khẩu gạo. Từ nay đến cuối năm, chỉ xuất khẩu 4,4 triệu tấn gạo, dừng không ký thêm trong năm nay nữa và dãn tiến độ xuất khẩu ra. Hiện còn 1,7 triệu tấn phải rải đều đến hết năm. Giá lương thực hiện đã có dấu hiệu ổn rồi. Việc giảm thuế đối với các mặt hàng thực phẩm cũng là cách để tăng cung, khắc phục việc mất cân đối cung cầu do dịch bệnh. Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ NNPTNT kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi. Việc giảm giá thức ăn sẽ khuyến khích chăn nuôi, tăng phát triển đàn gia súc, kịp cung cấp cho nhu cầu cuối năm. Miền Bắc đang vào vụ Đông, lượng rau quả sẽ tăng lên, cung cấp thêm hàng hoá cho thị trường.
Hiện Bộ Công Thương đã làm việc với các bộ và hiệp hội về cân đối cung cầu cho những tháng cuối năm và Tết, đảm bảo cân đối các mặt hàng thiết yếu và vật tư cơ bản.
Nhà nước đã thực hiện giảm thuế nhưng nhiều mặt hàng chưa giảm giá. Việc này sẽ kiểm tra thế nào?
- Việc kiểm tra giá cả đã thực hiện đối với một số mặt hàng có dấu hiệu tăng giá cao. Hiện nay, các địa phương vẫn tiếp tục triển khai kiểm tra các mặt hàng do mình quản lý. Cho đến nay, chưa có mặt hàng nào trong diện kiểm tra tăng giá là một tín hiệu tốt.
Bây giờ sẽ có một động thái mới là kiểm tra về thuế là để xem các DN, nhất là các DN được giảm thuế nhập khẩu lớn hạch toán thuế như thế nào. Tại sao không giảm giá khi có tác động giảm thuế và cần thiết có thể thu lại thuế đã giảm.
Việc kiểm tra phải xem xét kỹ yếu tố thuế giảm, lợi nhuận nhiều mà anh không giảm thì sẽ có biện pháp xử lý. Không thể mất hơn ngàn tỷ đồng vô ích. Tuy nhiên, cũng có vấn đề là chúng ta phụ thuộc vào giá thế giới. Có những loại giảm thuế nhưng giá thế giới lại tăng 1 ít. Các DN vẫn lo ngại là giá vẫn tiếp tục tăng thì sẽ khó khăn trong việc giảm giá. Mới đây, các DN nghiệp thép cũng mới có báo cáo bày tỏ lo ngại về việc giá phôi vào tháng 10 - 11.
Một vấn đề nữa cần lưu ý là là trách nhiệm các bộ đối với những hàng hóa của DN họ quản lý khi bị tăng cao. Hiện nay, các bộ, các ngành ban hành văn bản bình ổn giá xong rồi không đôn đốc, không kiểm tra thực hiện. Nhất là có những DN tuyên bố không giảm giá. Các bộ cần kiểm soát thường xuyên để tìm hiểu tại sao không giảm để có hướng xử lý, hỗ trợ. Ví dụ, vừa rồi không có động tĩnh gì về thức ăn chăn nuôi, Bộ Tài chính đã nghị Bộ NNPTNT kiểm soát tại sao giá trong nước nguyên liệu không tăng, nhập khẩu thì đã giảm thuế mà tại sao giá thức ăn chăn nuôi chưa giảm.
Với diễn biến này, ông dự báo thế nào về diễn biến giá cả trong thời gian tới?
- Theo tôi là từ này đến cuối năm không có đột biến. Chỉ số giá cả năm xoay quanh 8% là mục tiêu dự kiến được. Hơn nữa, chỉ số tháng 8 tăng 0,55% thực ra chưa phản ánh đúng. Bởi vì, cách tính chỉ số giá của chúng ta là lấy 15 ngày tháng trước và 15 ngày tháng sau. Tháng 8 là từ 15/7 - 15/8, trong đó, nửa cuối tháng 7 giá nhiều mặt hàng tăng cao vẫn tính chung vào, sang tháng 8 có một số mặt hàng giảm đã kéo lại. Tôi nghĩ sang tháng 9 sẽ giảm nữa.
Tháng 9, Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo là 0,2 - 0,3%. Diễn biến những năm gần đây, cuối năm nếu làm quyết liệt, bốn tháng cuối năm chỉ tăng 1,5 - 1,6%. Theo tính toán, trong 4 tháng cuối năm 2007 còn lại mức tăng tối đa trong mục tiêu là 1,5%. Tháng này nếu kiềm chế được ở mức 0,3% là rất tốt. Trong 3 tháng của quý 4, nếu làm quyết liệt, chúng ta sẽ đảm bảo mức tăng chỉ ở vào khoảng 1,2%.
-
Phước Hà