(VietNamNet) - Tất cả các DN xây dựng khi được hỏi đều cho rằng giá thép tăng quá nhanh và quá cao, đã vượt xa dự tính ban đầu của họ.
>> Có thể sẽ giảm thuế nhập khẩu thép
>> Thép cuộn "cháy" hàng
>> Giá phôi thép tăng thêm 100 USD/tấn
>> Giá thép cao: giá của sự sai lầm?
>> Trung Quốc tiếp tục mạnh tay hạn chế xuất khẩu sắt thép
Theo tính toán của các doanh nghiệp xây dựng, chi phí cho thép chiếm khoảng 25% trong tổng chi phí các công trình xây dựng. Giá thép tăng mạnh trong thời gian qua đang làm nhiều công trình xây dựng phải tạm ngừng, nhiều doanh nghiệp xây dựng lâm vào tình trạng khó khăn.
Hiện nay, giá thép bán đến chân các công trình xây dựng đang ở mức 12 triệu đồng/tấn. Mức giá này đã vượt qua tất cả các dự đoán của nhiều doanh nghiệp xây dựng và tác động mạnh đến công việc thi công.
Theo ông Hoàng Chí Cường - Phòng Kế hoạch và Đầu tư Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp, giá thép tăng cao, tác động rất mạnh tới các công trình xây dựng. Nhiều hợp đồng thầu có giá trị cố định, không được phép điều chỉnh giá đã làm cho nhiều nhà thầu khóc dở mếu dở.
Ông Cường cho biết, với những công trình được điều chỉnh giá thì việc điều chỉnh thường theo quý, trong khi giá thép tăng theo tuần, thì nhà thầu cũng không chịu nổi và đành phải chờ đợi chủ đầu tư phê duyệt, ảnh hưởng lớn đến tiến độ. Hiện nay hầu hết các công trình xây dựng đều bị chậm tiến độ do chờ đợi điều chỉnh giá hoặc do thấy thua lỗ nên nhà thầu tạm ngừng lại.
Giá thép tăng cao tác động xấu tới lĩnh vực xây dựng. (Ảnh minh hoạ) |
Một cán bộ của Công ty Xây dựng số 9 Hà Nội (Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội) cho biết, giá thép tăng cao như hiện nay vượt rất xa so với những dự báo của họ.
Hiện Công ty Xây dựng số 9 Hà Nội đang thi công một số công trình quan trọng cho các chủ đầu tư là Học viện Hành chính Quốc gia, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Các công trình này trúng thầu cách đây 3 tháng lúc đó giá thép còn thấp, nay thì tới 12 triệu đồng/tấn và Công ty chưa có giải pháp xử lý.
"Tất cả những vấn đề này chúng tôi đều phản ánh với chủ đầu tư, nhưng nhiều chủ đầu tư cũng chẳng giúp đỡ hay hỗ trợ được gì mà chỉ nói là cứ làm đi, nhưng cứ làm thì thua lỗ làm sao được," cán bộ công ty nói trên cho biết.
Ông Phương Kim Thảo - Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng dân dụng Hà Nội cho biết hiện nay các doanh nghiệp xây dựng lớn thì còn trụ được, nhưng với những doanh nghiệp nhỏ thì rất khó khăn. Làm xây dựng trong thời buổi giá vật liệu tăng mạnh thật là khổ. Với những công trình sử dụng vốn ngân sách thì đến nay Nhà nước vẫn chưa cho phép điều chỉnh giá và nhiều công trình đã phải ngừng thi công. Tôi cũng đã thấy không ít nhà thầu trúng thầu đã bỏ vì giá nguyên vật liệu tăng cao, làm thì sẽ bị thua lỗ.
Đại diện Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long cho biết các hợp đồng điều chỉnh giá thì diễn ra rất chậm và thủ tục rất rườm rà, mất rất nhiều thời gian, có khi đợi tới 1 năm sau mới hoàn tất. Như vậy, với những hạng mục đang thi công thì coi như không được điều chỉnh gì và nhà thầu phải chấp nhận thua thiệt cho nên nhiều công trình đang thi công rất chậm vì nhà thầu cứ chờ đợi.
"Thực sự thép thì không thiếu kể cả thép cuộn đang bị cho là thiếu hàng bởi nếu chúng tôi đến tận nhà máy đặt hàng thì các DN sẽ sản xuất không có gì khó khăn, vấn đề chính là giá như thế nào, có chịu nổi không mà thôi," đại diện Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long nói.
Theo một số doanh nghiệp sản xuất thép, với đà tăng mạnh của giá phôi thép nhập khẩu thì khả năng giá thép xây dựng trong nước sẽ còn phải tăng lên. Mức tăng được dự báo có thể vượt 13 triệu đồng/tấn. Nếu giá thép như vậy thì còn tác động tiêu cực tới lĩnh vực xây dựng.
Nhưng theo ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, vừa qua các DN Trung Quốc cố tình đẩy giá phôi lên cao thực chất là để xuất khẩu thép thành phẩm. Các DN Việt Nam cũng nhận ra điều này và đã ngừng việc giao dịch mua phôi từ Trung Quốc và tìm kiếm nguồn cung khác. Thời gian qua, có một số hợp đồng mua phôi của Tổng Công ty Thép Việt Nam và một số DN khác với Trung Quốc ở mức 575 USD/tấn đã được huỷ bỏ. Nhiều DN đã tìm mua phôi tại Malaysia và Thái Lan cũng gần Việt Nam và có giá thành thấp hơn. Với điều này, hy vọng giá thép trong nước sẽ không tăng cao hơn nữa.
Thực tế do quá lệ thuộc vào nguồn cung phôi thép nhập khẩu mà thị trường thép trong nước thời gian qua bị chao đảo, tác động xấu tới lĩnh vực xây dựng. Trong khi đó, một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia được cho là có tiềm năng về sản xuất thép không bằng Việt Nam nhưng họ không bị tác động mạnh như vậy.
-
Trần Thuỷ