- "Chúng ta không có đủ căn cứ, dữ liệu để biết giá thành của một KW/h điện ở Việt Nam như thế nào?" - trả lời phỏng vấn VietNamNet, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng muốn người dân triệt để tiết kiệm điện thì ngành điện phải công khai, minh bạch - nhất là giá thành và chi tiêu.
Mời quý vị nghe TS Lê Đăng Doanh trả lời phỏng vấn.
Thưa ông, ông có bình luận gì về tình trạng thiếu điện triền miên?
- Ngành điện dự kiến số lượng đầu tư trong xã hội và tăng trưởng thấp hơn nhưng hiện nay số doanh nghiệp tăng 24% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng tăng mạnh mẽ nên ngành điện phải điều chỉnh quy hoạch của mình.
Thiếu điện do nhiều nguyên nhân trong đó có việc những công trình đầu tư sản xuất điện hoàn thành chậm so với cam kết. Cần phải có vài người đứng ra chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này. Tại sao tàu hoả đến chậm, xe buýt đến chậm mọi người kêu ca, còn điện đến chậm không ai có ý kiến gì.
Thưa ông, có phải là do một mình một chợ nên ngành điện cứ từ từ...?
TS Lê Đăng Doanh: "Cần có một cơ quan độc lập giám sát cơ chế độc quyền"
- Hiện Chính phủ đã có quy hoạch về điện và giao cho Tập đoàn điện chịu trách nhiệm chính về việc cung ứng điện. Thế nhưng, trên thực tế, tập đoàn này chỉ sản xuất khoảng trên dưới 60% tổng sản lượng điện thô, còn lại mua của các nhà sản xuất độc lập và mua của Trung Quốc trên 30%.
Vì vậy, theo tôi cần có một cơ quan quản lý điều tiết theo kinh tế thị trường: có luật cạnh tranh và có luật về điều tiết độc quyền. Ở Việt Nam, bên cạnh luật cạnh tranh lại có luật riêng cho ngành điện, dầu khí (luật điện, dầu khí)… Vì thế, luật cạnh tranh được QH thông qua và ban hành nhưng ít có tác dụng thực tế và không đi vào cuộc sống.
Vậy ông có đề xuất gì để giải bài toán thiếu điện hiện nay?
- Trước hết, ngành điện nên đề nghị tăng giá. Giá điện thấp khiến người dân sử dụng lãng phí và khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam sản xuất để xuất khẩu chỉ vì giá điện rẻ.
Cũng sẽ có người đặt vấn đề: Tăng giá điện sẽ làm ảnh hưởng đến người nghèo. Theo tôi, phải giúp đỡ người nghèo bằng cách trợ giúp trực tiếp theo đúng đối tượng. Nhưng còn lại phải đảm bảo một giá điện ở mức có lãi với một tỷ suất lợi nhuận đủ khuyến khích đầu tư.
Thứ 2, trong tình hình giá dầu lên cao như thế này thì việc tìm kiếm những nguồn năng lượng thay thế như thuỷ điện nhỏ, như khí sinh học, điện gió, điện mặt trời… và triệt để tiết kiệm ở bất kỳ nơi nào là điều hết sức cần thiết và hợp lý.
Tiết kiệm không chỉ là bớt dùng mà còn phải xem xét hiệu quả sử dụng điện: Hiện tỷ lệ sử dụng điện để tạo ra 1$ GDP ở Việt Nam là quá cao (Việt Nam:1,02KW/h điện mới tạo ra được 1$ GDP; Hàn Quốc, Đài Loan: 0,3KW/h; Nhật Bản: 0,19KW/h...).
Chúng ta rất cần nỗ lực của các nhà khoa học, nhà quản lý và từng cơ quan, hộ gia đình để nâng cao hiệu quả sử dụng điện.
Thứ 3, hiện nay không có căn cứ gì để biết rằng giá thành của ngành điện có hợp lý hay không, không công khai kiểm toán, không công khai số liệu, chi tiêu, cũng không công khai tỷ lệ quản lý chi phí thất thoát trên mạng lưới so với quốc tế… Chúng ta không có đủ căn cứ, dữ liệu để biết giá thành của một KW/h điện ở Việt Nam như thế nào.
Ngành điện cần công khai giá thành, chi tiêu để người dân không "ấm ức" khi tăng giá điện.
Từ câu chuyện giá thành của ngành điện, tôi cho rằng, tất cả các tập đoàn độc quyền cần có sự giám sát của pháp luật. Nếu không có họ sẽ tìm cách lạm dụng vị thế độc quyền và kiếm lợi nhuận mà không chú ý đến lợi ích xã hội. Khi đã được giao độc chiếm thị trường, người ta không chú ý đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đem lại lợi ích cho người tiêu dùng bởi vì người tiêu dùng có chui xuống đất cũng vẫn phải dùng điện của tập đoàn điện. (Đấy là đặc thù của mô hình độc quyền).
Vì vậy, càng khẳng định rằng cần phải có cơ chế giám sát độc quyền, cần công khai minh bạch về cơ cấu chi tiêu và cần phải quy trách nhiệm rõ ràng cho những nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất điện tại sao lại gây ra sự chậm trễ.
Theo ông, nếu có một cơ quan để giám sát như vậy thì nên đặt ở đâu, thuộc Chính phủ hay Quốc hội (QH)...?
- Cơ quan sẽ tương tự như kiểm toán và nên đặt ở QH, do QH bổ nhiệm, hoạt động độc lập theo Luật.
Mỗi lần ngành điện cần đầu tư cho một công trình lớn thì đều có sự hỗ trợ nguồn vốn bằng trái phiếu Chính phủ và khoản vay nước ngoài. Nhưng trong thực tế, ngành điện có đầu tư vào những ngành khác. Ông thấy như vậy có hợp lý không?
- Việc các tập đoàn vừa qua đầu tư đa dạng là điều rất bình thường như bất kỳ một doanh nghiệp nào hoạt động vì lợi nhuận. Có điều Nhà nước đầu tư lập ra ngành điện để phục vụ sản xuất điện chứ không phải để ngành điện đầu tư vào các ngành khác. Trách nhiệm của Chính phủ, của QH là cần tập đoàn phải báo cáo: "Nhà nước đầu tư cho anh, vay nợ nước ngoài, vay nợ của dân đầu tư cho anh thì tiền đấy được đầu tư như thế nào, đưa lại lợi ích như thế nào? Tiền nào đã đầu tư vào chứng khoán, tiền nào đầu tư vào bất động sản và điều ấy đem lại lợi nhuận như thế nào, đầu tư lại cho ngành điện bao nhiêu?".
Thưa ông, chương trình truyền thông kêu gọi tiết kiệm của ngành điện đã đưa ra những thông điệp rất ấn tượng nhưng nhiều người dân vẫn thấy thiếu thuyết phục vì họ chưa "thông" ở nhiều điểm… Theo ông cần có điều gì để ngành điện có thể kêu gọi được tiết kiệm điện mà người dân không ấm ức?
- Người dân không tiết kiệm điện là điều đáng phê phán, không nên bênh việc lãng phí điện trong tình trạng hiện nay. Không nên lấy cái sai này để biện bạch cho một cái sai khác. Hết sức tiết kiệm điện để có đủ điện cho trường học, có đủ điện cho bệnh viện, cho sản xuất là điều rất cần thiết. Nên khuyến khích tiết kiệm và phải có chính sách để thưởng đối với những cơ sở nào tiết kiệm điện.
Còn ngành điện có thiếu sót hay chưa báo cáo đầy đủ, công khai, thì QH phải giám sát, yêu cầu Chính phủ báo cáo và đưa thông tin đến dân một cách đầy đủ.
-
Lương Bích Ngọc (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc