221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1034301
Nông dân khốn đốn vì lúa, gia súc chết
1
Article
null
Nông dân khốn đốn vì lúa, gia súc chết
,

 - Vụ đông xuân này, diện tích trồng lúa ở Hà Tây gần như bỏ trống do giá rét, lúa cấy xuống chưa kịp bén rễ đã chết hoặc bà con nông dân đang chờ nhiệt độ ấm lên mới cấy. Trước thiệt hại do đợt rét đậm, kéo dài gây ra, Bộ NN-PTNT vừa kiến nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp gần 150 tỷ đồng cho bà con nông dân.

Rét "cướp" mất 80 tỷ đồng của nông dân

Ven quốc lộ 21 chạy qua các huyện Ứng Hoà, Thanh Oai của Hà Tây, toàn bộ diện tích đất vụ đông xuân 2007-2008 gần như bỏ trống. Một số thửa bắt đầu lấy nước vào ruộng. Giá rét làm cho lúa mới cấy, mạ vừa gieo gần như không lên được và chết rất nhiều. 

Tại Ứng Hoà, vụ xuân 2008, huyện lên kế hoạch cấy 10.500ha lúa. 29 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã gieo 750 ha mạ tập trung vào thời điểm sau tiết đại hàn (98% diện tích mạ có che phủ nilon). Vậy mà rét hại, rét đậm liên tục kéo dài đã làm 150-160 ha mạ và lúa đã cấy bị chết rét. Toàn huyện đang tăng cường kiểm tra và chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích mạ bị chết để gieo bổ sung.  

Che chắn để mạ khỏi chết rét ở huyện Hoài Đức - Hà Tây (ảnh Phạm Hải)

Huyện Thanh Oai cũng chẳng khá hơn khi 35% diện tích mạ bị chết. Do vậy, các biện pháp hàng đầu để cây mạ sống được như rút kiệt nước chân mạ; che phủ nilon; rắc tro bếp... đang được khẩn trương tiến hành để mạ kịp lên, sẵn sàng để cấy khi thời tiết có dấu hiệu ấm dần. 

Trong khi đó, Hà Tây chỉ là một trong số ít các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do đợt rét đậm lịch sử này, nhiều nhất phải kể đến Thanh Hóa (25.000ha); Nghệ An (10.460 ha); Phú Thọ (khoảng 7.000ha lúa và 400ha mạ); Hải Dương (7.000ha lúa và 100 ha mạ); Hải Phòng (7.000 ha lúa và 500 ha mạ); Thái Bình (10.000 ha lúa và 1.500 ha mạ)... Ngoài ra, nhiều diên tích lạc, đậu tương gieo xong gặp rét cũng bị thối hạt hoặc thui mầm.

Tổng hợp từ Cục Trồng trọt, tính đến trưa nay (15/2), các địa phương ở miền Bắc cấy được hơn 260.000 ha lúa đông xuân thì 104.000 ha lúa, gần 10.000 ha mạ chết rét. Tổng thiệt hại đối với trồng trọt ước tính gần 80 tỷ đồng. Tại các tỉnh miền núi, giá lạnh đã làm chết 30.664 con gia súc, chủ yếu là bê và nghé (40-50%), tập trung nhiều tại các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, Yên Bái, Thanh Hoá, Lạng Sơn... Sự chủ quan và thiếu kiến thức của bà con, như chăn thả rông trâu bò trong giá rét, không che chắn cho chuồng nuôi, để gia súc đói... đã làm con số thiệt hại chưa dừng lại.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Phan Huy Thông nhận xét, những diện tích lúa cấy và mạ gieo trước Tết Nguyên đán khoảng 10 ngày gặp đúng đợt rét đậm, rét hại nên bị ảnh hưởng nặng nhất, đặc biệt đối với các giống lúa thuần, kém chịu rét các chân ruộng không đủ nước... Tình trạng lúa, mạ chết nhiều khiến một số nông dân nảy sinh tâm lý chán nản, muốn bỏ ruộng do việc cấy lại vừa tốn công, lại làm tăng thêm chi phí. Cục Trồng trọt ước tính, để cấy lại số diện tích lúa, mạ bị chết sẽ cần khoảng 250 tấn giống lúa các loại. 

Căng thẳng nguồn nước

Ðể bảo đảm đủ nước cho đổ ải, gieo cấy lúa đông xuân ở các tỉnh thuộc đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam đã tiến hành hai đợt xả nước từ các hồ chứa Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang và  chuẩn bị xả đợt thứ ba vào ngày 27/2. Các địa phương đang tập trung lấy nước nhanh. Hầu hết các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng đã căn bản đủ nước gieo cấy. 

TIN LIÊN QUAN
Song, theo Cục Thuỷ lợi (Bộ NN-PTNT), do rét đậm, rét hại kéo dài không thể gieo cấy, cho nên hầu hết diện tích đã có nước chưa làm được đất. Lượng nước đã lấy vừa thấm vừa bốc hơi, cần được bổ sung khi làm đất gieo cấy khi trời ấm. 

Điều đáng lưu ý là sau hai đợt xả vừa qua, đến nay, mức nước hồ Hòa Bình đã xuống cao trình 109,1 m, thấp hơn cùng kỳ năm 2007 là 2,1 m; hồ Thác Bà 51,83 m, thấp hơn năm 2007 là 3,2 m, trong khi các nhà máy thủy điện này phải bảo đảm nguồn điện trong tháng cuối mùa khô cho khu vực phía Bắc. Chưa kể, dự báo mới nhất của Trung tâm Dự báo KTTV TƯ, lưu lượng nước các sông như sông Đà, sông Thao, sông Lô vẫn thiếu hụt từ 15-30% so với cùng kỳ năm trước.

Tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương không vì có nước về ruộng mà để bà con bất chấp cấy khi nhiệt độ xuống thấp. Nếu thiếu nước, Tập đoàn Điện lực cũng có thể sẽ tiếp tục xả nước đợt 4.

Đề nghị hỗ trợ khẩn cấp gần 150 tỷ đồng

Trước tình hình trên, Bộ NN-PTNT đã cử 8 đoàn công tác đi các địa phương chỉ đạo khắc phục hậu quả do rét đậm, rét hại gây ra đối với cây trồng và vật nuôi. Bộ NN-PTNT cũng đề xuất với Chính phủ hỗ trợ 50% giá giống cho nông dân có lúa, mạ bị chết, tương đương 4.000 đồng/kg; hỗ trợ bà con 1 triệu đồng/con trâu, bò chết; 500.000 đồng/bê, nghé chết. Riêng các huyện vùng cao, Bộ đề nghị hỗ trợ 100.000 đồng/con cho trâu, bò ốm để mua thức ăn và giữ ấm. Tổng số tiền đề nghị ngân sách hỗ trợ hơn 148,8 tỷ đồng. 

Đại diện Bộ LĐTB-XH cũng đề nghị Chính phủ cho khoanh nợ đối với những hộ dân vay vốn mua gia súc, có gia súc bị chết.

Bộ NN-PTTN yêu cầu các địa phương dưới 15oC không được cấy lúa (ảnh Việt Hùng).
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp chiều nay (15/2) với các Bộ: NN-PTNT, GD-ĐT, Y tế, LĐTB-XH, Tài chính... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh nỗ lực của các bộ trong đối phó với đợt rét vừa qua. Thủ tướng cơ bản đồng ý với những đề xuất hỗ trợ giống lúa, hỗ trợ gia súc chết của Bộ NN-PTNT nhằm bảo đảm lịch thời vụ gieo cấy và khôi phục đàn gia cầm bị chết; đồng thời đồng ý khoanh nợ, cho vay tiếp đối với những hộ dân vay vốn mua trâu bò bị thiệt hại.

Thủ tướng nhấn mạnh, lãnh đạo các địa phương bị thiệt hại nặng cũng cần trích ngân sách hỗ trợ nông dân; ngành nông nghiệp cần tập trung các giải pháp nhằm gieo cấy hết kế hoạch diện tích vụ đông xuân, bảo đảm năng suất, sản lượng lúa.

Về các giải pháp cụ thể, Cục Trồng trọt yêu cầu các địa phương khẩn trương kiểm tra đồng ruộng, thống kê nhanh những diện tích mạ, lúa bị thiệt hại để phân loại và có biện pháp xử lý phù hợp. Diện tích lúa bị chết trên 50% số khóm, phải gieo bổ sung ngay bằng các giống lúa lai ngắn ngày và giống lúa thuần ngắn ngày. Phải thực hiện gieo mạ sân, mạ nền cứng, mạ khay và triệt để việc che phủ nilon đúng kỹ thuật, nơi có điều kiện thì sưởi ấm cho mạ bằng điện. 

Trong thời gian rét đậm dưới 15oC phải tiếp tục dừng cấy. Thời vụ gieo cấy vụ Đông Xuân năm nay có thể kéo dài hơn các vụ trước nhưng không quá muộn, cụ thể: vùng bắc Trung Bộ kết thúc cấy trong tháng 2, nếu gieo thẳng cần kết thúc trước 25/2; vùng ĐBSH và vùng Tây Bắc cấy đến 5/3, nếu gieo thẳng kết thúc trong tháng 2; vùng Đông Bắc: lúa Xuân muộn cấy đến 10/3, gieo cấy Xuân Hè kết thúc trước 30/3.

Đối với gia súc, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng, biện pháp quan trọng nhất là bà con cần phải nhốt ngay trâu, bò và che chắn cẩn thận, không cho ra ngoài. Phải đốt và sưởi ấm cho trâu, bò bằng trấu và tro để giữ ấm. Mặt khác, cần cho trâu, bò ăn đầy đủ (rơm, cỏ), kết hợp với nấu cháo hoặc cám cho ăn thêm. Nếu có điều kiện, nên bổ sung thêm một ít chất khoáng cho gia súc để tăng sức đề kháng trong đợt rét này. 

  • Hà Yên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,