- Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đang đứng trước áp lực phải cứu thị trường chứng khoán khỏi cơn nguy cấp, đồng thời phải giảm lạm phát cho nền kinh tế. Điều không may là không thể có một giải pháp đồng thời cho cả hai, nếu không nói là chỉ có thể lựa chọn một trong hai.
Ngày 29/1, thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận một tin vui: Chỉ thị 03 sẽ được sửa đổi từ giới hạn mức cho vay chứng khoán từ 3% tổng dư nợ sang 15%-20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Tuy chưa có ngân hàng nào kịp công bố giới hạn mới sẽ cao hơn giới hạn cũ hay không, ngay lập tức thị trường đã hiểu đây là quyết định nới lỏng mức tín dụng để giải cứu TTCK.
Có những ngày, chưa kết thúc phiên giao dịch chứng khoán thì các nhà đầu tư đã bỏ về gần hết. (Ảnh: Đặng Vỹ)
Câu chuyện nóng trên thế giới tuần qua
Đêm thứ ba 22/01, thế giới đã chứng kiến một pha giải cứu TTCK hết sức ngoạn mục của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed). Với quyết định giảm lãi suất 0,75%, mức cắt giảm cao nhất trong 20 năm qua, Fed đã dang tay cứu thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ.
Việc đột ngột cắt giảm lãi suất ngay trước phiên mở cửa TTCK của Fed là để ngăn chặn khả năng sụp đổ của TTCK khi mà hầu hết các thị trường chủ chốt ở châu Á và châu Âu trong ngày trước đó đã đạt những kỷ lục lớn về mức tụt giảm.
Ngay lập tức sau quyết định của Fed, TTCK Mỹ cũng như thế giới đã có phản ứng tốt. Đà xuống dốc bị chặn lại và chứng khoán khắp nơi tăng vọt. Quyết định của Fed được xem là quyết đoán và đã mang lại hiệu quả tức thì.
Cho dù thị trường đã tạm lắng dịu, nhiều người cho rằng như vậy là chưa đủ. Trong hai ngày qua, TTCK Mỹ đã ngập ngừng chờ đợi kết quả của phiên họp thường kỳ trong hai ngày 29/1 và 30/1. Người ta kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm thêm ít nhất 0,5% lãi suất.
Tuy nhiên, Fed cũng đang phải đối đầu với một vấn đề đau đầu không kém đó chính là tình trạng lạm phát. Có lẽ lâu lắm rồi, nước Mỹ mới lại gặp phải lạm phát cao như hiện nay. Chỉ số giá tiêu dùng năm 2007 tăng đến 4,3%, đạt kỷ lục cao nhất trong 17 năm qua!
Việc quyết định cắt giảm lãi suất đồng nghĩa với việc Fed sẽ bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Một phần tiền sẽ chảy vào chứng khoán, phần còn lại sẽ đổ vào tiêu dùng và làm cho lạm phát trở nên trầm trọng hơn.
Trong trường hợp này, Fed đã đánh đổi việc cứu thị trường chứng khoán với việc chấp nhận khả năng lạm phát tăng cao. Fed không thể một lúc đạt được hai mục tiêu vì chúng mâu thuẫn nhau.
Vì lo sợ lạm phát, cũng như nghi ngờ tác động dài hạn của biện pháp giảm lãi suất, nên Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã không hưởng ứng hành động của Fed.
Dường như có một câu chuyện tương tự đang xảy ra ở Việt Nam, chỉ số chứng khoán đang tuột dốc và lạm phát đang ở một mức rất cao. Có người cho rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng nên có bước như Fed đã làm. Liệu điều này có khả thi?
Áp lực giải cứu thị trường chứng khoán
Hiện tại TTCK Việt Nam cũng đang phải trải qua một giai đoạn hết sức tồi tệ, chỉ số chứng khoán liên tục sụt giảm. Tính đến cuối tuần qua, bình quân những nhà đầu tư mua chứng khoán vào thời điểm đầu tháng 10/2007 đã nhận thấy giá trị tài sản của mình mất đi 1/3 chỉ trong vòng chưa đầy 4 tháng!
TIN LIÊN QUAN
Đã có nhiều nhà đầu tư lên tiếng đòi Chính phủ phải có biện pháp giải cứu cho TTCK khỏi cơn nguy cấp, nhưng cụ thể là biện pháp gì?
Một số ý kiến cho là chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chứng khoán đã ảnh hưởng đến thị trường. Tuy nhiên, sau ngày 7/1 là ngày công bố quyết định hoãn thi hành loại thuế này đến năm 2009, TTCK vẫn tiếp tục xuống dốc. Trong 13 phiên liên tiếp sau ngày 7/1, chỉ số VN-Index đã mất thêm hơn 130 điểm.
Một số ý kiến khác cho là các công ty phát hành thêm cổ phiếu và trả cổ tức cuối năm bằng cổ phiếu đã làm tăng lượng cung trên thị trường. Tuy nhiên, sự sụt giảm mạnh mẽ của giá chứng khoán đã bắt đầu từ tháng 10/2007, khi mà những thông tin về phát hành thêm còn chưa xuất hiện.
Loạt ý kiến mạnh nhất là “quy trách nhiệm” cho Chỉ thị 03 về việc siết chặt tín dụng mua chứng khoán và yêu cầu nới lỏng chỉ thị này.
Cũng có những ý kiến cho là việc Ngân hàng Nhà nước giảm tốc độ mua ngoại tệ đã làm cho các nhà đầu tư nước ngoài không còn dư giả nội tệ để mua chứng khoán.
Việc nới lỏng hạn mức tín dụng (biện pháp hành chính), cắt giảm lãi suất (biện pháp thị trường), hay tung tiền ra mua ngoại tệ, cả ba đều đi đến một kết quả như nhau: làm tăng cung tiền.
Áp lực giảm lạm phát
Tăng cung tiền cũng có nghĩa là phải chấp nhận tăng lạm phát.
Tuy nhiên, trong năm qua Việt Nam đã phải chứng kiến mức lạm phát cao nhất trong vòng 12 năm qua. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2007 đã tăng 12,6% so với năm trước.
Điều đáng ngại hơn là lạm phát có xu hướng tăng tốc theo thời gian. Chỉ riêng trong tháng 12/2007, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng đến 2,91%.
Nguyên nhân của chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, theo nhiều người, cho dù không phủ nhận tác động của giá cả một số mặt hàng thiết yếu trên thế giới tăng cao, nhưng chính yếu vẫn là việc một lượng tiền quá lớn được đưa ra lưu thông trong năm qua.
Giải cứu TTCK là để khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư đã bị xói mòn nghiêm trọng trong mấy tháng qua. Tuy nhiên, chặn đứng lạm phát cũng là để cuộc sống của đại đa số người dân không bị ảnh hưởng, đặc biệt là tầng lớp dân nghèo.
Tóm lại, sẽ cần thêm một thời gian để thấy tác động hai mặt của việc nới lỏng tín dụng. Tuy nhiên, có thể thấy trước là lạm phát và chứng khoán sẽ vận động ngược chiều nhau. Đó là chưa tính đến việc nới lỏng tín dụng sẽ làm tăng rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Sau hơn 7 năm, chỉ số chứng khoán Việt Nam đã tăng 7,76 lần, mức tăng bình quân hàng năm lên đến 30,9%, một tốc độ tăng trưởng đạt kỷ lục so với TTCK thế giới.
Nguồn: Tính toán của tác giả từ Globle Financial Data
Chỉ số
Tốc độ tăng hằng năm
Chỉ số
Tốc độ tăng hằng năm
Nikkei (Nhật)
SET-Thái Lan
1960-1980
10,6%
1986-1993
45,5%
1980-1990
19,0%
1994-1998
-41,4%
1985-1989
37,7%
1998-2007
13,6%
1990-1992
-82,6%
1975-2007
6,7%
1990-2003
-12,4%
Thượng Hải
2003-2007
14,4%
1991-2007
27,7%
1960-2007
6,25%
2005-2007
59,5%
1914-2007
7,21%
VN-Index
S&P 500 (Mỹ)
2000-2008
30,9%
1908-2007
5,2%
2005-2008
60,8%
-
Thuý Bình
Ý kiến bạn đọc: