221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1006592
Kinh doanh tiền qua mạng: Một món lãi hời?
1
Article
null
Kinh doanh tiền qua mạng: Một món lãi hời?
,

(VietNamNet) - Vừa qua, nhiều đường dây kinh doanh tiền qua mạng đã bị phanh phui và người thiệt hại vẫn chính là những người nhẹ dạ cả tin. Theo những người môi giới trong loại hình kinh doanh này, lãi suất dao động từ 2,5%-3%/ngày. Chúng ta thử làm một phép tính với con số  2,5%.

Có loại hình đầu tư nào mà lợi nhuận lại đến 800.000%?
Có loại hình đầu tư nào mà lợi nhuận lại đến 800.000%?

Nếu tính lãi suất đơn, đầu năm bỏ ra 1 triệu đồng, cuối năm, tính cả tiền gốc, “nhà đầu tư” sẽ có được 10 triệu đồng (lãi suất 900%/năm). Nếu tính lãi suất kép theo tháng thì số tiền cuối năm có được sẽ trên 800 triệu đồng, và tính lãi suất kép theo ngày thì con số này sẽ trên 8 tỷ đồng, tức là người gửi sẽ có được mức lãi suất 800.000%.

Có thật là nhà đầu tư sẽ nhận được một mức siêu lãi suất như vậy?

Suất sinh lợi của một số loại hình đầu tư

Tiền mà các tổ chức huy động được nếu không đem vào hoạt động kinh doanh mà nó đem lại mức lợi nhuận 20%-30/năm là lý tưởng lắm rồi, thì cũng được đem đầu tư vào một số loại hình phổ biến dưới đây.

Mua trái phiếu hay gửi ngân hàng? Đây là loại hình đầu tư ít rủi ro nhất. Có nhiều loại trái phiếu như: trái phiếu chính phủ, trái phiếu đô thị, trái phiếu công ty. Mỗi loại trái phiếu có một mức độ rủi ro khác nhau và do đó lãi suất khác nhau nhưng thông thường lãi suất của các loại trái phiếu này dao động trong khoảng 8-10%mỗi năm. Trong trường hợp đem gửi tiết kiệm ngân hàng thì lãi suất nhận được cũng chỉ là 8,4%/năm.

Đầu tư cổ phiếu? Nếu số tiền đầu tư đem bỏ vào danh mục thị trường như chỉ số VN-Index thì từ đầu năm đến nay (18/11/2007), suất sinh lợi có được sẽ là 36%. Trường hợp đầu tư vào những cổ phiếu niêm yết có mức tăng giá cao nhất (như BMC chẳng hạn) thì suất sinh lợi có được cũng chỉ là 1000%, nhưng nếu chẳng may mua phải những cổ phiếu giảm giá liên tục thì số tiền còn lại chưa đến một nửa. Nhìn chung, khi thị trường cổ phiếu phát triển lành mạnh, nếu ai có được suất sinh lời khoảng 20% một năm là hạnh phúc lắm rồi.

Kinh doanh bất động sản? Đây là loại hình đầu tư dài hạn, nhiều vốn, nhiều rủi ro. Rủi ro ở đây là do giá bất động sản ở Việt Nam hiện tại quá cao và có thể bị đóng băng. Vì vậy, đồng vốn có thể chị chiếm dụng lâu dài. Một rủi ro khác nữa là nếu không may bất động sản nằm trong khu quy hoạch thì giá đền bù sẽ rất thấp. Trong phương thức đầu tư này, những người may mắn chớp được thời cơ thì suất sinh lợi hàng năm cũng chỉ gấp vài lần, nhưng cũng không ít người trắng tay.

Chơi hụi, cho vay nóng…???

Nói chung, trong tất cả các phương thức đầu tư tiền nhàn rỗi thì khả năng có được một vốn bốn lời làm đều không dễ dàng chút nào. Với lãi suất 2,5% ngày như trên thì tính kiểu nào cũng là trò lừa đảo. Thực ra trò lừa đảo này đã xuất hiện trên thế giới cách đây hàng trăm năm với điển hình là vụ Ponzi và đã xuất hiện ở Việt Nam cách đây gần hai chục năm mà điển hình là vụ nước hoa Thanh Hương.

Câu chuyện về Ponzi

Charles Ponzi là một tay bịp gốc Ý, sinh năm 1882, qua Mỹ năm 1903. Năm 1919, Ponzi bắt đầu lừa thiên hạ bằng cách bán cổ phần trong công ty với phần lời 50% trong 45 ngày. Ponzi dụ dỗ người đầu tư rằng ông sẽ mua bưu phiếu ở Ý với giá rẻ, qua bưu điện Mỹ đổi lại với giá cao, cứ làm vậy hoài sẽ mãi mãi sinh lời.

Người ta tin lời Ponzi, có lẽ vì thời đó thông tin từ Ý qua Mỹ khó khăn không kiểm chứng được giá bưu phiếu, nên họ đổ xô vào đầu tư. Ponzi chỉ lấy tiền của người đầu tư hôm nay để trả lại cho người đầu tư hôm qua.

Những ngày tháng đầu, vì số người đầu tư đầu tiên ăn quá “ngon” thiên hạ đổ xô đi bỏ tiền vào Công ty của Ponzi. Tiền vào như nước, Ponzi sống như một ông hoàng.

Dĩ nhiên là không thể nào mà có đủ người cứ đổ tiền vào như thế mãi. Những người bỏ tiền vào sau cùng, Ponzi đã không có tiền đâu mà trả, thế là họ bị trắng tay.

Lối lừa đảo này tiếng Anh còn gọi là “pyramid scheme” - mẹo lừa kiểu Kim Tự Tháp. Trên ngọn thì nhỏ, là những người đầu tư lúc đầu, thì bọn lừa dùng tiền những người đầu tư sau để trả họ.

Những người đầu tư sau như phần gốc, to hơn, nâng phần ngọn, là những người đầu tư trước. Nhưng cái gốc không thể lớn mãi, đến khi đó phía trên không có cái gì đỡ, vậy là cả cái Kim Tự Tháp sụp đổ.

Ponzi ở Việt Nam

Cuộc điều tra sau sự sụp đổ của Thanh Hương cho thấy đây là vụ lừa đảo tín dụng dưới kiểu huy động vốn hình tháp (financial pyramid/ponzi scheme).

Điều mà Thanh Hương cũng như các hợp tác xã tín dụng khác làm là huy động tiền tiết kiệm từ công chúng với lãi suất tiền gửi danh nghĩa lên tới 12%/tháng (144%/năm tính theo lãi đơn và 290% tính theo lãi kép).

Làm thế nào để có thể trả được khoản lãi cao như vậy? Câu trả lời là tiền gửi. Tức là tiền tiết kiệm của người gửi tiền sau được dùng để trả lãi cho người gửi tiền trước.

Việc Thanh Hương trả được lãi lại làm tăng thêm uy tín tài chính và vì vậy càng thu hút nhiều người đổ tiền cho hãng nước hoa này. Giống như ở mọi nơi khác, các tổ chức tiết kiệm/cho vay theo kiểu ponzi này đều có kết cục là đổ vỡ với hàng chục ngàn người mất tiền tiết kiệm của mình.

Sau Thanh Hương, hàng loạt các quỹ tín dụng khác nối đuôi nhau phá sản, tạo ra một cuộc đổ vỡ tín dụng mang tính hệ thống nhất từ trước tới nay ở Việt Nam. Bên cạnh sự mất mát về tiền, cuộc khủng hoảng tín dụng năm 1990 còn tạo ra một tác động tâm lý sâu rộng với sự sụt giảm lòng tin nghiêm trọng của người dân đối với hệ thống ngân hàng.

Bổn cũ soạn lại, vẫn có người bị lừa

Ở cái thời của Ponzi, việc liên lạc còn rất khó khăn, những người ở Mỹ khó mà biết thông tin ở Ý nên lợi dụng khoảng cách này Ponzi đã làm được một phi vụ ra trò.

Ở Việt Nam, vào cuối thập niên 1980, sở dĩ có sự kiện nước hoa Thanh Hương là do lúc đó, nước ta mới bắt đầu mở cửa, cuộc sống còn rất thiếu thốn, cái gì cũng thấy có giá trị đã làm cho công chúng tin rằng việc sản xuất có thể tạo ra rất nhiều lợi nhuận nên người ta đổ xô gửi tiền vào các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Ở thời internet ngày nay, lợi dụng sự hiểu biết chưa đầy đủ của một số người mà những kẻ lừa đảo đã lừa rằng việc kinh doanh qua mạng tiết kiệm được chi phí nên có thể tạo ra mức lợi nhuận như vậy. Một lần nữa Ponzi lại xuất hiện và nhiều người trắng tay.

Thành ngữ “một vốn bốn lời” được dùng để chỉ những hoạt động kinh doanh siêu lợi nhuận, làm gì mà có thể kinh doanh một vốn 8 lời, thậm chí 800 hay 8.000 lời, nếu không phải là trò lừa đảo?

  • Thúy Bình – Thảo Nguyên

    Ý kiến bạn đọc:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,