(VietNamNet) - Tranh cãi giữa các DN và cơ quan bảo vệ môi trường lại nổ ra quanh sự kiện 6.685 tấn thép phế là vỏ đồ hộp thu hồi được ép bánh bị giữ ở cảng Hải Phòng và cảng TP HCM hơn 3 tháng nay chưa được thông quan.
Lô hàng vỏ lon ép bánh được các DN nhập về làm nguyên liệu luyện thép. |
Từ tháng 9/2007 đến nay, có gần 200 container với 6.685 tấn thép phế liệu, trị giá gần 2,5 triệu USD được nhập về các cảng Hải Phòng và Sài Gòn nhưng không được thông quan. Cảnh sát môi trường và Sở Tài nguyên Môi trường địa phương cho rằng các lô hàng chưa được “làm sạch” trước khi ép, nên còn lẫn đất, cát, rỉ sét, vi phạm Điều 43 của Luật Bảo vệ môi trường, không đủ điều kiện nhập khẩu.
Các DN đã lên tiếng kêu cứu vì mỗi ngày qua đi họ phải chịu tiền thuê kho bãi, thuê container, trả lãi ngân hàng do lô hàng bị đình đốn tới hàng chục triệu đồng.
Hiệp hội Thép Việt Nam đã tổ chức cuộc hội thảo trao đổi ý kiến giữa các DN sản xuất và nhập khẩu thép phế với các cơ quan quản lý để tìm cách tháo gỡ khó khăn.
Tại hội thảo, các DN đều cho rằng họ đang gặp khó khăn do lô hàng nhập khẩu không được thông quan trong thời gian dài và cơ quan bảo vệ môi trường đã vận dụng những quy định thiếu rõ ràng của Luật Bảo vệ môi trường để kết luận các lô hàng thép phế liệu nhập khẩu vi phạm Luật.
Đại diện Công ty TNHH Anh Trang (Hải Phòng) cho biết, ngày 11/9/2007, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 đã quyết định tạm dừng không thông quan lô hàng gồm 1.401,45 tấn thép phế liệu dạng ống bơ được ép thành khối do Công ty nhập về và có phiếu yêu cầu Tổ chức giám định Vinacontrol giám định lô hàng có đủ điều kiện nhập khẩu hay không.
Ngày 25/9/2007, Vinacontrol có chứng thư giám định (số 07G02HQ0506) kết luận: "Hàng hoá thực kiểm là phế liệu dạng bao bì (lon, hộp) kim loại, có nguồn gốc từ thép lá mạ, sơn phủ, nhiều loại quy cách đã qua sử dụng, đã được loại bỏ những vật liệu khác. Lô hàng có thể đưa vào sử dụng để nấu luyện, thu hồi thép phù hợp với các yêu cầu về bảo vệ môi trường".
Tuy nhiên, ngày 9/10/2007, Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn đã phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM và Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) tiến hành kiểm tra tại hiện trường. Kết luận tại biên bản làm việc lại nêu rõ: "Lô hàng gồm lon (kim loại) phế liệu chưa được làm sạch, đã ép thành khối. Theo cảm quan đây là hàng khô, còn bám dính các tạp chất đi kèm: Đất, cát, gỉ sét, hàng bốc mùi hôi, khó chịu. Các bên kết luận: Căn cứ Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường và QĐ số 12/QĐ-BTNMT thì lô hàng không đủ điều kiện nhập khẩu".
Theo ông Nguyễn Văn Thành - PGĐ Công ty TNHH Anh Trang, mặc dù được Vinacontrol giám định và kết luận: "Hàng đủ tiêu chuẩn nhập khẩu về VN", nhưng hải quan cửa khẩu vẫn phủ nhận kết quả giám định và ách lại, không cho thông quan, yêu cầu tái kiểm 100%, nhưng biên bản kiểm hoá lại được ghi từ trước, đều kết luận hàng có mùi hôi bằng cảm quan.
Thép thành phẩm liên tục tăng giá trong năm 2007 do giá phôi thép nhập khẩu đứng ở mức rất cao. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, ông Phạm Chí Cường cho rằng nguyên nhân ách tắc là do luật chưa quy định rõ ràng mức độ tạp chất được phép lẫn với nguyên liệu thép thu hồi là bao nhiêu? Khái niệm về làm sạch đối với loại vỏ đồ hộp cũng hiểu không thống nhất. Không có nước nào rửa sạch lon đồ hộp trước khi ép bánh và nguyên liệu này được sử dụng ở tất cả các nước trên thế giới. Việt Nam cũng đã và đang sử dụng có hiệu quả thì nay đột nhiên bị ách lại.
Đối với nguyên liệu thép tái sử dụng, các nước trên thế giới chỉ cấm lẫn chất nguy hại tới môi trường như chất phóng xạ, chất nổ, hoá chất độc hại, còn các tạp chất vô hại khác thì ở nhiệt độ 1.700 độ C của lò điện, sẽ không tồn tại được. Với việc giá phôi thép nhập khẩu tăng cao làm cho giá thép xây dựng ở trong nước tăng liên tục, chương trình sản xuất phôi trong nước đang phát triển rất mạnh với các dự án đầu tư xây dựng lò điện luyện thép phế trong nước sẽ đạt công suất trên 4 triệu tấn vào năm 2009 - 2010. Việc nhập khẩu thép phế sẽ ngày một tăng, năm 2007 nhập 1,1 triệu tấn, năm 2008 sẽ là gần 2 triệu tấn, nếu thủ tục không được giải quyết triệt để, chắc chắn sẽ cản trở sự phát triển của ngành thép.
Đại diện Bộ Công thương cũng cho rằng với loại thép phế liệu nêu trên, các nước trên thế giới đều sử dụng ép bánh và nấu lại, không rửa sạch cặn hộp trước khi ép. Nhiều nhà máy luyện thép trong nước cũng đã trực tiếp nhập khẩu loại nguyên liệu này về sản xuất, thu hồi từ 85-88% thép nguyên chất và không gây ô nhiễm môi trường.
Theo bà Nguyễn Thị Yến, đại diện Công ty cổ phần giám định Vinacontrol TP.HCM thì Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường quy định phế liệu nhập khẩu phải được "làm sạch", nhưng trong tất cả văn bản đều không quy định cụ thể thế nào là "làm sạch", tỉ lệ tạp chất thế nào?
Về phía các cơ quan bảo vệ môi trường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Môi trường đại tá Nguyễn Sỹ khẳng định Cảnh sát Môi trường đã không làm sai quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Còn đại diện Cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng Luật Bảo vệ môi trường cấm nhập khẩu chất thải, chỉ cho nhập khẩu những phế liệu cần thiết làm nguyên liệu phục vụ sản xuất theo danh mục. Quy định của Luật cũng cho phép định lượng bằng mắt thường khi giám định đối với hàng nhập khẩu. Vấn đề là thép lon nhập khẩu đã đúng tiêu chuẩn chưa? Lấy gì làm căn cứ bảo đảm trong số những lon kia không chứa chất độc hại?
Ông Phạm chí Cường cho biết, ngày 13/11/2007, Hiệp Hội Thép Việt Nam đã gửi công văn tới Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên Môi trường và Tổng cục Hải quan kiến nghị giải quyết cho thông quan lô hàng trên, sau đó sẽ họp bàn thống nhất những điều luật quy định để các DN thực hiện không gặp trở ngại vì sự hiểu khác nhau về mức độ sạch của loại nguyên liệu này. Nhưng tới nay chỉ Bộ Công Thương có văn bản trả lời Hiệp Hội Thép, đồng ý với kiến nghị của Hiệp Hội.
Ngày 26/11/2007, Hiệp Hội Thép đã gửi công văn báo cáo sự việc trên với Văn phòng Chính phủ, vì đây là một khó khăn lớn đối với các DN có các lô hàng trên, nhưng đồng thời cũng là khó khăn lâu dài cho ngành thép Việt Nam trong thời gian tới, khi các lò điện luyện thép đang rất cần nguyên liệu và giá phôi thép nhập khẩu tăng quá cao ảnh hưởng đến giá thép xây dựng trong nước, mà việc nhập thép phế liệu lại bị ách tắc.
Ngày 18/12/2007 Hiệp hội thép tiếp tục có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép thông quan sớm lô hàng 6.685 tấn thép phế nói trên để các lò luyện thép có nguyên liệu và các doanh nghiệp nhập khẩu thoát khỏi tổn thất nặng nề, có nguy cơ phá sản do bị phạt nặng và chưa rõ kéo dài đến bao giờ. Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ ngành có liên quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp Hội Thép Việt Nam... sẽ tiếp tục bàn làm rõ những quy định chi tiết minh bạch, rõ ràng của Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường, để các DN và các cơ quan quản lý thống nhất thực hiện, tránh gặp phải ách tắc do mỗi người hiểu một cách khác nhau.
-
Trần Thuỷ