Cho vay chứng khoán:Giới ngân hàng nhìn lại Chỉ thị 03...
(VietNamNet) - Tháng 6/2007, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) VN ra Chỉ thị 03 với nội dung chính khống chế mức vay cầm cố chứng khoán để đầu tư chứng khoán không được vượt quá 3% dư nợ của các ngân hàng thương mại (NHTM). Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính “góp phần” làm cho TTCK rơi vào đợt điều chỉnh giảm sâu và dài ngày . Ba tháng trôi qua, giới ngân hàng, một trong những nơi ảnh hưởng nhiều nhất bởi chỉ thị này đã nhìn lại dưới nhiều góc độ khác nhau...
>> Khống chế cho vay chứng khoán: Cú sốc mang tên hành chính!
Giám đốc tín dụng một NHTM (một số ngân hàng cho ý kiến trong bài này xin giấu tên - pv) cho biết: “Với độ rủi ro hiện nay của TTCK VN tôi cho rằng NHNN lo hơi quá”. Ông này nói rõ, số tiền vay của các nhà đầu tư tối đa cũng chỉ bằng 40% - 50% thị giá nên mức rủi ro là rất thấp.Ví dụ như cổ phiếu VNM giá 180.000đ/cp thì chỉ được tính để vay là 90.000đ/cp. Hơn nữa các NHTM không phải cho vay với bất cứ cổ phiếu nào mà chỉ chọn những loại có tính thanh khoản cao. Vì vậy “chỉ khi nào VN-Index xuống dưới 700 điểm, lúc đó mới là nguyên cơ thật sự với chúng tôi” như thừa nhận của Tổng Giám đốc một NHTM khác.
|
Nhiều NHTM đang tìm cách giúp khách hàng khó khăn về thời hạn trả nợ thay thế cầm cố chứng khoán. Ảnh minh họa LAD |
Trên thực tế, dù 3, 4 tháng qua, TTCK VN giảm khá mạnh nhưng chưa NHTM nào thua lỗ về dịch vụ cầm cố chứng khoán. Ông Lý Xuân Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB khẳng định: “ACB luôn đảm bảo độ an toàn cho dịch vụ này vì chúng tôi tuân thủ theo những điều kiện cụ thể để giảm thiểu những rủi ro”. Phó Tổng Giám đốc một NHTM khác thì đề nghị: “NHNN nên đánh giá lại tác động của chỉ thị 03 và rà soát lại năng lực, nguồn vốn của các ngân hàng để xem mức 3% có hợp lý hay không. Cá nhân tôi cho rằng nên nâng lên 5-7% vì dịch vụ này vẫn có tính an toàn cao”.
Ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á nói Ngân hàng ông chấp hành chủ trương của NHNN nhưng “Chúng tôi vẫn có thể kiểm soát được nếu tỷ lệ nâng lên 5-7%”.
Nhà phân tích chứng khoán Trần Ngọc Nam ví von: “Nếu NHNN nâng tỷ lệ thì nhà đầu tư nội giống như được mở room”. Ông Nam khẳng định nếu NHNN nâng tỷ lệ hay giãn thời hạn để các NHTM đưa tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán về dưới 3% sau 31/12/2007 thì giao dịch trên các sàn sẽ tăng đáng kể.
Trên thực tế, các nhà đầu tư vay mượn ngân hàng một phần để đầu tư vào chứng khoán đã góp vào mức cung không nhỏ vì thời hạn bán để trả nợ cho mốc 31/12 đang đến gần. Nhà đầu tư Trần Anh Tuấn (sàn SSI TP HCM) nói: “Tôi đang nợ ACB 300 triệu đồng và đáo hạn vào ngày 25/11 nên đang phải bán dần để kịp trả nợ, nếu được giãn thời gian thì tôi đỡ phải bán bằng mọi giá”.
Tuy nhiên, lãnh đạo một NHTM tại TP HCM lại cho hay những khách hàng như ông Tuấn đáo hạn trước 31/12 thì còn dễ chứ những khách hàng đáo hạn sau thời điểm này ngân hàng chỉ biết “đề nghị họ chứ không thể bắt buộc vì hai bên đã có hợp đồng rõ ràng”.
|
NHTM hy vọng mức cho vay CK được điều chỉnh để TTCK khởi sắc hơn. Minh họa: LAD |
Nhưng về phía NHNN VN thì lại có ý kiến đồng ý với các NHTM tôn trọng hợp đồng nếu đáo hạn sau 31/12 với điều kiện không cho vay sau ngày chỉ thị 03 có hiệu lực. Hơn nữa khách hàng vẫn có thể dùng những tài sản khác để vay đầu tư chứng khoán. Bà Vũ Thị Mỹ (sàn ACBS) TP HCM tiết lộ: “Tôi đang làm thủ tục để thế chấp một căn nhà của mình sau khi nhân viên ngân hàng mách nước dùng nhà để thay thế cho chứng khoán và ngân hàng sẽ linh động giữ nguyên mức lãi suất, đơn giản hoá thủ tục”.
Nhiều NHTM cũng đang tìm cách giúp khách hàng khó khăn về thời hạn trả nợ thay thế cầm cố chứng khoán bằng các tài sản khác có giá với những điều kiện ưu đãi.
Ông Lê Đắc Sơn, Tổng Giám đốc VP Bank nói: “Ở Việt Nam, thị trường tài chính mới sơ khai, kiểm soát cho vay kinh doanh chứng khoán là cần thiết nhưng cá nhân tôi cho rằng, nếu như NHNN nâng tỷ lệ lên 5-6% sẽ hợp lý. Quan điểm của Ngân hàng là sẽ không phá vỡ hợp đồng để thu hồi nợ trước hạn. Trước đây, Ngân hàng dự kiến sẽ cho vay kinh doanh chứng khoán tối đa 10% tổng dư nợ, nay NHNN đã có Chỉ thị 03 thì chúng tôi chỉ khống chế ở mức 3%".
TS Nguyễn Quang Hưng (Việt kiều Mỹ) nhận định: “Tôi biết nhiều ngân hàng, nhất là ngân hàng quốc doanh lớn đang có tỷ lệ cho vay cầm cố chứng khoán dưới 3% nhưng họ ngại cho vay thêm. Nên chăng các NH này hợp tác bằng cách nào đó để cùng với các NHTM có tỷ lệ vuợt quá 3% nhưng nhu cầu khách hàng, kiểm soát được tài sản thế chấp, chọn những khách hàng có hồ sơ tín dụng tốt... cho vay để giúp TTCK khởi sắc hơn?”
Phó Chủ tịch HĐQT một NHTM còn đề nghị thêm: “Trong tình trạng nhiều NHTM còn thừa vốn như hiện nay, nâng tỷ lệ lên không chỉ giúp nhà đầu tư mà còn đỡ cho chúng tôi về nguồn khách hàng”. Ông này còn đặt câu hỏi: “Tại sao cứ NHNN cứ sợ các NHTM vung tay quá trán khi mà chúng tôi luôn ý thức bảo vệ nguồn vốn hơn ai hết, NHNN cũng không nên đánh đồng tất cả các ngân hàng với nhau và dùng mệnh lệnh hành chính để buộc các NHTM tuân theo tư duy của mình”.
Bà Dương Ngọc Thảo, Giám đốc Chi nhánh CTCK Tân Việt tại TP. HCM lo ngại: "Có thể rất nhiều người sử dụng máy tính, Internet thành thạo nhưng dùng để giao dịch với số tiền có khi bằng cả gia tài với chỉ vàu cú click thì chỉ một sai sót nhỏ trong tích tắc không thể cứu vãn được". Ông Nam khuyến cáo: "Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhà đầu tư cũng phải ý thức được là mình đang trả tiền thật cho những sai sót trong thế giới ảo - internet nên cẩn thận, kỹ lưỡng, đọc đi đọc lại trước khi gửi lệnh". Còn ông Dzũng thì mách: “Lúc click gửi lệnh đều có những câu hỏi lại, nhà đầu tư đừng
bỏ qua bất kỳ điều gì trước khi OK”.