(VietNamNet) - Hiện tại, chưa phải cắt điện luân phiên mà chỉ cắt vào giờ cao điểm đối với các hộ không được ưu tiên. Nếu người dân tiết kiệm được, giờ cao điểm giảm bớt nhu cầu thì không phải cắt điện.
Đây là ý kiến của ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN trước tình hình thiếu điện vào mùa khô. Ông Tri cho biết, hiện nay vào giờ cao điểm EVN phát đến 11.000 MW nhưng giờ thấp điểm có 4-5 ngàn MW và khi đó là thừa điện. Vào 6-8h tối công suất tăng vọt, quá tải do vậy ngành buộc phải cắt điện vào giờ cao điểm đối với các hộ không được ưu tiên.
>> Thiếu điện đến hẹn lại lên... sớm
Tình trạng thiếu điện vẫn tiếp tục diễn ra nhưng nguồn cung về điện liên tục gặp sự cố và có nhiều công trình mới không kịp tiến độ. Ông có thể cho biết tình hình cụ thể?
- Hiện nay, tổng thầu Lilama làm Nhiệt điện Uông Bí mở rộng chưa xong, chạy không ổn định. Các nhà máy khác BOT như Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3 không may bị sự cố. Phú Mỹ 3 hỏng máy biến áp, đang thuê máy khác đưa về dùng tạm từ tháng 1/2008, đến tháng 5/2008 máy 500 KV chính sẽ được sửa xong và đưa về để vận hành. Phú Mỹ 2.2 cũng gặp sự cố rạn trục phải đưa đi Singapore sửa. Hai BOT này gặp sự cố coi như mất một nửa công suất. Nhà máy Uông Bí hiện chạy chưa ổn định, mất 300 MW. Bên cạnh đó nhu cầu điện tăng nên đã xảy ra tình trạng thiếu điện.
Ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng Giám đốc EVN.
Năm 2007 chưa kết thúc nên chưa thể nói cụ thể về tiến độ đưa vào sử dụng các công trình mới. Trong năm 2007 có thêm Thủy điện Quảng Trị 64 MW đưa vào vận hành, Thủy điện Đại Ninh 300 MW dự kiến phát điện tổ máy số 1 trước 31/12. Tuy nhiên, Thủy điện Tuyên Quang chắc chắn chậm tiến độ.
Tại sao nhiều nhà thầu không thực hiện đúng tiến độ lại không bị phạt?
- Quan điểm chúng tôi là sẽ phạt theo hợp đồng. Nhưng việc chậm tiến độ và xảy ra sự cố trong quá trình thi công thì chúng ta phải cùng tháo gỡ, kể cả hỗ trợ họ kỹ thuật, tài chính để họ xử lý. Mục đích chúng ta là đưa nhanh công trình vào vận hành, cung cấp thêm nguồn điện, phạt lúc đó không có lợi gì. Khi nhà máy xong rồi, nghiệm thu rồi thì sẽ ngồi với nhau căn cứ vào hợp đồng để phạt. Những sự cố như ở Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3, Uông Bí mở rộng sẽ bị phạt theo quy định hợp đồng nhưng trước mắt EVN vẫn sẽ cùng các nhà thầu tìm các giải pháp kỹ thuật nhằm đưa nhà máy vào hoạt động nhanh để không bị thiếu điện.
Cung ứng điện trong tình trạng nhu cầu cao mà nguồn cung không thể đáp ứng, liên tục xảy ra các sự cố, EVN có biện pháp dự phòng gì không?
- Chúng ta gần như không có dự phòng. Dự phòng trông đợi nhất vào các dự án mới đẩy nhanh hơn tiến độ đưa vào vận hành thì sẽ có dự phòng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện bao giờ cũng có trục trặc. Chúng tôi cũng có những giải pháp để khắc phục nhanh sự cố xảy ra để đảm bảo tiến độ các nguồn phát điện. Ngay trong Tổng sơ đồ phát triển điện 6, Thủ tướng đã duyệt với phương án cao là nhu cầu điện tăng là 22%/năm. Nếu như thực tế nhu cầu chỉ tăng 15 - 17% thì chúng ta cũng sẽ có những khoản dự phòng nhất định.
Nhiều công trình điện có thể không kịp tiến độ trong năm 2007. (Ảnh minh họa. Nguồn: Cavico) |
Một trong những nguyên nhân khiến các nhà thầu gặp khó khăn và chậm tiến độ là vấn đề tài chính, EVN đã có biện pháp gì để giải ngân cho các công trình và hỗ các nhà thầu về nguồn lực tài chính?
360 triệu USD cải thiện hệ thống lưới điện Miền Bắc |
Ngày 14/12, Bộ Tài chính và Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) đã thực hiện ký Hợp đồng ủy quyền cho vay lại nguồn vốn ADB phục vụ dự án Truyền tải điện miền Bắc mở rộng. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ ủy quyền cho BIDV thực hiện cho EVN vay lại nguồn vốn 360 triệu USD từ ADB để triển khai dự án này. Dự án sẽ xây dựng và nâng cấp mạng lưới truyền tải phía điện phía Bắc, giảm ách tắc và tổn thất điện năng, tận dụng hiệu quả các nhà máy điện hiện tại. Dự án có 2 phần. Phần A, xây dựng và mở rộng các đường truyền tải 500 Kv và 220 Kv. Phần B, xây dựng và mở rộng các trạm 500 Kv và 220KV. |
- Hiện nay, các nhà thầu đều cùng lúc triển khai nhiều công trình nên tài chính cũng rất căng. Chúng tôi đang nỗ lực giải quyết tất cả các vướng mắc để việc thanh toán, giải ngân của chủ đầu tư cho các nhà thầu đúng hạn, đúng tiến độ. Tuy nhiên, việc thanh toán bao giờ cung cần rất nhiều thủ tục và khá tốn thời gian vì vậy, chúng tôi đã phối hợp với Ngân hàng An Bình cho vay tạm ứng, cho vay vốn lưu động với lãi suất ưu đãi... tạo điều kiện cho các nhà thầu làm nhanh hơn để thực hiện đúng tiến độ các công trình.
Về nguồn vốn đầu tư, hiện có rất nhiều kênh dể huy động vốn, vấn đề quan trọng là phải tìm được các dự án điện có hiệu quả. Thông thường một dự án nguồn điện chúng tôi huy động 20 - 30% tổng vốn đầu tư từ các cổ đông, 70 - 75% vốn vay của các ngân hàng và các tổ chức tài chính. Vấn đề mấu chốt là phải có dự án hiệu quả và tạo ra được 1 cơ chế hỗ trợ tài chính đặc thù cho các công trình điện.
Hiện chúng tôi đã có thỏa thuận với 4 ngân hàng thương mại quốc doanh và nhiều ngân hàng khác về huy động vốn cho các DN. Đặc biệt, mới đây, EVN và Ngân hàng An Bình đã xây dựng một gói sản phẩm dịch vụ ngân hàng dành cho các nhà thầu điện lực. Đây là sản phẩm đặc thù và duy nhất hiện nay dành cho các nhà thầu điện lực có nhiều ưu đãi tài chính và kỹ thuật giúp các nhà thầu củng cố tiềm lực để triển khai dự án.
-
Phước Hà (thực hiện)