Thủy hải sản bán chạy trong những ngày sau Tết. Ảnh: Nguyễn Sa
TP.HCM: Đầu mối không tăng, bán lẻ cũng tăng
Tại TP.HCM các ngôi chợ lớn chính thức khai trương trở lại vào sáng mùng 4 Tết (ngày 10/2), còn các ngôi chợ nhỏ thì đã bán lai rai từ sáng mùng 2 Tết. Riêng các chợ đầu mối nông sản thực phẩm như Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức.. thì từ sáng mùng 1 Tết đã mở cửa trở lại như bình thường (chỉ nghỉ chiều 30 Tết).
Đại diện Ban quản lý các chợ Bình Điền cho hay, việc mở cửa liên tục chợ sỉ này nhằm đảm bảo nguồn cung hàng cho thành phố. Trong 3 ngày đầu Xuân thì lượng rau, củ, quả tươi về chợ rất ít, ước khoảng 100 tấn/ngày. Đến nay lượng hàng đã tăng lên như bình thường - cả ngàn tấn/ngày. Theo quan sát từ các chợ đầu mối, giá rau củ quả cũng đã hạ nhiệt hơn so với những ngày cận Tết, so với giá ngày thường thì chỉ tăng chút ít, chừng 5-10%.
Tuy nhiên, đến các chợ bán lẻ thì tình hình lại khác. Hầu hết các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, cá, thủy hải sản và rau củ quả dường như vẫn "ăn Tết", đều đứng giá ở mức cao, tương đương như những ngày áp Tết.
Tại chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) và nhiều chợ bán lẻ khác, giá thịt heo nạc đứng ở mức 70.000đ/kg, thịt đùi 65.000đ/kg, ba rọi 60.000đ/kg; thịt bò phi lê 110.000đ/kg, thịt đùi 100.000đ/kg, gà thả vườn 55.000đ/kg, gà ta 95.000đ/kg… Các loại rau xanh giá cũng đứng giá ở mức cao, như cà rốt 15.000 đồng/kg, bắp cải, cải ngọt 8.000đ/kg, bắp cải trắng 10.000đ/kg, cà chua 16.000đ/kg, (gấp đôi so với ngày thường)... Tương tự, giá bán các loại trái cây cũng tăng, như cam, xoài, thanh long… tăng khoảng 10.000đ/kg.
Theo các tiểu thương, những ngày sau Tết mặt hàng “hút” nhất chính là rau quả các loại, do vậy đây cũng là mặt hàng giữ giá tăng cao và lâu nhất trong thời gian này. Lý giải vì sao giá tại chợ sỉ đã được bình ổn trở lại mà chợ lẻ vẫn tăng, nhiều tiểu thương “vin” vào lý do là cước vận chuyển trong những ngày Tết đắt hơn bình thường.
Cũng theo tiểu thương, từ nay đến Rằm tháng Giêng giá các mặt hàng thực phẩm, rau quả khó mà hạ nhiệt vì tháng này nhiều người thường xuyên sắm lễ (heo, gà, trái cây…) đi chùa và cúng kiếng đầu năm…
Rau quả đứng ở mức cao, bằng giá trong những ngày cao điểm áp Tết. Ảnh: Nguyễn Sa |
Khan hiếm thủy hải sản
Tuy không nằm trong diện cúng kiếng như heo quay, gà ta… nhưng thủy hải sản, cá đồng là mặt hàng được ưa chuộng nhất trong thời điểm hiện nay. Tại một số siêu thị và chợ, mặt hàng này luôn hết sớm và có vẻ khan hiếm hàng.
Chị Bình, tiểu thương chợ đầu mối thủy hải sản Chánh Hưng cho biết, đầu năm ngư dân còn nghỉ ngơi nên hàng về chợ số lượng ít hơn ngày thường. Như gian hàng của chị trung bình mỗi ngày phải nhập vào gần cả tấn cá biển mới đủ cung ứng ra thị trường, nay hàng về ít nên chị mới có thể đáp ứng được 50% nhu cầu.
Khảo sát qua các chợ cho thấy, giá cá biển, cá đồng và cá nuôi cũng đứng ở mức cao, như cá thu 90.000đ/kg, cá ngừ 35.000đ/kg, cá nục 23.000đ/kg, cá lóc đồng 85.000đ/kg, nuôi 35.000đ/kg, tôm càng xanh 230.000đ/kg, tôm sú 130.000đ/kg…
“Năm nào cũng vậy, trong tháng Giêng này hàng hóa và dịch vụ luôn đắt đỏ, cầm bao nhiêu tiền ra chợ cũng hết. Muốn một bữa ăn ngon cho gia đình sao khó quá!” - Chị Huyền, người giữ tay hòm chìa khóa của một gia đình 6 miệng ăn than thở.
Tháng Giêng người người nườm nượp sắm lễ đi chùa, cúng đầu năm. Ảnh: Nguyễn Sa |
Hàng quán, dịch vụ lấy đà tăng… luôn
Không khổ sở như những bà nội trợ là phải lăn lội đi chợ và khản cổ vì trả giá nhưng dân văn phòng trong những ngày này cũng đã hoa mắt vì giá cả tại các quán ăn, các cửa hàng dịch vụ…
Như thường lệ, vừa nghỉ Tết xong là nhiều quán ăn đồng loạt tăng giá, “ăn theo” sức tăng của thực phẩm trên thị trường. Tại một quán phở bò nằm trong khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều thực khách không khỏi ngạc nhiên khi hóa đơn tính tiền tăng đến 5.000đ/tô so với bình thường (từ 25.000đ lên 30.000đ/tô). Nhân viên liền giải thích ngay là do giá cả thịt bò và rau tươi tăng nên từ 10/2 (ngày khai trương đầu năm) đã tăng lên mức này.
Tương tự, nhiều nhân viên văn phòng trong những ngày đi làm lại đầu năm (mùng 5 và 6 Tết) đều cho hay “choáng” trước bảng giá mới của nhiều hàng quán ăn. Mức tăng trung bình là 2.000 đ/dĩa cơm; 3.000đ/tô phở hoặc bùn bò… Điều đáng nói là hàng quán đã tăng là lấy đà tăng luôn, không có chuyện “hạ nhiệt” lên xuống như giá cả ngoài chợ.
Ngoài hàng ăn, một số dịch vụ khác cũng mon men giữ giá “ăn Tết” như dịch vụ làm đẹp cho chị em ở các tiệm tóc (gội đầu, sơn móng, uốn, duỗi tóc…); dịch vụ giặt ủi; giữ xe…
Đà Nẵng: Thực phẩm đồng loạt tăng giá
Cũng giống như ở TP.HCM, tại Đà Nẵng, sau Tết, giá thực phẩm tươi sống cũng đồng loạt tăng và “lắc lư” một cách chóng mặt, kéo theo giá dịch vụ ăn uống cũng tăng bất thường.
Theo ghi nhận của PV VietNamNet, từ mồng 2 Tết, mặc dù các chợ chưa mở cửa những nhiều người đã bày bán các loại rau, thịt heo và được tiêu thụ khá nhanh. Tại chợ Hoà Khánh, từ ngày mồng 3 Tết, nhiều bà con nông dân đã đưa đến từng chuyến xe chất đầy rau tươi và chỉ trong chốc lát là hết veo.
Thực phẩm tăng giá sau Tết khiến người tiêu dùng tại Đà Nẵng phải đắn đo Ảnh: HC
Cũng từ mồng 3, mồng 4 Tết, nhiều quầy kinh doanh hoa, trầu cau, trái cây, gà ta... đã mở hàng trở lại và tiêu thụ khá mạnh do nhiều gia đình có nhu cầu cúng “đưa ông bà”. Tuy nhiên các loại rau, củ, trái cây tươi có dấu hiệu khan hàng, giá tăng nhẹ. Đặc biệt giá các loại thực phẩm tươi sống thì đồng loạt tăng và “lắc lư” một cách chóng mặt. Đến mồng 5 Tết, tại nhiều chợ lớn ở Đà Nẵng như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa cũng chỉ mới có lác đác vài quầy bán thịt bò và gà siêu thị, trong khi nhu cầu mua thịt heo tươi rất cao nhưng không có hàng để bán.
Trước Tết, giá thịt heo mông khoảng 60.000 đồng/kg, hiện đã tăng lên 100.000 đồng/kg nhưng rất khan hàng vì nguồn heo hơi từ vùng nông thôn về chưa nhiều. Giá thịt bò trước Tết 100.000 đồng/kg, mồng 3 Tết tăng lên 220.000 đồng/kg và tính tới mồng 6 Tết đang ở mức gần 200.000 đồng/kg, tôm tươi 120.000 đồng/kg, gà ta 120.000 - 130.000 đồng/kg... nhưng lượng hàng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.
Do đã quá “ngán” các loại thịt trong mấy ngày Tết nên nhu cầu ăn cá tươi rất cao. Đáng mừng là giá các loại cá biển không những không tăng mà sau Tết còn có phần giảm như cá ngừ từ 45.000 đồng/kg hiện còn 30.000 đồng/kg, cá chiêm từ 70.000 đồng/kg hiện còn 45.000 đồng/kg... do nhiều ngư dân vẫn liên tục đánh bắt, kể cả đánh bắt xa bờ trong 3 ngày Tết. Các loại cá đồng hiện cũng bán khá chạy, nhất là cá lóc với giá 45.000 đồng/kg...
Giá thực phẩm tăng cao sau Tết khiến giá dịch vụ ăn uống tại Đà Nẵng cũng tăng hơn 20% so với trước. Thậm chí những món ăn bình dân như bún chả cá, trước Tết khoảng 8.000 - 10.000 đồng/tô nhưng nay đã tăng lên tới... 18.000 đồng/tô; phở 15.000 đồng/tô so với trước Tết là 12.000 đồng/tô, ngay cả ly café sáng cũng tăng từ 4.000 đồng lên 5.000 đồng...
Tết năm nay, thời tiết ở Đà Nẵng khá lạnh so với mọi năm. Vì vậy, không chỉ người dân ít ra đường đón xuân trong 3 ngày Tết mà đến thời điểm này, khi các cơ quan, công sở, doanh nghiệp mở cửa và nhiều người có nhu cầu “gặp gỡ” đầu xuân thì cũng ít tìm tới những quán xá “lộng gió”. Thay vào đó, mọi người chọn các quán cafe, karaoke để gặp gỡ bạn bè, người thân. Vì vậy, hầu hết các quán cafe thường đầy kín khách, các quán karaoke cũng “cháy phòng” thường xuyên. Lợi dụng tình hình này, nhiều chủ quán đã tăng giá lên 20-30% so với ngày thường, thậm chí có nơi tăng giá lên hơn 50%.
Điều đáng nói là khác với sự ra quân liên tục vào thời gian trước Tết, các lực lượng quản lý thị trường, ban quản lý các chợ... ở Đà Nẵng hầu như vẫn chưa có “động tĩnh” gì cho thời điểm sau
- Nguyễn Sa, Hải Châu