221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
984642
Rượu, bia tăng giá: Chuyện có bình thường?
1
Article
null
Rượu, bia tăng giá: Chuyện có bình thường?
,

(VietNamNet) - Bất chấp những nỗ lực, biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ, từ đầu tháng 9, một số nhà sản xuất bia, rượu trong nước vẫn tăng giá sản phẩm. Tại sao họ lại chọn thời điểm này và chuyện tăng giá, ngoài vấn đề nguyên liệu, còn nguyên nhân nào khác?

 

>> Nhiều doanh nghiệp nuốt lời cam kết bình ổn giá

Đơn độc tăng giá!
 

Bia Heneiken - loại bia cao cấp duy nhất tăng giá đợt này

Heineken - loại bia duy nhất tăng giá đợt này

Cái cớ để hai đơn vị sản xuất bia Heineken và rượu Vodka Hà Nội tăng giá lên 6-7% so với thời điểm trước 1/9 là giá nguyên, vật liệu thế giới cũng như trong nước đang tăng cao.

 

Cụ thể đối với nhãn hiệu bia Heineken, đơn vị sản xuất là Nhà máy bia Hà Tây chỉ đưa ra lý do chung chung là 5 nguyên liệu dùng để sản xuất loại bia này trên thế giới tăng cao mà từ chối nêu cụ thể loại nào, tăng bao nhiêu cũng như mức tăng đó ảnh hưởng thế nào đến giá thành sản phẩm.

 

Trong khi đó, nguyên nhân mà Công ty rượu Hà Nội đưa ra cho việc tăng giá thêm 7% mặt hàng rượu Vodka là tất cả các nguyên liệu từ gạo, sắn đến xăng, dầu, vỏ chai, nhãn mác... đều tăng, cộng với thuế tiêu thụ đặc biệt của mặt hàng này rất cao. Nhưng cũng như Heineken, nhà sản xuất chưa đưa ra được cụ thể mức tăng của nguyên liệu

 

Điều đáng nói là, cũng dựa trên những nguyên, vật liệu như vậy nhưng cho đến nay, các sản phẩm cùng loại khác vẫn chưa có dấu hiệu tăng giá.

 

Thừa nhận giá một số nguyên liệu sản xuất bia như malt, hoblông, gạo tăng giá từ đầu năm nay, đặc biệt giá malt trên thế giới đã tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2005 (hiện lên đến hơn 700USD/tấn), nhưng ông Nguyễn Bá Thi - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Bia rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vẫn khẳng định, từ giờ đến cuối năm, đơn vị ông sẽ không tăng giá sản phẩm.

 

Ngay cả sản phẩm bia của Habeco - Tổng Công ty bia, rượu, nước giải khát Hà Nội cũng vậy. Ông Nguyễn Hồng Linh, Phó Tổng GĐ Habeco, cho hay, mặc dù malt chiếm ½ chi phí nguyên liệu đầu vào nhưng việc tăng giá sản phẩm vẫn phải được xem xét, tính toán kỹ càng. Hiện Habeco vẫn chưa có chủ trương tăng giá.

 

Các đại diện trên đều giải thích, thứ nhất, ở các công ty lớn việc đặt mua nguyên liệu thường được tính trước 1 năm. Ví dụ năm nay mua thì năm sau mới sản xuất. Đến thời điểm này, các hãng đều đã mua xong nguyên liệu cho nên, việc tăng giá lúc này là không hợp lý.

 

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Bá Thi cũng chia sẻ: “Mình là doanh nghiệp lớn nên phải ủng hộ chính sách của Nhà nước, đồng thời có trách nhiệm giữ đúng cam kết với khách hàng. Có thể tăng giá vẫn bán được, nhưng mình chấp nhận giảm lãi, còn hơn là để dân “sốc” quá”.

 

Như vậy, nếu căn cứ vào lời của ông Thi thì mức tăng giá một số nguyên, vật liệu vừa qua vẫn nằm trong diện chịu đựng được. Nó chưa đến độ đẩy nhiều doanh nghiệp vào “bước đường cùng” là phải tăng giá sản phẩm.

 

“Không phải cứ nguyên liệu tăng là giá tăng!”

Giá các loại bia trong nước có thể sẽ vẫn ổn định từ giờ đến hết năm - Nguồn ảnh VNN

Giá các loại bia khác trong nước có thể sẽ vẫn ổn định từ giờ đến hết năm - Nguồn ảnh VNN

 Ông Thi cho rằng, đổ cho riêng nguyên liệu là chưa chính xác vì trong kinh doanh, không phải cứ nguyên liệu tăng là giá tăng.

 

“Giá nguyên liệu tăng hay giảm là có tính chu kỳ nên không phải cứ nguyên liệu tăng thì giá bia cũng phải tăng theo. Ở đây, giá nguyên liệu tăng chỉ là một phần mà cái chính của việc tăng giá sản phẩm vẫn phụ thuộc vào thị trường và chiến lược của mỗi nhà kinh doanh.

 

Đối với Heineken và Vodka Hà Nội, các ý kiến đánh giá, đây đều là hai nhãn hiệu “đang có lợi thế trên thị trường”, được người tiêu dùng chấp nhận.

 

Nếu như Vodka Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng bởi chất lượng hơn hẳn so với những sản phẩm cùng loại, được tiêu thụ mạnh trên thị trường thì Heineken lại là tên tuổi chi phối gần như hoàn toàn dòng bia cao cấp tại VN theo kiểu một mình một sân chơi.

 

Việc tăng giá là do “chiến lược” của mỗi công ty, ngay cả đại diện của chính Heineken và Vodka Hà Nội cũng không phủ nhận điều này.

 

Đáng nói là, dù mức tăng khoảng 6-7% là không nhiều, thậm chí có người còn nhìn nhận theo hướng tích cực là tăng giá sẽ giúp hạn chế việc tiêu thụ bia, rượu, nhưng việc chọn thời điểm “nhạy cảm” này để tăng giá của nhà sản xuất như đi ngược lại với mong muốn, nỗ lực bình ổn giá cả của Nhà nước cũng như người tiêu dùng. Đó là chưa kể đến những tác động về tâm lý khiến cho một số mặt hàng khác tăng theo.

"Phải bình thường hóa việc giá lên, xuống!"

Làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã tìm gặp ông Phan Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Tiêu dùng và Thực phẩm, Bộ Công thương.

 

Về mức tăng giá hai mặt hàng bia, rượu lần này, ông Dũng cho rằng đó là phù hợp. Bởi thứ nhất là Nhà nước không khuyến khích dùng và thứ hai là bản thân giá trị đầu vào tăng. Việc bia Heneiken – loại bia thuộc dòng cao cấp tăng giá là không ảnh hưởng đến cục diện thị trường cũng như đến cuộc sống của những người tiêu dùng bình dân.

 

Ông Vụ trưởng nhấn mạnh: “Trong nền kinh tế thị trường, người tiêu dùng chính là người quyết định giá cả, chứ không phải doanh nghiệp hay Nhà nước (ngoại trừ một số mặt hàng vẫn thuộc sự điều tiết của Nhà nước). Do đó, cái gì thuộc phản ứng của thị trường phải để thị trường điều chỉnh.

 

Tăng giá hay không, vào thời điểm nào, phụ thuộc vào chiến lược và sự phù hợp về mức giá trên thị trường, vào việc người tiêu dùng có chấp nhận hay không. Giờ mở cửa thông thương, giao lưu rồi thì làm sao mình cứ làm khác những cái mà thị trường đang diễn ra. Vậy nên, phải bình thường hóa việc giá cả lên, xuống.”

 

Về vai trò của Nhà nước thông qua những biện pháp để kiềm chế tăng giá, ông Dũng cho rằng, Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm giá chứ không thể bắt doanh nghiệp giảm nếu như nhu cầu của thị trường vẫn cao và nguồn cung vẫn chưa đủ.

 

“Nhà nước muốn là một chuyện còn thực hiện được hay không lại là câu chuyện khác. Tăng giá một cách hợp pháp, do điều chỉnh phù hợp với thị trường, được người tiêu dùng chấp nhận thì đó là bình thường!”, ông Dũng nói.


  • Nguyễn Nga
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,