Theo công văn "kêu cứu" lên Liên bộ Tài chính - Công thương, các doanh nghiệp đầu mối đề xuất hai phương án. Thứ nhất cho phép giá bán xăng được điều chỉnh theo thị trường. Nếu không được chấp nhận thì áp dụng cách thứ 2, Nhà nước đứng ra bù lỗ.
>>Nhiều câu hỏi từ việc chậm giảm giá xăng
Kiến nghị này được đưa ra khi giá dầu thô tại sàn giao dịch châu Á chiều tối qua đạt 86,76 USD một thùng. Tại thị trường Singapore - nơi cung cấp nguồn hàng chính cho các nhà nhập khẩu VN, xăng A92 được chào bán với giá 89,96 USD mỗi thùng và 97,34 USD đối với mặt hàng dầu diezel.
Theo tính toán của các doanh nghiệp, với mức giá này sau khi cộng thêm 10% thuế VAT, 10% thuế tiêu thụ đặc biệt, cùng với các loại phí giao thông, bảo hiểm, kho bãi, hoa hồng đại lý, lưu thông... giá bán đến tay người tiêu dùng vào khoảng 12.800 đồng mỗi lít xăng và 11.619 đồng cho mỗi lít dầu. So với giá bán hiện tại, mỗi lít xăng A92 doanh nghiệp lỗ khoảng 1.500 đồng và khoảng 3.400 đồng với mỗi lít dầu diezel. Xăng A92 đang có giá 11.300 đồng và dầu diezel đang ở mức 8.700 đồng.
"Như vậy cứ bình quân một lô hàng 10.000 tấn xăng thì doanh nghiệp bị lỗ khoảng 15 tỷ đồng", đại diện một doanh nghiệp nhẩm tính.
Ông cho biết sáng nay một số doanh nghiệp đã có phương án đề xuất lên Liên bộ Tài chính - Công thương cho phép thực hiện một đợt điều chỉnh giá bán mới. Nếu không được chấp nhận thì cơ quan quản lý nên áp dụng một số biện pháp hành chính khác để giảm áp lực cho doanh nghiệp.
Trước áp lực tăng giá của nhiều mặt hàng, cơ quan quản lý cũng không giấu nổi những lo ngại. Từ chối đưa ra bình luận song một quan chức Bộ Công Thương cho rằng sẽ xem xét các phương án để giảm lỗ cho doanh nghiệp mà không ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi người tiêu dùng.
(Theo VNE)