(VietNamNet) - Số liệu từ Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho thấy, tính đến 31/12/2007, kết quả kiểm toán 59 cuộc KTNN đã phát hiện, xử lý về tài chính hơn 9.100 tỷ đồng. Ông Vương Đình Huệ, Tổng Kiểm toán Nhà nước, cho rằng, đây là số tài chính sai phạm bị xử lý lớn nhất từ trước đến nay.
>>Rò rỉ ngân sách, lạm chi tràn lan
>>Kiểm toán 112: Chưa thể định rõ thất thoát?
>>"Xài tiền" ở Đề án 112: Sai phạm nghiêm trọng
Một lớp học của Đề án 112 (chiase.anhso.net)
3 cái nhất trong năm 2007
2007 là năm thứ hai KTNN thực hiện Luật Kiểm toán. Ông Vương Đình Huệ đánh giá, điều đáng ghi nhận là năm qua, KTNN đã đạt được nhiều "cái nhất": hoàn thành khối lượng KTNN lớn nhất từ trước đến nay với 104 đầu mối; thời gian thực hiện kiểm toán nhanh nhất, rút ngắn hơn 7 ngày so với năm 2006 (còn 70 ngày so với 77,6 ngày của năm trước) và kiến nghị xử lý tài chính lớn nhất từ trước đến nay, với tổng số tiền sai phạm hơn 9.100 tỷ đồng.
Trong đó, KTNN đã kiến nghị tăng thu cho Ngân sách Nhà nước hơn 1.492 tỷ đồng; giảm chi 741 tỷ đồng; đưa vào quản lý qua NSNN là trên 543 tỷ đồng; kiến nghị xử lý các khoản cho vay, tạm ứng không đúng quy định là 2.863,5 tỷ đồng; sai phạm khác là 3.246 tỷ đồng; bổ sung kinh phí hoạt động 5,9 tỷ đồng và nợ đọng ngân sách kiểm toán xác định tăng 208,4 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2007, Tổng KTNN đã gửi công văn cho tất cả các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thủ trưởng các đơn vị được kiểm toán thông báo kết luận, kiến nghị kiểm toán và đề nghị xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ngoài ra, KTNN đã chuyển 1 hồ sơ cho cơ quan điều tra (Đề án 112), 1 hồ sơ cho Ủy ban Kiểm tra TƯ, 3 vụ cho cơ quan điều tra thuế.
Nhiều kiểm toán lớn, tiêu biểu trong năm được đánh giá cao, như kiểm toán đột xuất Đề án 112, kiểm toán ngân sách TP.HCM, Tổng Công ty Xăng dầu, dự án hạ tầng kết cấu Bắc Thăng Long - Vân Trì, dự án ngân sách các tỉnh Long An, Vĩnh Phúc, Hải Dương....
Ông Huệ nhận xét, KTNN đã hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện lãnh đạo KTNN còn yếu về cấp vụ, phòng, bộ máy chưa hoàn thiện, biên chế được giao ít, số người thực tuyển thấp hơn so với biên chế.
Hơn nữa, đến nay, cũng chưa phát hiện bất kỳ trường hợp cán bộ, công chức nào, đặc biệt là kiểm toán viên, bị xử lý kỷ luật từ các vụ việc, bảo đảm nguyên vẹn đội ngũ. KTNN cũng đã từng bước chuyên ngành hoá, tiến tới chính quy hoá và hiện đại hoá hoạt động kiểm toán.
Vẫn né tránh, ngại va chạm
Tuy nhiên, nhìn thẳng vào những tồn tại của KTNN, ông Vương Đình Huệ cho biết, lâu nay, KTNN vẫn nặng về tìm ra số sai mà chưa xác nhận số đúng - đây cũng là một chức năng của KTNN. Nhìn chung, trên cả phương diện tư duy và thực tiễn, các báo cáo của KTNN thường khen ít chê nhiều, gây phản ứng của các đơn vị được kiểm toán.
Hơn nữa, "việc chê, phê phán còn chung chung, kết luận trách nhiệm thiếu rõ ràng, nhất là với người đứng đầu; ở nơi này nơi khác còn né tránh, ngại va chạm, muốn buông xuôi".
Bên cạnh đó, theo ông Huệ, công tác kiểm toán cũng chưa gắn được với những vấn đề "nóng" hiện nay của đất nước nên báo cáo xa rời thực tiễn, điển hình như việc quản lý chỉ số giá, tình trạng nhập siêu, xã hội hoá dịch vụ công, học phí, viện phí, phân bổ nguồn lực... Điều này chứng tỏ KTNN, tuy có nhiều cố gắng, song chưa làm tròn trách nhiệm và chưa tròn "vai".
Năm 2008, KTNN cho biết đã lên kế hoạch kiểm toán 135 đầu mối (tăng 10% so với năm 2007). Đối với kiểm toán NSNN: sẽ kiểm tra quyết toán ngân sách của 35 tỉnh, thành; 20 bộ, ngành; 2 cuộc kiểm toán chuyên đề.
Trong lĩnh vực đầu tư cơ bản và chương trình mục tiêu quốc gia: kiểm tra 19 đầu mối, trong đó có 2 dự án chuyển tiếp từ năm 2007. Ngoài ra sẽ kiểm toán 23 DN và tổ chức tài chính, ngân hàng; 10 đơn vị dự toán, 5 tổng công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng; 12 công an tỉnh, thành và 1 Tổng cục thuộc Bộ Công an; 7 đơn vị tỉnh ủy thuộc khối Đảng và Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2008 cũng được KTNN xác định trọng điểm là năm xây dựng đội ngũ trong sạch vững mạnh (trong sạch hoá đội ngũ). Điều này có nghĩa là, bản thân đội ngũ kiểm toán viên vừa phát triển về quy mô, song, hết sức coi trọng chất lượng (chưa phát hiện sai phạm không có nghĩa là không có sai phạm). Sự trong sạch này thể hiện ở việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán; tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ; quản lý, sử dụng ngân sách của ngành, đặc biệt là trong mua sắm và xây dựng cơ bản - là những lĩnh vực có rủi ro lớn nhất.
-
Hà YênÝ kiến của bạn đọc: