221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1020434
Mũ bảo hiểm lên ngôi, mũ vải hết thời
1
Article
null
Mũ bảo hiểm lên ngôi, mũ vải hết thời
,

(VietNamNet) - Ngay sau khi mũ bảo hiểm lên ngôi, mũ vải lập tức xuống hạng thảm hại, giảm giá cũng chẳng ai mua. Toàn bộ giới sản xuất, kinh doanh mặt hàng này đang loay hoay tìm hướng đi mới và chuyển đổi phù hợp với sự thay đổi của thị trường.

Lao đao: Từ bán lẻ...

’2

2 chiếc mũ một ngày - vẫn bán cho đỡ "nhớ nghề"! - (Ảnh: N.Nga)

Ngã tư - đoạn nối giữa phố Tây Sơn, Thái Hà trước kia luôn tấp nập với hơn chục quầy mũ vải vỉa hè nhưng hiện nay chỉ còn đếm được vài ba quầy bày bán chớp nhoáng. Trong khi đó, không ít cửa hàng chuyên về mũ vải trên đường Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Quán Thánh… hiện đã được thay thế bằng các shop quần áo hoặc đưa mũ vải xuống làm mặt hàng thứ yếu bằng việc dần chuyển sang kinh doanh các mặt hàng khác.

Trên vỉa hè trước cổng Đại học Thuỷ Lợi, đầu phố Chùa Bộc, mới hơn 3h chiều, người ta đã thấy 2 chị Tuyết và Nhung - chủ một quầy mũ vải quen thuộc tại đó lúi húi thu dọn hàng về. Được biết, 2 người này là chị em ruột, quê ở Hà Đông, đã có 16 năm trong nghề kinh doanh mũ vải. Đồ nghề của các chị tuy đơn sơ, chỉ là 2 giá treo mũ làm từ khung tre và một loạt bao tải lớn nhỏ đựng các loại mũ với giá trung bình từ 10.000-15.000 đồng/chiếc, mà nhiều năm nay đã trở thành nguồn nuôi sống cho cả gia đình.

Các chị kể, nếu trước kia, mỗi ngày bán được khoảng trên 20 chiếc thì nay, chỉ 2 chiếc/ngày.

Ngay từ giữa tháng 12, nhận thấy người dân đồng loạt đội mũ bảo hiểm, các chị đã không dám nhập thêm hàng nhưng hàng tồn vẫn còn khoảng vài trăm chiếc. Biết là không bán được nhưng “nhớ nghề, ở nhà cũng không làm được việc gì” nên 2 chị vẫn kiên trì bám trụ, đợi cho đến hết năm để tính cách khác.

Thực tế, chuyện không bán được hàng tại các shop có tiếng ở Hà Nội hiện nay còn trầm trọng hơn so với các quầy mũ vỉa hè.

Trong khi nhân viên cửa hàng Dũng Giang trên đường Phạm Ngọc Thạch cho biết, mỗi ngày may ra bán được 2 chiếc thì cửa hàng mũ Vân, cùng phố này, mặc dù đã tạo dựng được thương hiệu từ nhiều năm nay, cũng phải chịu cảnh vắng vẻ, khác hẳn với sự đông đúc, chen lấn tranh mua của khách trong dịp Noel và cận Tết năm ngoái.

Thậm chí, tại shop mũ Hàn Quốc - Yumi trên phố Hàng Bông, vốn được biết đến bởi các sản phẩm cao cấp với giá trung bình từ 300.000 – 400.000 đồng/chiếc thì các nhân viên cũng cho hay, ngay cả việc cửa hàng trưng biển giảm giá từ giữa tháng 12, cũng tỏ ra không có tác dụng. Liên tiếp mấy hôm nay, không bán được chiếc nào. Còn trước đó, khách vào chủ yếu là các du học sinh, tranh thủ về mua đem ra nước ngoài đội!

... đến bán buôn

Rõ ràng, trong cơn bĩ cực chung của ngành mũ vải hiện nay, càng cửa hàng lớn, thương hiệu có tên tuổi lại càng gặp nhiều khó khăn. 

Bán mũ vải không nổi, chuyển sang kinh doanh thảm, đắt hàng hơn nhiều - Ảnh: N.Nga
Bán mũ vải không nổi, chuyển sang kinh doanh thảm, đắt hàng hơn nhiều! - (Ảnh: N.Nga)

Nếu giới kinh doanh nhỏ lẻ trên lề đường, vỉa hè có thể tận dụng được lợi thế linh hoạt, nhỏ gọn, vốn đầu tư ban đầu ít của mình để xoay sang kinh doanh các mặt hàng, lĩnh vực khác để kiếm sống thì ở những hiệu có tiếng, chỉ nói riêng tiền thuê mặt bằng thường lên đến hơn chục triệu đồng, vị trí đẹp, mà doanh thu chỉ vài ba trăm nghìn đồng một ngày lúc này, quả là một mối lo trong việc duy trì “sự sống”.

Đó là chưa kể các hệ thống kinh doanh bán buôn lớn – trung gian giữa nhà sản xuất và các đầu mối bán lẻ ở các địa phương - đa phần không dễ “nhúc nhích” được trong hoàn cảnh hiện nay vì các quan hệ, ràng buộc về tiền vốn và lượng hàng, cũng như vấn đề “chữ tín, danh dự”, khiến họ không thể đổ hết lên đầu nhà sản xuất trong lúc khó khăn này - nói theo cách của một nhà buôn có thâm niên 20 năm trong ngành này.

Có thể thấy rõ nhất thực trạng buồn của ngành mũ vải tại Hà Nội nói riêng thông qua 2 khu chợ bán buôn lớn là Đồng Xuân và Long Biên. 

Không khí nhộn nhịp, tất bật tại chợ Đồng Xuân những ngày cận Tết này dường như không bao trùm hết được hơn 30 ki-ốt kinh doanh mũ vải tại đây – khi mà các loại mũ lưỡi trai, mũ len được bày la liệt mà người mua chỉ lác đác là một số khách du lịch từ các nước lân cận. 

Trong khi đó, tình hình của 20 hộ kinh doanh mũ, tập trung trong một góc khá khuất của khu chợ Long Biên, nhiều ngày nay còn ảm đạm, vắng vẻ hơn nhiều so với khung cảnh kinh doanh mặt hàng này trên chợ Đồng Xuân. 

“Lượng tiêu thụ không được 1/10. Ai mua nữa mà bán, thỉnh thoảng có người đi bộ mua 1 cái, còn lại là ngồi không. Ngay mặt hàng mũ len, mình nghĩ trời rét người ta vẫn đội nên đầu vụ cũng nhập hàng về nhưng giờ bán lỗ vốn 40-50% mà không ai mua.

Trong khi các đầu mối ở vùng nông thôn họ cũng không mua nữa. Không bán được, người ta cứ chở ùn ùn lại cho mình. Trung bình, cứ đóng đi 1 bao rồi họ lại gửi trả 1 bao. Mỗi lần như vậy, hàng mình đem về nhà đến nay chất thành đống, chưa biết giải quyết thế nào!” – cô Tâm, chủ ki-ốt Băng Tâm, chợ Đồng Xuân chia sẻ.

Cho đến nay, mới có 2/34 hộ kinh doanh mũ vải tại đây chuyển được một phần sang kinh doanh mũ bảo hiểm. Số còn lại, đều khẳng định là đang tìm cách chuyển đổi, hay tìm thị trường mới, nhưng không dễ dàng. Bởi ngoài các ràng buộc trong kinh doanh mặt hàng hiện tại, việc bỏ ra một số vốn lớn, gây dựng lại từ đầu, rồi chờ đợi đến lúc có khách, theo giới bán buôn tại đây là phải mất ít nhất vài năm chứ không thể một sớm một chiều.

Chuyển hướng nào?

Hơn ai hết, các đơn vị nhỏ lẻ, làng nghề sản xuất mũ vải trong nước là đối tượng khó khăn nhất lúc này.

Hàng chồng chất mà khách vắng hoe - ảnh chụp tại chợ Long Biên, trưa 01/01/2008 - Ảnh: N.Nga
Hàng chồng chất mà khách vắng hoe! - ảnh chụp tại chợ Long Biên, trưa 01/01/2008 - (Ảnh: N.Nga)

Một nhà buôn tại chợ Đồng Xuân chia sẻ, trong số 7, 8 mối hàng thân thuộc của nhà bác, đến nay chỉ duy nhất 1 mối là còn duy trì, số còn lại đã lần lượt đóng cửa do không thể cầm cự nổi.

Còn theo ước đoán của anh Quang Tuấn, chủ một cơ sở sản xuất mũ vải lâu năm tại Hà Nội, ngoại trừ vài chục DN có tiềm lực mạnh trong đó một số chuyên làm hàng xuất khẩu ra nước ngoài, hiện khoảng vài nghìn nhà sản xuất quy mô nhỏ và trung bình cùng hàng chục nghìn công nhân trong ngành này trên cả nước đã và đang đối mặt với nguy cơ bỏ nghề.

Anh Tuấn còn cho biết, trong số bạn bè cùng ngành với anh trong Nam, đã có trên 50% đóng cửa, không ít người đã bán đứt máy móc, thiết bị. Ngoài ra, các làng nghề chuyên về mũ vải như La Phù, Tam Hiệp (Hà Tây) dù chưa “chết” hẳn nhưng cũng đã “nghỉ khoẻ” từ gần tháng nay.

Ngay cả DN của anh Tuấn, dù đã vượt qua được thời điểm 15/9, khi doanh số bán ra đã giảm một nửa nhưng công ty cũng không thể chống chọi được cho tới ngày 15/12, khi toàn ngành mũ vải đã hoàn toàn đóng băng. Chính vì hàng tồn quá nhiều lại không có hợp đồng mới và khó liên kết nên anh đã phải đình lại sản xuất và cho công nhân nghỉ việc.

Không dễ dàng để từ bỏ vì vốn liếng, am hiểu và tâm huyết đã dành hết cho ngành sản xuất này, trong thời điểm khó khăn hiện nay, anh Tuấn cũng như không ít chủ DN không dễ lùi bước trước khó khăn khác đang không ngừng lăn lộn, tìm kiếm các lối thoát cho mũ vải. Chuyển hướng sang xuất khẩu hay cải tiến sản phẩm cho phù hợp hơn với nhu cầu mới của thị trường, đang là bài toán khó nhưng phải tìm ra lời giải của ngành nghề sản xuất kinh doanh mũ vải.

  • Nguyễn Nga 

Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,