221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1014510
"Việt Nam mới chỉ trong tư thế đứng trước biển"
1
Article
null
'Việt Nam mới chỉ trong tư thế đứng trước biển'
,

(VietNamNet) - "Để chinh phục và khai thác nguồn lợi của biển, phải bắt đầu từ nhận diện lại chính bản thân biển cả" - TS Trần Đình Thiên, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh tại Hội thảo “Tầm nhìn kinh tế biển và phát triển thủy sản”, do Bộ NN-PTNT phối hợp với Viện KH-XH Việt Nam tổ chức hôm 11/12.

>>Việt Nam cần “quay mặt ra biển” để phát triển
>>Cánh buồm, bờ biển và khu chế xuất
>>Bờ biển: Mỏ vàng khổng lồ

Khai thác thuỷ sản đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển. (Ảnh: Tổng cục Du lịch)


Vẫn quanh quẩn ven bờ

Vùng biển Việt Nam rộng trên 1 triệu km2, gấp hơn ba lần diện tích đất liền. Bờ biển dài 3.260km với hàng nghìn đảo... Mỗi năm, chúng ta có thể thu 5-6 tỷ USD riêng từ việc nuôi thuỷ sản trên biển gần bờ, tương đương với 8-10% GDP năm 2006 của đất nước. 

Theo TS Trần Đình Thiên, con số này là khiêm tốn, thậm chí rất khiêm tốn, song nó giúp thấy rõ hơn quy mô lợi ích không nhỏ của biển - đang nằm trong tầm tay Việt Nam. Nếu cộng với nguồn lợi khai thác theo kiểu đánh bắt truyền thống từ biển và nguồn lợi từ nuôi trồng ven biển - trên bờ, con số này có thể lên tới hàng chục tỷ USD. Đó là chưa tính đến sự hỗ trợ của công nghiệp, kỹ thuật cao và nguồn tài chính khác. 

Kết quả thăm dò đến nay cho thấy, vùng biển và thềm lục địa Việt Nam có trữ lượng 3-4 tỷ m3 dầu quy đổi; 120 bãi biển có thể phát triển du lịch, cảng biển. 

Trữ lượng hải sản phong phú với năng lực khai thác 1,5-1,8 triệu tấn/năm, trên 370.000ha nuôi trồng htủy sản ven biển, 50.000-60.000ha đồng muối. 

Biển Đông được coi là con đường chiến lược về giao lưu và thương mại quốc tế giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, với 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu (từ trung Quốc và Đông Nam Á). Khoảng 45% lượng hàng xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển trên các tuyến đường qua Biển Đông. 

Hội nghị TƯ 4 (khoá X) đã thông qua Nghị quyết về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020". Điều này có nghĩa là chúng ta phải "vươn ra biển lớn". Song, TS Trần Đình Thiên cho rằng, giống như 20 năm trước đây, và cũng như hàng nghìn năm trước, xét theo tọa độ "tĩnh", chúng ta vẫn chưa ra khơi, vẫn ở trên bờ. Khẩu hiệu "vươn ra biển lớn" hôm nay có nghĩa là Việt Nam vẫn đang "đứng trước biển". 

Ông đặt câu hỏi: Một dân tộc sau hàng nghìn năm như Việt Nam mà vẫn trong tư thế đứng trước biển? Đây thực sự là vấn đề. 

Đó là lý giải trên góc độ lịch sử. Về phương diện kinh tế - xã hội, người dân vẫn sống bằng phương thức "ven bờ", tức là đánh bắt ở "mom sông" và không là đối tượng của những nỗ lực khám phá, chinh phục và phát triển. 

Chính vì vậy, sau mấy chục năm, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Việt Thắng thừa nhận, nghề cá Việt Nam vẫn quy mô nhỏ, quen lối làm ăn nhỏ lẻ, quanh quẩn ở sân nhà nên đại bộ phận "ngư dân tiểu nghệ" chưa bước lên con đường chuyên nghiệp của một nghề cá công nghiệp, dám làm ăn lớn và đủ sức cạnh tranh trên thị trường mở. Chính vì thế, đột phá trong tổ chức lại sản xuất nghề cá trên biển, đôi khi phải mạo hiểm một chút, là rất cần thiết để nghề cá sớm đi xa hơn nữa ra đại dương. 

TS Trần Đình Thiên khẳng định, để chinh phục và khai thác nguồn lợi của biển trong điều kiện hội nhập, toàn cầu hoá và môi trường cạnh tranh nghiệt ngã, phải bắt đầu từ việc nhận diện lại chính bản thân biển cả. Với vị trí chiến lược đặc biệt, Biển Đông đang là "biển vàng" cho con người thế kỷ XXI. Bên cạnh nguồn lợi thuỷ sản, biển còn chứa đựng tài nguyên quý giá mà trong số đó, một số vẫn chưa định giá được, đó là dầu khí, muối, mangan và các loại quặng quý khác.

Ngoài ra, lợi ích của Biển Đông còn lại các tuyến vận tải biển, đường hàng không trên biển mà tại một số vùng đang trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế mạnh nhất thế giới. Người ta tính rằng sẽ có tới 2/3 khối lượng hàng hoá XNK của thế giới phải qua vùng biển này trong vòng 5-10 năm tới. Số lượng các nhà kinh doanh và khách du lịch đi qua đây cũng sẽ tăng vọt. Du lịch và vận tải hành khách qua Biển Đông - bằng tàu thuỷ và bằng máy bay - sẽ bùng bổ. Điều đó tạo cho Biển Đông những lợi ích khổng lồ.  

Năm 2008, ngành du lịch xác định trọng tâm sẽ là thu hút khách tàu biển.

Chính vì vậy, đầu tuần này, Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT và Du lịch) lần đầu tiên tổ chức một hội nghị về du lịch tàu biển quốc tế tại Hạ Long (Quảng Ninh) và xác định 2008 là năm du lịch tàu biển.

Ước tính của TS Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH-ĐT, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam đạt khoảng 400.000 tỷ đồng (năm 2005), chiếm khoảng 48% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước, riêng quy mô kinh tế biển của Việt Nam đạt 184.000 tỷ đồng. Con số này chỉ bằng 24% của Trung Quốc, 14% của Hàn Quốc, 1% của Nhật Bản.

Cần tầm nhìn, tư duy mới

TS Trần Đình Thiên cho rằng, mục tiêu đưa “Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển” chỉ có thể được thực hiện thành công với chiến lược CNH-HĐH biển, là khai thác tiềm năng biển một cách hiệu quả trong một lộ trình được thiết kế tối ưu (mang tính “rút ngắn” cao). 

Theo đó, chúng ta cần đánh giá tổng thể và đầy đủ tiềm năng lợi ích của biển gắn với thành tựu phát triển khoa học công nghệ. Từ đó, định ra các ưu tiên khai thác và phát triển cụ thể, chính xác các nguồn tài nguyên trong tầm nhìn dài hạn, kết hợp được tất cả các khía cạnh kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh quốc phòng… khi thực thi chiến lược. Bên cạnh đó, phải xem xét các nguồn lực cụ thể: con người, tài chính, công nghệ... để triển khai CNH, HĐH biển kết hợp với giải quyết hài hòa các tranh chấp trên biển.

"Để ra biển lớn, rõ ràng Việt Nam không thể dựa vào số ngư cụ thủ công truyền thống và sức cơ bắp trần trụi hiện có của ngư dân. Năng lực đó, suốt mấy nghìn năm chúng ta chưa tạo ra được. Mấy nghìn năm không tạo ra được - nghĩa là công việc đó không hề dễ dàng, là thứ không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai. Trong khi đó, nhiệm vụ đặt ra cho Việt Nam đang muốn bứt phá khỏi thế tụt hậu, xa hơn là phải nhanh chóng tạo ra, làm chủ và khai thác những năng lực mới đó.

Tư duy mới, tầm nhìn đại dương, sự khôn ngoan của dân tộc cần tập trung để giải quyết vấn đề này".

(TS Trần Đình Thiên) 

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới Võ Đại Lược nêu ý kiến, Nhà nước cần xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế hướng ra biển, xây dựng một quy chế riêng cho hoạt động của các lĩnh vực kinh tế biển thông thoáng hơn trong thời kỳ hội nhập. 

Ông Lược nhấn mạnh, trong 2-3 năm tới cần tập trung làm ngay đường cao tốc TP.HCM - Vũng Tàu, Hà Nội - Hải Phòng để phục vụ phát triển tổng hợp kinh tế biển vì đây là những trung tâm phát triển của kinh tế biển của cả nước. Hiện nay các tuyến đường trên chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của các phương tiện giao thông chuyên chở hàng hoá từ các cảng biển lớn.

Đến từ Viện Nghiên cứu Trung Quốc (Viện KH-XH), PGS.TS Viện trưởng Đỗ Tiến Sâm đưa ra ba bài học thành công của Trung Quốc trong phát triển kinh tế biển, đó là tăng cường ý thức về biển; xây dựng hệ thống chiến lược về biển bao gồm nhiều tầng bậc khác nhau và xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ về biển, cùng với các chính sách về huy động vốn, kiện toàn cơ chế quản lý mang tính tổng hợp về biển. Tất cả đều nhằm tạo ra "môi trường cứng" (cơ sở hạ tầng) và "môi trường mềm" (cơ chế chính sách) cho dự phát triển toàn diện về biển của Việt Nam.

Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và quy hoạch thuỷ sản (Bộ NN-PTNT), hiện ngay trong ngành thuỷ sản, chúng ta nghĩ nhiều đến tổng sản lượng chứ chưa nghĩ rằng: một ngành kinh tế thuỷ sản thì đầu vào dựa vào hệ sinh thái và nghề đánh bắt cá trên biển chỉ là hái quả trên cây, rễ của nó là các hệ sinh thái và nơi cư trú tự nhiên của các loài. 

Những nơi này, ông Hồi nhận xét, hiện 80% đang bị đe doạ, rủi ro, như hệ sinh thái san hô chỉ có 25% là rạn tốt, còn lại đều nằm trong diện suy thoái, yếu và có nguy cơ không thể phục hồi hay phục hồi rất chậm. Như vậy rõ ràng chúng ta đang dựa vào nền tảng yếu về mặt nguyên tắc.

Do vậy, riêng với phát triển thuỷ sản trên biển, cần điều chỉnh lại cường lực đánh bắt, ra quy định về chính sách để ngư dân hướng dần theo lối làm ăn lớn với chính sách hỗ trợ đầu vào. Hơn nữa, cần tiến hành thay đổi quản lý. Cuối cùng, xúc tiến việc đồng quản lý đối với nghề cá trên biển, ven biển.

Về đồng quản lý, bản chất là Nhà nước và nhân dân cùng làm, phân quyền nhiều hơn cho chính quyền và người dân địa phương; đồng thời giao mặt nước và vùng có khả năng đánh bắt cho dân. 

  • Hà Yên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,