(VietNamNet) - Thủ tướng CP Nguyễn Tấn Dũng nhận xét năm qua, nông nghiệp đã phát triển, cạnh tranh tốt khi Việt Nam gia nhập WTO. Thủ tướng yêu cầu, Bộ NN-PTNT cần tiếp tục rà soát, tính toán để biến thời cơ thuận lợi thành lực lượng sản xuất, sản phẩm và lợi thế cạnh tranh.
Tăng trưởng bất chấp "sóng gió" WTO
Tại Hội nghị tổng kết kế hoạch năm 2007, triển khai công tác năm 2008 của ngành nông nghiệp, diễn ra hôm nay (7/1) tại Hà Nội, Thủ tướng CP Nguyễn Tấn Dũng cho biết, 2007 là năm đầu tiên Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nỗi lo lớn nhất, đầu tiên của Đảng, Nhà nước, Chính phủ chính là vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn, bởi lĩnh vực nông nghiệp vốn có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh kém liệu có đứng vững khi hội nhập?
Năm qua cũng đầy khó khăn, thách thức khi giá cả tăng cao kéo mặt bằng giá cũng tăng mạnh. Ngoài ra, thiên tai cũng gây thiệt hại nặng nề (11.514 tỷ đồng, tương đương gần 0,7% GDP). Sản lượng lúa chỉ bằng năm ngoái và nước ta còn mất khoảng 700.000 tấn do mưa lũ. Đó là chưa kể thiệt hại do dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp hầu như không đáng kể, chuyển dịch lao động rất chậm" (Ảnh Đ.Nam). |
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, cả nước đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Trong đó, giá trị nông nghiệp đạt gần 200.000 tỷ đồng, tăng 4,6% so với năm 2006. Tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 3,4%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm vào tăng trưởng của nền kinh tế. Nếu không gặp thiên tai, nông nghiệp có thể đạt mức tăng 3,5-3,8% như mục tiêu Chính phủ đề ra.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá, nông nghiệp đã trụ được, cạnh tranh tốt sau khi Việt Nam vào WTO. Chúng ta vẫn giữ được vị thứ thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, đứng đầu về xuất khẩu cà phê robusta và hạt tiêu, một trong 10 nước hàng đầu về thuỷ sản... Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, có 5 mặt hàng đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là thuỷ sản (3,8 tỷ USD), gỗ (2,4 tỷ USD), cà phê (1,86 tỷ USD), gạo (1,46 tỷ USD), cao su (1,4 tỷ USD).
"GDP nông nghiệp mới đóng 20,23% vào cơ cấu kinh tế nhưng là nền tảng của sự ổn định vì chúng ta có tới trên 70% dân số sống tại nông thôn. Tất nhiên, trong số đó, không phải tất cả đều thu nhập từ nông nghiệp mà có tới 40% dân số nông thôn có nguồn thu từ công nghiệp, dịch vụ", Thủ tướng nói.
Nhờ đó, con số hộ nghèo giảm đáng kể, từ 18% (2006) xuống còn 14,7% (2007), đạt mức thu nhập bình quân 800 USD/người. Nước ta đang phấn đầu năm 2008 cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm (2006-2010), với thu nhập bình quân đầu người đạt 900USD, vượt qua ngưỡng nước nghèo và nước chậm phát triển. Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nếu việc điều hành, kiểm soát giá cả tốt hơn, đời sống của người dân còn khá hơn nữa.
Chuyển dịch: Phải quyết liệt hơn
"Bộ NN-PTNT phải rà soát, tính toán để hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu đề ra của năm 2010, góp phần vào quyết tâm chung của đất nước. Hiện các giải pháp của Bộ chưa thể hiện rõ tinh thần này, cần tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt thách thức để biến thời cơ thành lực lượng sản xuất, sản phẩm, lợi thế cạnh tranh", Thủ tướng yêu cầu.
Vấn đề chính ngành nông nghiệp đang vướng, đó là chuyển dịch cơ cấu rất chậm, hầu như không đáng kể, chỉ từ 20,26% (năm 2006) xuống còn 20,23% (2007) trong khi mục tiêu của Chính phủ là 19,5%. Ngoài ra, chuyển dịch cơ cấu lao động cũng không đạt mục tiêu, khi 60% dân số nông thôn vẫn làm nông.
Tại hội nghị, ông Phạm Quang Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cũng bày tỏ lo ngại về sự phân hoá giàu nghèo đang diễn ra giữa nông thôn - thành thị, miền xuôi - vùng núi...
Ông đề nghị chính sách tam nông tới đây cần coi trọng vấn đề nhận thức, nâng cao kiến thức cho nông dân, cần dạy nghề cho bà con. Con số 60% lao động làm trong nông nghiệp, theo ông Hùng, chỉ 20-30% là lao động chính thức, làm được việc nông. Vậy 8-10 năm nữa đất nước có CNH-HĐH được không khi 60-70% nông dân vẫn đang làm nông nghiệp từ nghìn đời nay?
Đến từ Bình Định, Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Nguyễn Văn Thiện cũng bức xúc, với trình độ nông dân hiện nay rất khó để chuyển giao kỹ thuật cho bà con. Trong khi đó, nhiều trí thức, kỹ sư không muốn về nông thôn sống và làm việc, mặc dù được địa phương hỗ trợ về lương bổng, phương tiện đi lại.
70% dân số hiện nay vẫn làm nông nghiệp và sống ở nông thôn. (Ảnh: TCDL). |
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ NN-PTNT cần có biện pháp quyết liệt trong việc giảm tỷ trọng GDP nông nghiệp. Song song đó, chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ kết hợp đào tạo nghề cho bà con. Ông lưu ý ngành nông nghiệp thực hiện tốt 3 giải pháp:
Thứ nhất, rà soát lại quy hoạch các lĩnh vực, sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất, chuyển dịch cơ cấu, tăng năng suất hiệu quả, sức cạnh tranh... Các chính sách của Nhà nước cũng phải thể hiện rõ điều này. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý, trong việc chuyển đổi đất, tránh chuyển đất "bờ xôi ruộng mật" sang trồng cây khác hoặc làm KCN. Hiện 3,5 triệu ha đất nông lâm trường đang để lãng phí, Bộ cần cương quyết sắp xếp, điều chỉnh lại; giải thể các nông trường chiếm đất để chuyển sang quy hoạch trồng cây công nghiệp như cao su, cà phê, cây ăn quả... Từ đó, ngành có sự hỗ trợ về kỹ thuật, giống.
Chăn nuôi cũng phải giải bài toán quy hoạch theo hướng tập trung, hiện đại, không thể năm nào cũng để xảy ra dịch cúm, lở mồm long móng, tai xanh... rồi đi bắt từng con vịt để tiêm phòng do chăn nuôi phân tán, gây tốn kém tiền mua văc-xin và công sức của cả hệ thống chính trị... Ngoài ra, Thủ tướng nhắc nhở, cần phát triển công nghiệp, dịch vụ trong nông thôn để chuyển dịch cơ cấu lao động tại chỗ, ly nông nhưng bất ly hương.
Thứ hai, nâng cao chất lượng trong nông nghiệp thông qua đầu tư KHCN, giống, quy trình sản xuất theo hướng tiết kiệm chi phí (điện, nước, phân bón)... "Việc tăng năng suất cây trồng đã làm tốt, như ngô đạt 4 triệu tấn/ha. Song, năm qua, nước ta vẫn phải nhập 700.000ha làm thức ăn chăn nuôi, như vậy khâu giống vẫn chưa ổn. Chúng ta đang phải nhập 2 triệu tấn khô dầu, tương đương 1 triệu tấn đậu tương... làm sao để không phải bỏ đôla ra nhập các sản phẩm này?", ông đặt câu hỏi.
Thứ ba, phát triển hạ tầng, đào tạo nghề ở nông thôn. Giải phóng nông dân không có cách nào khác là chuyển sang công nghiệp, dịch vụ, với mục tiêu còn 50% dân số nông thôn làm nông nghiệp vào năm 2010. Thủ tướng lưu ý không nên để kéo dài tình trạng nghèo đói tại các hộ dân tộc thiểu số, hiện chiếm tới 50-70% tổng số hộ nghèo cả nước.
"Muốn CNH-HĐH đất nước không còn cách nào khác là CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng, con người, khuyến khích DN về nông thôn và tập trung cho KHCN là những biện pháp cần ưu tiên trong thời gian tới", Thủ tướng nói.
-
Hà YênÝ kiến của bạn đọc: