221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1022150
Thực hư tiết kiệm điện
1
Article
null
Thực hư tiết kiệm điện
,

(VietNamNet) - Năm 2007 tiết kiệm đạt 582 triệu KWh, tương đương với khoảng 1% điện thương phẩm, nhưng dẫu sao cũng phải kể đến yếu tố quan trọng làm nên "thành công" của tiết kiệm điện là cắt điện.

>> Bắt đầu căng thẳng điện mùa khô
>>
Thiếu điện: Tăng cường cắt điện để giảm lỗ?
>> EVN: Chưa đến mức cắt điện luân phiên
>> Thiếu điện đến hẹn lại lên... sớm

Tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năm 2007 tiết kiệm đạt 582 triệu KWh. Theo kế hoạch năm 2007 mà EVN đưa ra phải tiết kiệm được ít nhất 440 triệu KWh điện thì với con số này có thể nói EVN đã thành công. Ở nhiều địa phương việc tiết kiệm điện cũng vượt kế hoạch đề ra. Chẳng hạn tại thành phố Hồ Chí Minh trong 11 tháng đầu năm 2007 đã tiết kiệm tới 96 triệu KWh điện trong khi kế hoạch đề ra cho cả năm là 91 triệu KWh điện.

Tiết kiệm điện luôn được coi là một giải pháp đem lại hiệu quả cao, nhất là trong hoàn cảnh nguồn cung còn thiếu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng 1KWh điện tiết kiệm khác với 1KWh sản xuất ở chỗ nó không gây ô nhiễm môi trường, giảm tổn hao do truyền tải và phân phối điện. Việc tiết kiệm mỗi KWh điện trong các giờ cao điểm sẽ làm lợi cho đất nước từ 600USD đến 1.000USD do không phải đầu tư xây dựng những nhà máy điện mới. Chẳng hạn như năm 2007 tiết kiệm được 1% điện năng thì tương đương với việc đầu tư 1 nhà máy điện công suất 90 MW. Nếu cứ tính bình quân 1 MW điện phải đầu tư 1 triệu USD thì số điện năng tiết kiệm tương đương 1.500 tỷ đồng. Như vậy có thể nói việc tiết kiệm điện càng nhiều thì hiệu quả càng lớn.

Nhiều dự án nguồn diện chậm tiến độ làm cho nguồn cung điện bị thiếu( Ảnh minh hoạ- Công trình thuỷ điện Buôn Khuốp)

Nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ làm cho nguồn cung điện bị thiếu. (Công trình thuỷ điện Buôn Khuốp - Ảnh chỉ có tính chất minh hoạ)

Tiết kiệm điện của năm 2007 thành công theo đánh giá là nhờ các công sở, DN và người tiêu dùng trên cả nước đã thực hiện Chỉ thị tiết kiệm điện của Chính phủ như giảm lượng đèn chiếu sáng các hành lang, giảm sử dụng điều hoà nhiệt độ tại các công sở, giảm lượng đèn chiếu sáng công cộng, người dân giảm sử dụng điện tại nhà, còn các DN đã có những giải pháp tiết kiệm điện trong sản xuất... Bên cạnh đó EVN cũng đã quyết liệt trong việc tiết kiệm điện, như giao chỉ tiêu tiết kiệm cho các điện lực...

Nhưng dẫu sao cũng phải kể đến yếu tố quan trọng làm nên "thành công" của tiết kiệm điện năm 2007 là cắt điện.

Như đã biết, bước vào mùa khô 2007 lượng điện thiếu hụt khá lớn do nhu cầu tăng mạnh và các nhà máy thuỷ điện có sản lượng giảm do tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và lượng nước chứa tại các hồ thấp. Tiêu thụ điện trong hơn một tháng đầu năm 2007 đã tăng tới 17%, trong khi đó, dự báo phụ tải (nhu cầu sử dụng điện) cho cả năm 2007 chỉ tăng 15%.

EVN đã lên kế hoạch cân đối điện cho mùa khô 2007 (từ 1/1 đến 31/5/2007) là 27 tỷ KWh, nhưng với mức phụ tải tăng nhanh như vậy nên mức sử dụng thực tế lên tới gần 28 tỷ KWh, vượt gần 1 tỷ KWh so với tính toán và hệ thống điện bị đặt vào tình trạng căng thẳng.

Chính vì thiếu điện và không còn giải pháp nào khác nên tiết kiệm điện trở thành giải pháp chính. Khi đó EVN đã cử các đoàn công tác (có các nhà báo đi cùng để chứng kiến) đến tất cả các địa phương để ký các bản cam kết về thực hiện tiết kiệm điện với những chỉ tiêu cụ thể mà nhiều ý kiến khi đó cho rằng thực chất là cắt điện.

Và tiết kiệm điện cũng đã phải trả giá. Việc cắt điện đã gây ra không ít những xáo trộn trong cuộc sống, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho một số địa phương mà báo chí đã thông tin. Cụ thể như tại Đắk Lắk, nhu cầu điện là 1,8 triệu KWh/ngày, nhưng chỉ tiêu điện được bán ra mỗi ngày của Điện lực Đắk Lắk chỉ có 1,1 triệu KWh. Trong tháng 1/2007, Giám đốc Điện lực Đắk Lắk đã bị “nghiêm khắc phê bình” vì bán vượt chỉ tiêu 5 triệu KWh điện.

Trong tháng 2, dù đã thực hiện lịch cắt điện gắt gao xong Điện lực Đắk Lắk lại tiếp tục bán vượt chỉ tiêu khoảng 2,5 triệu KWh điện. Ngoài việc bị các hình thức kỷ luật từ “trên đưa xuống”, lãnh đạo và cán bộ công nhân viên Điện lực Đắk Lắk còn bị trừ lương nếu bán vượt chỉ tiêu điện do Công ty Điện lực III quy định.

Người dân Đắk Lắk khi đó phải chịu cảnh cứ cách 2 ngày lại bị cúp điện một ngày. Điện bị cúp suốt từ 4h sáng đến 22h đêm. Tại các công sở, nhiều cán bộ công chức chỉ còn cách ngồi tán gẫu cho hết giờ. Việc học hành của học sinh, sinh viên cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì thiếu ánh sáng, việc kết nối internet để truy cập thông tin vào những ngày mất điện cũng không thể thực hiện được.

Nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra trên các con đường nội thành thành phố Buôn Ma Thuột do thiếu điện chiếu sáng. Nhiều đơn vị sản xuất buộc phải cho công nhân nghỉ việc và đóng cửa trong các ngày mất điện.

Còn tại Hà Nội - Thủ đô của cả nước, lượng điện bị cắt cũng nhiều. Nhiều khu phố của Hà Nội đã chìm trong bóng tối khi ngành điện tuyên bố phụ tải tăng vọt. Với  khu vực điện sinh hoạt, tại các huyện ngoại thành cứ 2-3 ngày bị cắt 1 ngày, còn tại nội thành, biện pháp “cắt điện luân phiên” đã  được áp dụng triệt để và có "sáng tạo". Đó là cắt điện luân phiên nhưng không diễn ra đồng thời trên diện rộng (kiểu cả dãy phố hay cả tổ dân phố cùng mất). Thay vào đó, biện pháp nhanh nhất giúp ngành điện tiết kiệm điện chính là cắt từng hộ nhỏ. Vì thế, trên cùng một con phố thì chỉ có khoảng hai, ba chục số nhà bị cắt điện. Các số nhà trước và sau khu vực đó vẫn “sáng đèn”. Hôm sau, đến phiên hai, ba chục hộ khác ở phố đó lại "được" cắt điện luân phiên.

Qua mùa khô, đến tháng 8/2007 thì hệ thống khí Nam Côn Sơn nơi cấp khí cho các nhà máy điện với công suất trên 3.000 MW phải tạm ngừng  trong vòng 3 tuần để sửa chữa và nâng công suất, lại 1 lần nữa thiếu điện với lượng thiếu hụt khoảng 400 MW và điện tiếp tục bị cắt.

Mới đây tháng 12/2007, khi hàng loạt các nhà máy điện bị sự cố phải xuất lưới để sửa chữa, đã làm cho sản lượng điện thiếu khoảng 1.400-1.600 MW vào giờ cao điểm thì EVN cũng chỉ có giải pháp cắt điện là chính. Nếu tính cả những con số này đưa vào tiết kiệm điện thì đương nhiên lượng điện năm 2007 tiết kiệm được nhiều là tất yếu.

Nhìn lại con số tiết kiệm điện của năm 2006 sẽ thấy rõ. Bản thân EVN trong báo cáo tổng kết cuối năm 2006 đã phải thừa nhận chỉ tiêu tiết kiệm điện cả năm không thực hiện được. Các đơn vị chưa phối hợp với địa phương và khách hàng để triển khai tiết kiệm điện dẫn đến những tháng cuối năm phải đối phó bằng cách tiết giảm điện gây ảnh hưởng đến việc cấp điện cho sinh hoạt. Theo số liệu của EVN, năm 2006 tiết kiệm điện chỉ đạt 0,36%.

Đến nay EVN đã đưa ra con số ước tính tiết kiệm điện của năm 2007, nhưng không biết bao nhiêu trong đó là tiết kiệm bởi cắt điện luân phiên do thiếu điện? Những KWh điện bị cắt không phải do tiết kiệm điện đó mang lợi cho EVN nhưng làm thiệt hại cho nền kinh tế. Cứ theo tính toán mỗi KWh điện bị cắt thì tổn thất là 0,5USD thì không biết nền kinh tế đã thiệt hại như thế nào? Và trên thực tế kế hoạch tiết kiệm điện có thành công đến vậy?

  • Trần Thuỷ
     
    Ý kiến của bạn đọc:
     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,