- Việc bãi bỏ trợ giá xăng dầu là một quyết định khó khăn của Chính phủ và một thực tế khó khăn đối với thị trường trong giai đoạn này. Nhưng trong những khó khăn, có lẽ cũng cần tỉnh táo để nhìn thấy những cơ hội mới.
Một điều không may với thị trường Việt Nam là lạm phát cao diễn ra cùng lúc với thời điểm lên cơn sốt của giá xăng dầu thế giới. Những biện pháp giảm lạm phát của Chính phủ sẽ cần có một “độ trễ” về thời gian để phát huy tác dụng. Nhưng liệu trợ giá xăng dầu có thể kéo dài và chờ đợi thêm nữa?
Khảo sát trên 170 nước cho thấy, có 29 nước giá xăng thấp hơn Việt Nam, và 140 nước có giá xăng cao hơn Việt Nam (nguồn: Tổ chức Phát triển Quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức)
Từ một kết quả khảo sát quốc tế
Ngày 29/1/2008, Tổ chức Phát triển Quốc tế của Cộng hòa Liên bang Đức (GTZ) đã công bố một kết quả khảo sát về giá xăng dầu quốc tế. Trong danh sách 170 nước, chỉ 29 nước có giá bán lẻ xăng dầu thấp hơn Việt Nam, 140 nước khác có giá xăng dầu cao hơn Việt Nam.
Cụ thể, các nước láng giềng của Việt Nam (ngoại trừ Malaysia) đều không trợ giá xăng dầu và đều có giá xăng dầu cao hơn Việt Nam. Đặc biệt là Campuchia, vào thời điểm khảo sát của GTZ, giá bán lẻ xăng dầu cao gấp rưỡi giá của Việt Nam.
GTZ cũng cảnh báo sự chênh lệch về giá và trợ giá giữa các nước làm tăng nguy cơ buôn lậu xăng dầu qua biên giới, giảm động cơ cải thiện quản lý, và giảm động cơ để nền kinh tế cải thiện hiệu quả tiêu dùng xăng dầu.
Ngày 19/2/2008, tờ báo “Ý thức Khmer” đã lên tiếng về hiện tượng nhiều công ty tư nhân Campuchia mở văn phòng tại khu vực tỉnh Xvay Rieng và Prey Vieng (giáp biên giới Việt Nam) để mua xăng dầu với số lượng lớn của Việt Nam và chuyển về thủ đô Phnôm Pênh. Cảnh sát kinh tế Campuchia cũng xác nhận có tình trạng này. (Báo Biên Phòng, ngày 20/2/2008)
Sự cảnh báo trên hoàn toàn đúng với thực tế Việt Nam. Hiện tượng buôn lậu xăng dầu đã kéo dài nhiều năm trên biển và suốt dọc biên giới. Ngày 15/1/2008, báo Sài Gòn Giải Phóng đã phải diễn tả tình trạng buôn lậu ở biên giới Tây Nam là “xăng dầu chảy ra như thác”.
Một nghịch lý khó chấp nhận: tiền trợ giá xăng dầu chính là tiền thuế của người dân, và tiền này đang được chuyển thành trợ giá cho người nước ngoài và cho lực lượng buôn lậu.
Quyết định khó khăn của Chính phủ
Từ nhiều năm nay Chính phủ đã xác định việc xóa bỏ trợ giá xăng dầu, nhưng chỉ đến thời điểm hiện nay các biện pháp kiên quyết mới được áp dụng. Trợ giá đã trở nên gánh nặng quá sức cho ngân sách, những bất công bằng của trợ giá ngày càng hiện rõ, và những hậu quả của trợ giá đang làm cho hiệu quả kinh doanh bị biến dạng.
Trong khi đó, người được hưởng trợ giá nhiều lại không phải là những người thu nhập thấp. Hãy giả định, một người sử dụng xe gắn máy hàng tháng chi 200.000 đồng tiền xăng, còn một người dùng xe hơi hàng tháng chi 2 triệu đồng tiền xăng. Với mức trợ giá 20%, người dùng xe máy mỗi tháng được trợ giá 40.000 đồng, còn người dùng xe hơi mỗi tháng được trợ giá 400.000 đồng!
Biện pháp bỏ trợ giá xăng dầu sẽ giải phóng hàng chục ngàn tỉ đồng ngân sách để chi vào những chương trình mà người nghèo được hưởng nhiều hơn, hoặc ít nhất cũng được hưởng một cách công bằng hơn.
Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Nguyễn Cẩm Tú, cũng cho biết bỏ trợ giá cũng không có nghĩa là thả nổi giá xăng dầu. Các doanh nghiệp phải đăng ký mức giá trần. Chính phủ sẽ tính toán cơ cấu giá và sẽ “thổi còi” nếu doanh nghiệp đăng ký mức giá trần bất hợp lý.
Đi đôi với việc bãi bỏ trợ giá và quy định giá, các doanh nghiệp sẽ tiến tới cơ chế quỹ bình ổn giá. Quỹ này sẽ tích lũy lợi nhuận khi giá thế giới xuống thấp, để bù lỗ cho giai đoạn giá thế giới tăng cao.
Cơ hội cho các doanh nghiệp
Khi nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập với thế giới, các doanh nghiệp khó có thể kéo dài mãi khả năng cạnh tranh ảo dựa trên cơ cấu ảo của giá thành sản phẩm.
Một ví dụ, ngày 26/2, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Phạm Chí Cường ước tính trong năm ngành thép có thể phải chi thêm 160 tỉ đồng để sản xuất thép. Nhưng nếu trợ giá xăng dầu, nhiều doanh nghiệp vẫn yên tâm cạnh tranh với thép ngoại nhập, mà không xác định sản phẩm mình cạnh tranh được chính là nhờ vào trợ giá. Đến nay, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với câu hỏi: tại sao thép của Trung Quốc không được trợ giá xăng dầu mà vẫn rẻ hơn sản phẩm của chúng ta.
Đây cũng là câu hỏi sẽ đặt ra với nhiều ngành sản xuất khác. Sức ép đi tìm câu trả lời nghiêm túc cũng là sức ép để doanh nghiệp Việt tìm ra khả năng cạnh tranh trong dài hạn. Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và các quy định của tổ chức này không cho phép các doanh nghiệp mãi cạnh tranh dựa vào trợ giá.
Không chỉ các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu, mà cả 14 doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu xăng dầu cũng phải cạnh tranh với nhau để giữ thị phần. Cụ thể trong đợt đăng ký giá trần ngày 19/2 vừa qua, giá trần được duyệt là 15.000 đồng/lít xăng, nhưng không doanh nghiệp nào tăng đến mức này, mà tối đa chỉ dám áp dụng giá 14.500 đồng/lít.
Một khi không còn trợ giá, sự sàng lọc khắc nghiệt của cạnh tranh sẽ làm hiện rõ doanh nghiệp nào hiệu quả, doanh nghiệp nào không. Như một quy luật tất yếu của thế giới, ai không hiệu quả sẽ phải nhường lại sân chơi cho người hiệu quả hơn. Kết quả là người tiêu dùng được lợi.
Cơ hội cho người tiêu dùng
Với cơ chế trợ giá trước đây, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam không phải chịu sức ép để trở nên hiệu quả hơn. Kinh doanh càng lỗ càng được trợ giá nhiều hơn. Người dân yên tâm hưởng giá xăng dầu thấp nhưng ít người nhận thấy tiền thuế của mình đang được dùng để trợ cấp cho sự thiếu hiệu quả của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Tuy nhiên khi vai trò can thiệp giá xăng của Bộ Tài chính và Bộ Công thương giảm đi, thì quả bóng được chuyền cho Hội Bảo vệ người tiêu dùng. Một trong những vai trò của Hội là phải giám sát cơ cấu giá hợp lý của những doanh nghiệp được trao quyền kinh doanh xăng dầu, ngăn chặn những hiện tượng liên kết để tăng giá.
Nếu từ trước đến nay Hội không đảm nhận được vai trò này, thì có lẽ sắp tới sẽ có sức ép của người tiêu dùng để Hội phải làm được việc đó.
Không thể chối bỏ là bãi bỏ trợ giá xăng dầu sẽ gây tác động trước mắt đến giá cả và đời sống. Tuy nhiên, đây là cơ hội để hình thành một cơ chế cân bằng bền vững: Một bên là doanh nghiệp, một bên là Hội bảo vệ người tiêu dùng, ở giữa là Chính phủ, và trên hết là lợi ích của người tiêu dùng.
-
Bùi VănÝ kiến bạn đọc: