(VietNamNet) - Có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đã có thể tránh được sự lệ thuộc quá nhiều vào thị trường thép thế giới nếu như 10 năm trước ngành thép không đi sai hướng.
Thời gian qua thị trường thép Việt Nam luôn trong tình trạng căng thẳng. Giá thép tăng liên tục làm cho nhiều công trình xây dựng vào cảnh khó khăn, chậm tiến độ. Mặc dù giá thép đang ở mức cao (gần 11 triệu đồng/tấn chưa có VAT), nhưng đe doạ tăng giá vẫn chưa chấm dứt. Nhiều dự báo giá thép còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.
Giải thích lý do vì sao giá thép tăng cao, các doanh nghiệp cho rằng do giá phôi trên thị trường thế giới tăng cao. Hiện nay giá phôi nhập khẩu đã lên tới 595 USD/tấn, giá phôi tăng thì giá thép tăng bởi vì Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới 60% phôi thép.
Giá phôi nhập khẩu tăng thì giá thép phải tăng là điều tất yếu khó tránh khỏi. Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đã có thể tránh được sự lệ thuộc quá nhiều vào thị trường thép thế giới nếu như 10 năm trước ngành thép không đi sai hướng.
Sản xuất thép tại Công ty thép Việt Úc. (Ảnh minh hoạ. Nguồn: www.haiphong.gov.vn) |
Theo Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Kế Bính giáo viên khoa Luyện kim - Đại Học Bách khoa Hà Nội, tồn tại lớn nhất của ngành thép trong 10 năm qua đó là sự mất cân đối giữa phát triển thượng nguồn (khai thác quặng sắt, sử dụng lò cao luyện phôi) và hạ nguồn (từ phôi cán ra thép). Các doanh nghiệp chỉ tập trung vào đầu tư các nhà máy cán thép mà không quan tâm đến đầu tư cho sản xuất phôi trong 1 thời gian dài để đến nay chúng ta mới chỉ sản xuất được 40% phôi.
Giải thích về vấn đề này, ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cho biết, khi Liên Xô tan vỡ phôi thép được các doanh nghiệp ở CHLB Nga, Ucraina... bán phá giá ra thị trường thế giới với giá rất rẻ, chỉ từ 150 USD - 180 USD/tấn trong 1 thời gian dài (đến tận năm 2000) và điều này gây ra nhiều khó khăn cho việc sản xuất phôi của các doanh nghiệp Việt Nam. Giá phôi rẻ, thuế nhập khẩu phôi của ta lúc đó là 0% vì vậy cứ việc nhập về cán thép rất dễ dàng thoải mái. Trong khi đó để sản xuất phôi thì phải đi từ khai thác quặng sắt, đầu tư xây dựng lò cao đòi hỏi nguồn vốn lớn các doanh nghiệp không có vì vậy không thực hiện được.
Nhưng theo ông Mai Khắc Kế nguyên Chủ tịch Công đoàn Bộ Cơ khí luyện kim (cũ) thì vào thời điểm đó giá phôi thép từ nguồn Liên Xô cũ không mang giá trị thực và tất nhiên nó chỉ là tạm thời chứ không phải kéo dài mãi mãi. Chỉ căn cứ vào nguồn cung cấp phôi giá rẻ mà không đầu tư sản xuất phôi thì đúng là thiếu tầm nhìn dài hạn.
Ông Kế cho biết ngay từ năm 1995 cụ thể là ngày 12/4/1995 Bộ Chính trị đã có thông báo số 112/TW nêu ý kiến về chiến lược sản xuất thép đến 2010. Trong đó nêu rõ tầm quan trọng của sản xuất thép với sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và chỉ đạo cụ thể: Tính toán làm rõ bước đi trong điều kiện vốn còn hạn hẹp kết hợp đầu tư chiều sâu nâng cao chất lượng các cơ sở hiện có. Trước mắt xây dựng vài cơ sở sản xuất thép cán vài chục vạn tấn/năm nhập khẩu phôi để đáp ứng nhu cầu thép hiện tại. Nhưng phải chuẩn bị tốt cho sản xuất thép liên hiệp đi từ quặng sắt để phục vụ nhu cầu CNH-HĐH. Mục tiêu giai đoạn I đến năm 2000 phấn đấu đạt 3 triệu tấn thép, 2010 đạt 7-8 triệu tấn thép. Phải tập trung xây dựng liên hiệp thép có công suất từ 3- 5 triệu tấn/năm.
Theo ông Kế chủ trương xây dựng liên hiệp sản xuất thép dựa trên việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) có trữ lượng khoảng 500 triệu tấn là chủ trương rất đúng nhưng sai lầm bắt đầu từ năm 1997. Đó là khi Tổng công ty Thép Việt Nam (dựa vào kết quả thăm dò của 1 số tổ chức nước ngoài) đã có văn bản phủ nhận chất lượng mỏ sắt Thạch Khê, cho rằng mỏ có hàm lượng kẽm cao vượt quy chuẩn cho lò cao và không dùng được, làm cho dự án bị ngừng trệ.
Không khai thác quặng sắt thì không phát triển được thượng nguồn và đương nhiên sẽ không có phôi. Bên cạnh đó còn một số ý kiến cho rằng Việt Nam không có đủ tài nguyên quặng sắt để phát triển sản xuất thép. Muốn phát triển thì phải nhập quặng mà nhập quặng thì khác gì nhập phôi vì vậy chỉ quan tâm đến phát triển hạ nguồn tức là đầu tư các nhà máy cán thép và nhập phôi về cán vừa đầu tư ít lại vừa được ăn ngay.
Vấn đề ở đây theo ông Kế là ta đã không tìm hiểu kỹ về công nghệ. Mỏ sắt Thạch Khê đã được Liên Xô thăm dò từ 1970 -1980 và kết luận chất lượng quặng tốt, đã có đề án khả thi xây dựng nhà máy thép liên hiệp ở Thạch Khê. Vì sao chỉ nói đến kẽm cao là không làm nữa? Kẽm cao vẫn có cách xử lý chứ không phải là không dùng được.
Nhu cầu về thép đang tăng cao. (Ảnh minh hoạ) |
Thôi thì mỏ Thạch Khê chưa khai thác được lùi lại cũng không sao, nhưng ngay khi đó Hội Đúc và Luyện kim cũng đã đề nghị trong lúc có phong trào đầu tư vào các dây chuyền cán thép thì Công ty Gang thép Thái Nguyên với thế mạnh sản xuất thép từ quặng nên tập trung phát triển sản xuất phôi với công suất giai đoạn đầu là 1 triệu tấn phôi/năm vào năm 2000, sau đó tiếp tục nâng công suất lên 1,5 triệu tấn phôi/năm với nguồn quặng sắt lấy từ mỏ Quý Xa (Lào Cai) và các mỏ nhỏ tại Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn....
Nhưng những cán bộ thuộc Tổng công ty thép khi ấy lại cho rằng vận chuyển xa xôi mà mỏ Qúy xa thì có hàm lượng Mangan cao và cũng không làm. Trong khi đó thì Trung Quốc vẫn sang Việt Nam mua quặng sắt và còn chở về đến tận Liễu Châu cách xa ta hơn 1.000 km mà họ không kêu gì cả.
Vẫn theo ông Kế mặc dù giá phôi, thép trên thị trường thế giới, nhất là từ các nước thuộc Liên Xô cũ rất thấp thì Trung Quốc vẫn kiên trì đầu tư vào sản xuất thép đi từ thượng nguồn và trong 10 năm qua sản lượng thép của họ đã tăng tới 200 triệu tấn.
Ông Bính cho biết: "Thời gian đó chúng tôi đã cảnh báo về điều này và đã có rất nhiều ý kiến nhưng không giải quyết được vấn đề gì. Các doanh nghiệp, nhất là Tổng công ty thép Việt Nam cứ kêu thiếu vốn, khó khăn, nhưng thực chất là họ không muốn làm mà chỉ muốn ăn ngay. Thực tế là chẳng có dự án nào về sản xuất phôi thép thời kỳ đó được trình lên các cấp lãnh đạo và thực hiện để đến bây giờ hậu quả là giá thép tăng cao người tiêu dùng phải chịu."
Các công ty thép thì chẳng thiệt hại gì. Họ cứ nhập phôi về cán, giá phôi tăng thì giá thép tăng, chỉ thiệt cho người tiêu dùng. Từ đầu năm đến nay nhà nước đã phải bỏ ra gần 2.000 tỷ đồng bỏ sung vốn cho các công trình xây dựng do giá nguyên vật liệu tăng cao, đó là chưa kể các công trình của người dân và các tổ chức kinh tế tự bỏ vốn xây dựng, ông Bính nói.
Hiện nay giá thép tại Trung Quốc chỉ có 4.000 nhân dân tệ/tấn (tương đương với khoảng 8,5 triệu đồng ), trong khi của chúng ta bán đến tay người tiêu dùng đã quá 11 triệu đồng/tấn.
Điều đáng nói là do bị lệ thuộc nhất là vào nguồn cung cấp phôi chính từ Trung Quốc nên chính sách của nước này thay đổi, ngay lập tức thị trường Việt Nam bị ảnh hưởng. Từ 1/6/2007 khi Trung Quốc quyết định tăng thuế xuất khẩu phôi thép lên 15% thì lập tức giá thép trong nước tăng lên và hiện nay Trung Quốc đang chủ trương hạn chế xuất khẩu bán thành phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu thành phẩm thì giá thép Trung Quốc có chiều hướng rẻ hơn giá phôi bán ra và ngành sản xuất thép của Việt Nam có nguy cơ lại thêm 1 phen chao đảo. Nếu chúng ta chủ động được đầu vào thì chắc chắn thị trường thép không bị lệ thuộc như hiện nay.
-
Trần ThuỷÝ kiến của bạn đọc: