221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1002400
Không sửa Chỉ thị 03: Làm sao "gọt chân cho vừa giày"?
1
Article
null
Không sửa Chỉ thị 03: Làm sao 'gọt chân cho vừa giày'?
,

(VietNamNet) - Mấy ngày qua, TTCK Việt Nam lạnh đi tới mức “sốt ruột”. Từ ngày 2/11/2007 TTCK đã giảm nhẹ, cũng là ngày Ngân hàng Nhà nước họp để đánh giá sau 4 tháng thực hiện Chỉ thị 03. Đến ngày 5/11/2007, Ngân hàng Nhà nước chính thức có thông báo tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN về cho vay chứng khoán, trái với mong đợi của thị trường. Tại sao Ngân hàng Nhà nước lại có thông báo trên?

>> Ngân hàng Nhà nước: Không thay đổi Chỉ thị 03
>>
Khống chế cho vay chứng khoán: Cú sốc mang tên hành chính! 
>> Cho vay chứng khoán:Giới ngân hàng nhìn lại Chỉ thị 03...
>> Chỉ thị 03 về cho vay chứng khoán: Sửa theo hướng nào?

"Gọt chân cho vừa giày"

Thực ra, trong thông báo của Ngân hàng Nhà nước không nói là sẽ không sửa hay không có điều chỉnh gì Chỉ thị 03. Tại thông báo Ngân hàng Nhà nước cũng nói rõ: “Hiện nay cơ chế kiểm soát cho vay kinh doanh chứng khoán không thay đổi, các tổ chức tín dụng và các đơn vị trong ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 03”. 

Giới chuyên môn ngân hàng tài chính thì bình luận: “Hiện nay” được Ngân hàng Nhà nước đề cập tại thông báo ngày 5/11/2007 sẽ kéo dài bao lâu, 1 tháng hay hơn 1 tháng? Trong phương pháp chỉ đạo hay quản lý hành chính của cơ quan quyền lực Nhà nước khi đang trong quá trình thực hiện thì “phải cương quyết, phải cứng rắn” đó là đương nhiên. Còn thời điểm thực hiện cuối cùng trong thực tế thì không thể “gọt chân cho vừa giày" được. 

Nhiều ngân hàng không thể đơn phương hủy bỏ hợp đồng tín dụng với khách hàng ký trước ngày 28/5/2007. Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Đồng thời trong khi đó còn gần 2 tháng nữa, tức là đến 31/12/2007 là thời điểm các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng mới phải đưa tỷ lệ cho vay chứng khoán xuống dưới 3% tổng dư nợ.

Thông báo của Ngân hàng Nhà nước cũng nói rõ: “Yêu cầu từng tổ chức tín dụng tìm mọi biện pháp giảm dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán, phấn đấu đạt tỷ lệ dưới 3% đến cuối năm 2007”. 

Thực ra tỷ lệ nói trên nếu là luật, là quy định pháp lý thì không thể có chuyện “phấn đấu” được, nhưng đây là biện pháp can thiệp hành chính và chuyện “phấn đấu” ở đây giới chuyên môn cũng nhận thức được rằng Ngân hàng Nhà nước thừa biết nhiều tổ chức tín dụng không thể đơn phương huỷ bỏ hợp đồng tín dụng ký với khách hàng khi mà thời hạn thu hồi nợ chưa tới, cũng tức là không thể ép khách hàng trái pháp luật để bắt buộc họ trả nợ trước hạn được.

Bởi nghiêm túc chấp hành Chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước, những tổ chức tín dụng đã rà soát lại tất cả các hợp đồng tín dụng cho vay vốn kinh doanh chứng khoán ký kết trước ngày 28/5/2007 còn thời hạn đến sau ngày 31/12/2007 mà tổng dư nợ cho vay chứng khoán vẫn vượt 3% so với tổng dư nợ của mình thì đã có báo cáo xin ý kiến của Ngân hàng Nhà nước. 

Bởi vì trong thực tế nhiều ngân hàng thương mại cổ phần không thể đưa tỷ lệ cho vay chứng khoán về tỷ lệ đó ở thời điểm đó. 

Mặc dù một số ngân hàng thương mại đã động viên khách hàng trả nợ trước hạn thì được giảm lãi suất cho vay, thậm chí “bán lại nợ” cho ngân hàng thương mại Nhà nước có tỷ lệ dư nợ cho vay chứng khoán thấp, chấp nhận lãi suất thấp hơn lãi suất cho khách hàng vay vốn. 

Thậm chí có ngân hàng thương mại cổ phần cùng với khách hàng thay đổi hợp đồng tín dụng chuyển đổi mục đích sử dụng vốn sang đầu tư nhà đất, sửa chữa nhà ở... hoặc tăng tổng dư nợ chung lên. 

Tất cả các “cố gắng” đó đều nhằm làm “trong sạch” báo cáo tín dụng với Ngân hàng Nhà nước, song tính toán lại “bằng mọi biện pháp” nhưng vẫn không đưa được tỷ lệ cho vay chứng khoán về theo thời hạn quy định.

Khoảng 50% ngân hàng không đạt dư nợ 3%

Tại Hà Nội, được biết đến nay duy chỉ có Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương là có tỷ lệ dư nợ cho vay chứng khoán xuống dưới 2,2% tổng dư nợ, còn lại gần 10 ngân hàng thương mại cổ phần khác có tỷ lệ trên 3%. Đặc biệt có một số ngân hàng có tỷ lệ từ trên 10%, nên việc giảm vài chục % dư nợ chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng nữa là điều hoang tưởng đối với một số ngân hàng này. 

"TTCK non trẻ của VN rất nhạy cảm với các chính sách hành chính". Ảnh minh họa của LAD

Một nguồn thông tin cũng cho hay, chỉ khoảng 50% số ngân hàng thương mại cổ phần ở Hà Nội cam kết sẽ đưa tỷ lệ cho vay chứng khoán về dưới 3% ở thời điểm kết thúc năm 2007, còn lại thì họ nói là không thể. 

Tại TP.HCM nơi TTCK sôi động và các ngân hàng thương mại cổ phần năng động, tình trạng tỷ lệ cho vay chứng khoán cũng ở tình trạng tương tự. Bản thân ông Lý Xuân Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu, ngân hàng cổ phần có quy mô lớn nhất, được đánh giá là quản trị rủi ro tốt nhất trong khối cũng công khai thừa nhận không thể thực hiện đúng Chỉ thị 03 tại thời điểm 31/12/2007.

Cho đến nay dù chính thức qua con đường hành chính của hoạt động quản lý, cũng như công khai trên công luận, chưa thấy Ngân hàng Nhà nước giải thích hay trả lời các ngân hàng thương mại cổ phần có các hợp đồng tín dụng cho vay vốn kinh doanh chứng khoán ký trước ngày ban hành Chỉ thị 03 mà chưa đến hạn trả nợ ở thời điểm 31/12/2007 vượt quá tỷ lệ 3%.

Tại thông báo ngày 5/11/2007, Ngân hàng Nhà nước cũng nói rõ sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng có tỷ lệ cho đầu tư kinh doanh chứng khoán vượt mức 3%. Việc thanh tra, kiểm tra thực tế của Ngân hàng Nhà nước là đúng vì không thể chỉ dựa vào bản báo cáo của các ngân hàng thương mại cổ phần đó được, nhất là trong bối cảnh thời hạn nộp 4.200 tỷ đồng IPO Công ty Tài chính Dầu khí là ngày 9/11/2007 đã đến gần, đợt IPO Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam sắp diễn ra, TTCK lại đặc biệt nhạy cảm vào cuối năm. 

Thanh tra, kiểm tra tổ chức tín dụng là để tránh trường hợp “báo cáo láo”, lợi dụng sơ hở của cơ quan quản lý để tiếp tục cho vay chứng khoán. Qua thanh tra, kiểm tra mà thấy rõ ràng thực tế nhiều ngân hàng thương mại cổ phần có các hợp đồng tín dụng còn thời hạn, ký trước thời điểm quy định, có tính thực tế, thì rõ ràng Ngân hàng Nhà nước phải chấp nhận thực tế, cụ thể đối với từng ngân hàng, mà không thể áp dụng bất cứ một chế tài xử phạt nào, thì đó cũng là một hướng sửa Chỉ thị 03 như dư luận đã từng dự báo.
 
TTCK Việt Nam còn non trẻ, mới giai đoạn đầu phát triển, sự liên thông và tác động nhạy cảm giữa hoạt động ngân hàng và TTCK là tất yếu. Nên Chỉ thị 03 mà "nóng" thì dễ làm TTCK "lạnh" là điều dễ hiểu!

  • Nguyễn Hà

Ý kiến bạn đọc:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,