- Thị trường tiền tệ nóng lên chưa từng thấy trong lịch sử kinh tế Việt Nam, vốn VND khan hiếm. Trên thị trường liên ngân hàng hầu như chỉ có người vay mà không có người cho vay. Trên thị trường tiền tệ các NHTM liên tục bám đuổi nhau tăng lãi suất huy động vốn nội tệ. Chỉ trong có 1 tuần một số NHTM điều chỉnh lãi suất tới 2-3 lần.
Trên thị trường tiền tệ các NHTM liên tục bám đuổi nhau tăng lãi suất huy động vốn nội tệ. Chỉ trong có 1 tuần một số NHTM điều chỉnh lãi suất tới 2-3 lần. (Ảnh: NS)
Ảnh hưởng đáng lo ngại tới tăng trưởng kinh tế
Song phản ứng hết sức đáng quan tâm là tác động đến tăng trưởng kinh tế. Bởi vì hiện nay hàng loạt NHTM hạn chế cho khách hàng vay vốn. Thậm chí do lo vấn đề thanh khoản, thực tế hiện nay một số ngân hàng đã hạn chế cho vay, tập trung thu nợ.
Một số NHTM chỉ cho khách hàng truyền thống, cho dự án tốt vay vốn, còn không cho vay đối với khách hàng mới. Phần đông NHTM đã tăng lãi suất cho vay thêm 0,15- 0,20%/tháng so với trước. Nhiều NHTM cho vay ngắn hạn VND với lãi suất 1,35-1,45%/tháng, lãi suất cho vay trung dài hạn lên tới 1,5 -1,65%/tháng, nhưng không phải khách hàng nào cũng vay được. Thậm chí có trường hợp chào lãi suất cho vay lên tới 2,0%/tháng.
Tình hình này rõ ràng là ảnh hưởng hết sức đáng lo ngại đến tăng trưởng kinh tế. Bởi vì nhiều dự án sản xuất kinh doanh không thể triển khai được vì không vay được vốn, hoặc nếu vay được vốn thì lãi suất lại tăng cao, chi phí lớn, tính toán không có lãi. Do đó nhiều chủ dự án đang tính toán dừng chưa triển khai dự án vì lãi suất quá cao so với tính toán ban đầu, hoặc do NHTM cam kết tài trợ vốn nay NHTM đó không giải ngân cho vay.
Về mặt thông lệ quốc tế cũng như thực tiễn Việt Nam, tác động của việc thực hiện chính sách tiền tệ có độ trễ ít nhất là 6 tháng. Các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong một báo cáo gần đây về nền kinh tế Việt Nam cũng tính toán rằng độ trễ trong tác động của chính sách tiền tệ là từ 15 đến 18 tháng. Do đó tình trạng thiếu vốn đầu tư cho nền kinh tế do các NHTM hạn chế cho vay sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nửa cuối năm 2008. Do đó rõ ràng mục tiêu tăng trưởng GDP là 9% trong năm nay khó mà đạt được.
Tác động trực tiếp tới TTCK và bất động sản
Về tác động ngược lại mong muốn đối với TTCK là rõ nhất của việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt hiện nay. Từ sau Tết Nguyên đán Mậu Tý đến nay, TTCK Việt Nam có 10 phiên giao dịch thì có tới 9 phiên “đỏ sàn”.
Sự tác động nói trên là đúng quy luật bởi nguyên lý chung là giữa TTCK và thị trường tiền tệ có mối liên hệ mật thiết với nhau. Khi thị trường tiền tệ nóng lên, lãi suất tăng cao thì TTCK đi xuống.
Về tác động đến thị trường bất động sản, thì đang tương đối nhìn thấy rõ nhất. Hiện nay các giao dịch bất động sản đã chậm lại, giá cả không tăng. Tuy nhiên nhiều lo ngại là do tác động thắt chặt tiền tệ “quá liều” gây đóng băng thị trường này, hay sụt giảm quá mức như TTCK bị tác động của Chỉ thị 03 như trong năm 2007. Bởi vì các nhu cầu vay vốn bất động sản hiện nay hầu như bị dừng hẳn, kể cả người vay là các doanh nghiệp chủ dự án, kể cả khách hàng cá nhân. Tình trạng dừng cho vay cả khách hàng cá nhân có nhu cầu đích thực về nhà ở chứ không phải là đầu cơ.
Tại cuộc đối thoại sáng 22/2/2008 tại TP.HCM hơn 300 doanh nghiệp địa ốc đang lên tiếng “kêu cứu”. Họ cho rằng ngân hàng ngưng cho vay bất động sản thì chỉ có “nước chết”. Hàng loạt cán bộ, nhân viên, người nghèo,… mua nhà trả góp,… nay bị ngân hàng ngưng không cho vay, không có tiền trả cho dự án và trả nợ ngân hàng; các doanh nghiệp không có tiền triển khai dự án do ngân hàng không cho vay, hàng loạt dự án bất động sản bị đình trệ. Hậu quả tiếp theo là nợ quá hạn gia tăng.
Hệ thống ngân hàng được ví như mạch máu trong một cơ thể. Dòng vốn trong nền kinh tế chu chuyển liên tục phản ánh qua hệ thống ngân hàng. Giữa thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản,… có sự liên thông và liên hệ mật thiết với nhau. Thị trường bất động sản bị ngưng trệ, thị trường chứng khoán sụt giảm kéo dài, vốn cho sản xuất kinh doanh phải chịu chi phí lãi suất quá cao và không hiệu quả,…nợ quá hạn ngân hàng gia tăng, các ngân hàng thương mại sẽ đi về đâu,.. là điều dễ tiên lượng.
Biện pháp kiềm chế lạm phát: Không được gây sốc
Còn về tác động đến kiềm chế lạm phát của việc thực hiện chính sách tiền tệ thì còn phải chờ! Bởi vì, do rét đậm, rét hại kéo dài nhất trong lịch sử ở các tỉnh miền Bắc nước ta, gần 60.000 con gia súc bị chết. Rau và mạ bị chết và không phát triển được, hạn hán có nguy cơ lan rộng. Nguồn cung rau và thực phẩm ra thị trường giảm sút, chi phí sản xuất nông nghiệp tăng cao.
Bên cạnh đó giá gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, hạt điều, thuỷ hải sản, đồ gỗ, than đá, dầu thô,… xuất khẩu của Việt Nam lại tăng cao do giá thị trường thế giới biến động.
Các chuyên gia dự báo giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2008 sẽ tăng 20%. Giá dầu thô thị trường quốc tế đã lên tới 100 USD/thùng, đang tạo nên sức ép mạnh mẽ tăng giá bán lẻ xăng dầu, giá bán gas và các sản phẩm có liên quan thị trường trong nước. Tất cả các nhân tố đó làm giá các nhóm mặt hàng trong “rổ hàng hoá” tính chỉ số giá tiêu dùng - CPI của Việt Nam tăng cao.
Nên cho dù NHNN có thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ hơn nữa thì không thể kéo được giá các nhóm mặt hàng đó giảm.
Việt Nam đang chuyển mạnh sang cơ chế thị trường và hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới. Mục tiêu về kiềm chế lạm phát, hạn chế sự tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản... là đúng nhưng các công cụ can thiệp phải theo cơ chế thị trường chứ không thể là các biện pháp hành chính.
Các biện pháp can thiệp và các chính sách lại càng không được gây sốc cho thị trường. Đồng thời không thể đặt ra yêu cầu một chính sách phải thực hiện cả 4 mục tiêu cùng một lúc không những quá tham vọng mà còn trái quy luật.
Không những vậy, không thể chỉ trông chờ vào riêng chính sách tiền tệ, mà quên đi chính sách tài khoá. Hoặc là cũng với 4 biện pháp của NHNN có lộ trình thực hiện tuần tự, việc bắt buộc mua trên 20.000 tỷ đồng tín phiếu được rải đều trong 3-6 tháng, Quyết định 03 được thực sự chỉnh sửa những bất hợp lý của Chỉ thị 03,… thì tình hình cũng không đến nỗi ”nước sôi lửa bỏng“ như hiện nay. Trong thực tế câu ngụ ngôn ”ném chuột để vỡ bình quý” được nhắc đến hiện nay là hoàn toàn phù hợp.
-
Phương NamÝ kiến của bạn đọc: