- Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, đến chiều nay (19/2), giá rét và cái đói đã làm 55.000 con gia súc bị chết, tăng thêm 2.000 con. Tổng thiệt hại lên tới 190 tỷ đồng. Đàn trâu, bò ở phía Bắc đang suy kiệt do phải chống chọi lâu ngày với cái rét, cái đói đang hoành hành. Có được đàn bò như thế này là niềm mơ ước của nhiều nông dân phía Bắc (Ảnh khuyennongvn.gov.vn)
Cho trâu bò ăn lá rừng!
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nhận định, với đợt rét đậm còn kéo dài như hiện nay, thiệt hại về trâu, bò còn tăng và đàn gia súc đang yếu đi trông thấy. Thậm chí, nhiều nơi gia súc còn đang liêu xiêu trong chuồng.
Con số gia súc chết rét năm nay ước tính cao hơn cả thiệt hại do trâu, bò bị bệnh của hai năm 2006 và 2007 cộng lại, làm giảm ghê gớm tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi gia súc, vốn đã "ì ạch" khi năm qua số lượng đàn trâu cũng chỉ tăng hơn 1%, bò vài phần trăm song thiệt hại giờ đã lên 5% tổng đàn trâu bò cả nước.
Địa phương có số lượng trâu, bò chết nhiều là các tỉnh Đông Bắc 34.690 con (chiếm 66,8%); Tây Bắc 10.261 con (chiếm 19,7%); Bắc Trung Bộ 6.971 con (chiếm 13,4%); các tỉnh ĐBSH nhìn chung ít thiệt hại, trừ một số huyện miền núi của Ninh Bình chết 40 con (chiếm 0,07%).
Theo ông Sơn, đặc điểm của đợt thiệt hại này là trâu bò chết cả trước và sau Tết, chủ yếu trên đàn trâu bò già và bê, nghé. Đàn gia súc bị chết không những khi thả trên cánh đồng, trong rừng, trên đồi mà ngay cả trong chuồng. Trâu bò chết rét cũng có đặc thù riêng: miền núi chết chủ yếu do rét và đói, miền Trung là do đói và rét.
TIN LIÊN QUAN
Hơn nữa, tình trạng thiếu thức ăn đang diễn ra trầm trọng. Ông Sơn cho biết, ở Tuyên Hoá (Quảng Bình), bà con nông dân phải đi hái lá rừng cho trâu, bò ăn mà không biết có độc hại hay không, khi chết mổ trâu bò ra gan mật đều sưng to. Thậm chí, bà con còn phải đào cả rễ cỏ lên làm thức ăn cho gia súc.
Tại Hương Khê (Hà Tĩnh), nông dân phải thuê xe đi mua rơm ở các huyện miền xuôi như Văn Lộc, Đức Thọ với giá 1 triệu đồng/tấn... về bán 1,3-1,4 triệu đồng/tấn.
Cục Chăn nuôi dự đoán, số trâu bò tiếp tục chết còn gia tăng, không loại trừ trong số này có cả chết do bội nhiễm bệnh tụ huyết trùng, tiêm mao trùng... Hơn 500.000 con đang suy kiệt sau nhiều ngày phải chống chọi với cái rét, cái đói, rất dễ nhiễm bệnh.
Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp nông dân
Lãnh đạo Cục khuyến cáo các địa phương trước mắt triển khai ngay 2 giải pháp: tiếp tục thực hiện 5 biện pháp kỹ thuật mà Bộ NN-PTNT đưa ra; đồng thời, trên cơ sở ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm, cần phải giao ban công việc hàng tuần.
Về lâu dài, cần có Chiến lược về phòng chống rét cho trâu bò. Ông Sơn cho rằng, riêng chuyện dự trữ thức ăn thô xanh cho trâu bò cũng đang trống do 10-15 năm lại đây, bà con không dự trữ nữa mà đốt hết rơm rạ. Đến mùa rét, nhiều nơi không còn cân rơm nào, phải chia nhau từng tí. Quy luật mùa đông là rét nên cũng cần có kế hoạch ngay từ đầu, chỉ đạo cương quyết, ráo riết hơn.
Quyết định 201/QĐ-TTg, do Thủ tướng CP Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành hôm nay, cũng đồng ý trích Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% giá giống lúa cho bà còn, tuỳ theo cơ cấu giống và thời vụ sản xuất vụ Đông Xuân từng địa phương. Mỗi con trâu, bò, bê, nghé bị chết do rét được hỗ trợ bình quân 1 triệu đồng/con. Nguồn dự phòng Trung ương hỗ trợ 30%, nguồn dự phòng địa phương hỗ trợ 70%.
Các hộ nông dân cũng được khoanh nợ vay trong thời gian 12 tháng đối với số dư nợ đến ngày 29/2/2008 của các khoản vay mà các hộ nông dân vùng bị thiệt hại do rét đậm, rét hại đã vay vốn các ngân hàng thương mại nhà nước để chăn nuôi trâu, bò.
Ngoài ra, một số địa phương đã đề nghị Nhà nước hỗ trợ thêm do lo ngại thiếu sức kéo cho vụ đông xuân và hè thu tới; thông qua các chương trình, dự án 135, khuyến nông, hỗ trợ đồng bào khó khăn mua lại con giống phục vụ sản xuất... Tuy nhiên, Cục Chăn nuôi đánh giá, việc khôi phục lại đàn gia súc tại các tỉnh miền núi phía Bắc có thể phải mất khoảng 30 tháng.
-
Hà YênÝ kiến của bạn đọc: