“Nếu căn cứ vào nhu cầu tiêu thụ thép của VN theo qui hoạch ngành vừa được phê duyệt thì chúng ta đang thừa ít nhất ba khu liên hợp” - ông Phạm Chí Cường, chủ tịch VSA, cho biết.
>> Đầu tư 8 tỷ USD cho sản xuất thép đến 2015
Không chỉ có nguy cơ thừa, nguy cơ các dự án thép này đe dọa môi trường là rất lớn vì sử dụng công nghệ “không thân thiện với môi trường”.
Đua nhau... sản xuất thép
Tháng 5/2007, biên bản hợp tác nghiên cứu khả thi dự án nhà máy liên hợp liên doanh giữa Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) với Tập đoàn Tàu thủy VN (Vinashin) đã được thông qua. Đây là khu liên hợp sản xuất thép có công suất 4,5 triệu tấn/năm gồm thép tấm, thép cuộn cán nóng, cuộn cán nguội, vốn ban đầu trên 4 tỉ USD.
Sản xuất thép tại Công ty Thép Phú Mỹ. (Ảnh minh hoạ: nguồn Báo Tuổi Trẻ) |
Một tháng sau, dự án liên hợp liên doanh giữa Tập đoàn TATA Steel (Ấn Độ) với Tổng công ty Thép VN (VSC) cũng được ký với qui mô dự kiến 4-5 triệu tấn/năm, vốn trên 3 tỉ USD, sản xuất thép tấm, thép cuộn cán nóng, cuộn cán nguội.
Tháng 8/2007, Vinashin lại ký ghi nhớ với Tập đoàn Lion Group (Malaysia) về dự án nhà máy liên hợp với vốn đầu tư lên đến 7,3 tỉ USD, trong đó giai đoạn một đầu tư 2,8 tỉ USD.
Một liên hợp khác có công suất nhỏ hơn là dự án nhà máy thép cán nóng liên doanh giữa Tập đoàn Essar Steel (Ấn Độ), VSC và Tập đoàn Công nghiệp cao su VN, công suất ban đầu khoảng 2 triệu tấn/năm thép cuộn cán nóng, sau đó tăng lên 3 triệu tấn/năm cũng đã được cấp phép với vốn đầu tư 600 triệu USD cho giai đoạn đầu.
“Nếu căn cứ vào nhu cầu tiêu thụ thép của VN theo qui hoạch ngành vừa được phê duyệt thì chúng ta đang thừa ít nhất ba khu liên hợp” - ông Phạm Chí Cường, chủ tịch VSA, cho biết.
Theo ông Cường, đến năm 2020 ngành thép VN đặt mục tiêu sản xuất 15-18 triệu tấn thép/năm. Với lượng thép này, chỉ cần 1-2 khu liên hợp như trên là đạt mục tiêu. Trong khi công suất các nhà máy sản xuất thép cây và thép cuộn hiện tại ở VN đã gần gấp đôi nhu cầu. Thế nhưng “trong các dự án với đối tác, VN vẫn cho liên doanh đầu tư ngay giai đoạn một thêm 2 triệu tấn công suất nữa”, ông Cường nói.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Quân - vụ trưởng Vụ Cơ khí luyện kim và hóa chất (Bộ Công thương), “tất cả dự báo liên quan đến qui hoạch ngành chúng tôi đều có báo cáo chi tiết đầy đủ mỗi khi được mời tham gia thẩm định chủ trương cho dự án trước khi được cấp phép”.
Những dự án tiền tỉ “trùm mền”
Trong khi các dự án mới được cấp phép tiếp tục ngày một nhiều thì một số dự án đã được cấp phép vẫn chưa khởi động. Dự án sản xuất thép Tycoons Steel International - trụ sở tại Thái Lan (công ty con của Tycoons Group International, Đài Loan) - làm chủ đầu tư, được cấp phép từ tháng 9/2006 tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) đúng ra đã khởi công từ tháng 5/2007 (sau nhiều lần hoãn) nhưng hiện vẫn “án binh bất động”.
Theo ông Nguyễn Trung - phó trưởng ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, “Tycoons đã thay đổi đối tác liên doanh nên giấy phép đầu tư phải điều chỉnh lại. Họ nói tháng 10/2007 sẽ chính thức khởi công!”.
Trong khi đó, một cán bộ thẩm định dự án của Bộ Công thương cho biết hiện bộ vẫn chưa nhận được các bản thiết kế cơ sở liên quan đến máy móc, thiết bị, cầu cảng của Tycoons nên “khả năng khởi công vào tháng mười là chưa chắc chắn”.
Phải tạm hoãn khởi công nhưng nhà đầu tư lại tiếp tục tăng vốn đầu tư từ 1,056 tỉ USD lên 1,6-1,8 tỉ USD (cho giai đoạn 1) và tổng vốn đầu tư cho cả dự án “lên đến 4 tỉ USD chứ không phải trên 1 tỉ USD như ban đầu”, ông Trung nói. Với giấy phép đầu tư vừa điều chỉnh, thời hạn cho nhà đầu tư tiếp tục kéo dài thêm 24 tháng để lựa chọn thời điểm phù hợp cho việc khởi công!
Một dự án khác cũng đang “trùm mền” là nhà máy thép không gỉ của Tập đoàn Samoa Qian Ding Group (Đài Loan) tại KCN Mỹ Xuân (Bà Rịa - Vũng Tàu), công suất 720.000 tấn/năm, vốn đầu tư 700 triệu USD. Được cấp phép sớm hơn cả Tycoons (tháng 11/2005) nhưng đến nay thời gian xây dựng vẫn… chưa thể công bố (!?). Theo điều tra riêng của VSA, nhiều khả năng dự án này không thể thực hiện vì lý do tài chính. VSA đã có công văn đề nghị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bộ Kế hoạch - đầu tư kiểm tra lại, “cần thiết thì thu hồi giấy phép đầu tư” nhằm tránh tình trạng “xí phần đất”.
Dự án thép có "giết" môi trường?
Với qui hoạch phát triển ngành thép vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các nhà máy sản xuất gang, phôi thép, thép cán khởi công xây dựng kể từ năm 2011 phải sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, thiết bị đồng bộ có tính liên hợp cao, suất tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng thấp…
Thực tế hiện nay, theo ông Phạm Chí Cường - chủ tịch VSA, khá nhiều dự án mới được cấp phép đã chọn hình thức chia bước đầu tư để giảm vốn đầu tư. Trong đó, giai đoạn một của dự án thường có qui mô nhỏ, sử dụng thiết bị Trung Quốc bất kể đã bị Trung Quốc cấm vì gây ô nhiễm, tiêu hao nhiều năng lượng và nguyên liệu nên không còn tính cạnh tranh.
Do ngay giai đoạn đầu của dự án nhà đầu tư đã chọn qui mô nhỏ nên họ không thể bỏ một khoản tiền lớn để đầu tư cho xử lý ô nhiễm môi trường (khí thải, nước thải).
Còn những dự án có công nghệ hiện đại thì lại nêu rất sơ sài trong luận chứng kỹ thuật, thường được chủ đầu tư "định hướng" ở giai đoạn hai. Điều này rất nguy hiểm vì giai đoạn hai thường chỉ thực hiện trên cơ sở hiệu quả của giai đoạn một. Vì vậy, vấn đề môi trường ở các dự án thép vẫn là câu hỏi lớn.
(Theo TTO)