221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1047569
Thiếu điện có phải không biết trước?
1
Article
null
Thiếu điện có phải không biết trước?
,

 - Ngay từ năm 2003, ngành điện đã dự báo được sẽ thiếu điện nghiêm trọng từ các năm 2007-2010, các giải pháp cũng đã được đưa ra, nhưng thiếu điện vẫn không tránh khỏi. Đến nay hệ thống điện đang hoạt động trong tình trạng rủi ro cao, không hề có công suất dự phòng.

Ngày 21/3/2003, Chính phủ đã có Quyết định số 40/QĐ-TTg về việc hiệu chỉnh một số nội dung thuộc Quy hoạch phát triển Điện lực Việt Nam giai đoạn 2001-2010 có xét triển vọng đến năm 2020 (gọi tắt là Quy hoạch điện V hiệu chỉnh). Theo đó nhu cầu phụ tải năm 2005 là 48,5-53 tỷ KWh và đến năm 2010: 88,5-93 tỷ KWh.

Cơ chế đặc biệt cho công trình ngành điện

Khi đó, Tổng Công ty điện lực Việt Nam (EVN) đã đề nghị lên Chính phủ cho thực hiện cơ chế đặc biệt với các dự án thuỷ điện, bỏ qua một số các thủ tục về đầu tư, xây dựng để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Theo đó, để đảm bảo cung cấp điện và có nguồn dự phòng cho sửa chữa, sự cố thì từ năm 2003-2010 cần xây dựng mới và mở rộng thêm 62 nhà máy điện trong đó có 44 nhà máy thủy điện, 8 nhà máy nhiệt điện khí và 10 nhà máy nhiệt điện than. Riêng  EVN cần xây dựng và đưa vào vận hành 32 nhà máy điện, trong đó có 20 nhà máy thuỷ điện. Khối lượng cần thực hiện của 20 dự án thuỷ điện này gồm đào đất đá khoảng 95 triệu m3, tổng lượng đắp đất đá 75 triệu m3, tổng khối lượng bê tông khoảng 7 triệu m3, khoảng 200 nghìn tấn kết cấu thép các loại và có trên 90km đường hầm ...

Đây là khối lượng đầu tư xây dựng lớn và phải thi công trong thời gian ngắn nếu không hoàn thành sẽ thiếu điện nghiêm trọng. Với khối lượng các nhà máy điện lớn như vậy mà thực hiện trong thời gian ngắn nên cần có cơ chế đặc biệt mới có khả năng đưa các nhà máy vào vận hành đúng yêu cầu được.

Giữa năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 797/QĐ-TTg cho phép một số công trình thuỷ điện được đầu tư theo cơ chế đặc biệt, bỏ qua một số thủ tục về đầu tư, xây dựng để đẩy nhanh tiến độ thi công. Các dự án nhà máy thuỷ điện được áp dụng cơ chế này ban đầu gồm:  A Vương , Quảng Trị, PleiKrong, Buôn Kuốp, Bản Lả khởi công trong năm 2003-2004.

Sau một thời gian thực hiện, ngày 16/2/2004, EVN đã có báo cáo số 519/CV-EVN-KH  gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện các công trình trọng điểm theo văn bản 797/CP-CN. EVN cho biết, do được thực hiện cơ chế đặc biệt này, năm 2003, EVN và các tổ hợp nhà thầu đã khởi công 4 nhà máy thủy điện, đó là: dự án thủy lợi, thủy điện Quảng Trị công suất  64 MW, dự án thủy điện A Vương công suất 170MW; dự án thủy điện PleiKrong công suất 110MW và  dự án thủy điện Buôn Kuốp công suất 280MW.

x
Thi công nhà máy thuỷ điện Buôn Kuốp. (Ảnh minh hoạ)

Theo EVN, các công trình thuỷ điện nếu thực hiện theo cơ chế bình thường thì thời gian thiết kế kỹ thuật thường kéo dài 1-2 năm mới tiến hành khởi công. Do Chính phủ cho phép chia thiết kế làm 2 bước,  nên nhà máy thuỷ điện Quảng Trị khởi công ngày 29/8/2003 đã rút ngắn được 7 tháng so với tiến độ thông thường. Theo trình tự thông thường sẽ khởi công vào tháng 4/2004 và vận hành vào năm 2009, nhưng nhờ cơ chế 797 nên đã rút ngắn được 1,5 năm.

Với nhà máy thuỷ điện A Vương, mặc dù báo cáo khả thi được phê duyệt ngày 21/3/2003 nhưng sau hơn 5 tháng vào ngày 31/8/2003 đã khởi công được công trình. Theo trình tự phải đến tháng 1/2005 mới khởi công và đưa vào vận hành năm 2010, rút ngắn được thời gian 1,5 năm. Nhà máy thuỷ điện Buôn Kuốp theo trình tự thông thường sẽ khởi công vào cuối quý I hoặc đầu quý II/2005, nay áp dụng cơ chế 797 đã khởi công vào tháng 12/2003 tiến độ sớm được 1,5 năm. Thuỷ điện PleiKrong theo trình tự khởi công vào quý II/2005 và đưa vào vận hành năm 2010 do được khởi công sớm (11/2003), tiến độ sớm được 1,5 năm.

Có cơ chế vẫn chậm có công trình

Mục tiêu đưa các công trình khởi công sớm để đáp ứng nhu cầu điện cho năm 2008, tránh  thiếu điện. Nhưng đến nay mới có thuỷ điện Quảng Trị được đưa vào vận hành (năm 2007), còn lại thuỷ điện A Vương dự kiến phát điện vào cuối năm 2008, thuỷ điện Buôn Kuốp thì cũng tới cuối 2008 đầu năm 2009 mới phát điện. Còn thuỷ điện PleiKrong dự kiến tổ máy 1 phát điện thương mại vào tháng 4/2008 và tổ máy 2 vào tháng 7/2008 nhưng đến nay vẫn chưa đúng tiến độ và điện thiếu vẫn hoàn thiếu.

Sau quyết định 797 thì hàng loạt các công trình thuỷ điện khác cũng được thực hiện theo quyết định này như thuỷ điện sông Ba Hạ, Se San,  Buôn Tua Sah, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Thượng Kông Tum, Bản Chát, Huội Quảng...

Quý I năm 2007, đoàn công tác Chính phủ do ông Thái Phụng Nê - Phái viên Thủ tướng Chính phủ làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra tình hình thực hiện các dự án điện trên cả nước.

Qua kiểm tra thì hầu hết các dự án nhà máy điện đều chậm so với tiến độ. Trong 9 dự án đoàn đến kiểm tra tại miền Bắc thì tiến độ đều bị chậm nhiều so với kế hoạch. Nguyên nhân là do phê duyệt thiết kế kỹ thuật và cung cấp bản vẽ thi công chậm, giải phóng mặt bằng thi công chậm, cung cấp thiết bị công nghệ không kịp thời và không đồng bộ...

Chậm nhất có lẽ là nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư và Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) làm tổng thầu. Do công tác cung cấp thiết bị, thi công xây lắp và thí nghiệm hiệu chỉnh bị kéo dài nên không đáp ứng được tiến độ phát điện vào tháng 12/2006 phải lùi tới ít nhất là quý III/2007. Nhưng cho đến tận thời điểm này, cuối tháng 3/2008, thì Uông Bí mở rộng vẫn đang trong quá trình vận hành thử nghiệm và chưa đạt công suất thiết kế 300 MW.

Với dự án nhiệt điện Uông Bí mở rộng 2 (300MW), quá trình đàm phán giữa EVN và Lilama kéo dài nên dự án đã không đáp ứng được đúng tiến độ yêu cầu.

Nhiệt điện Hải Phòng 1 (600MW) do Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng làm chủ đầu tư, tồn tại lớn nhất là chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Nhiệt điện Hải Phòng 2 (600MW) cũng chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng và thu xếp vốn...

Nhiệt điện Quảng Ninh 1 (600MW) do Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh làm chủ đầu tư thì giải phóng mặt bằng đáp ứng yêu cầu, nhưng thực hiện thiết kế chi tiết lại bị chậm và lực lượng thi công của nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu nên cuối cùng cũng chậm.

Thuỷ điện Huội Quảng do EVN làm chủ đầu tư (520MW) có thời gian hiệu chỉnh phát điện tổ máy 1 chậm tới 1 năm so với dự kiến ban đầu. Thuỷ điện Tuyên Quang cũng do EVN làm chủ đầu tư do việc cung cấp thiết kế và thiết bị công nghệ của nhà thầu không kịp thời và không đồng bộ nên khả năng chậm tiến độ phát điện theo kế hoạch ít nhất là 2 tháng... (nhưng nay dự án này không còn chậm  2 tháng nữa mà phải cả năm). 

Ở hầu hết các dự án, nhân lực và thiết bị xe, máy của các nhà thầu thi công đều chưa đáp ứng yêu cầu. Một số tổng thầu như Lilama (nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1) và Tổng Công ty Sông Đà (Thuỷ điện Tuyên Quang) mới lần đầu làm tổng thầu dự án lớn nên còn lúng túng và chưa chủ động trong điều hành, quản lý.

Các dự án đều nằm trong tình trạng chậm phê duyệt thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công. Ở các dự án nhiệt điện như Quảng Ninh, Cẩm Phả còn có sự khác nhau giữa tiêu chuẩn thiết kế Việt Nam và Trung Quốc, tư vấn nhà thầu ở xa nên làm chậm công tác thẩm tra, thoả thuận và hiệu chỉnh thiết kế. Lực lượng giám sát không đủ nên việc hiệu chỉnh thiết kế không kịp thời gây chậm tiến độ.

Việc chuẩn bị hồ sơ mời thầu cho các dự án thường bị chậm do phụ thuộc vào tiến độ phê duyệt thiết kế kỹ thuật. Cung cấp bản vẽ công nghệ và cung cấp thiết bị công nghệ của nhà chế tạo thường không đáp ứng yêu cầu tiến độ và không đồng bộ...

Chậm - nên quy trách nhiệm cụ thể

Các quan chức của EVN thì vẫn đổ lỗi cho việc chậm tiến độ là do nguyên nhân khách quan. Nhưng nhiều ý kiến không đồng tình với những cách trả lời này. Theo họ, EVN đã được Chính phủ giao nhiệm vụ giữ vai trò chủ đạo trong cung cấp điện cho nền kinh tế. Hơn ai hết EVN phải tự nhận thấy những vướng mắc và những khó khăn làm cho tiến độ các dự án chậm và đề xuất lên Chính phủ để có các cơ chế giải quyết. Không thể cứ để mặc cho mọi chuyện vướng mãi như vậy. Vì sao Trung Quốc làm nhà máy nhiệt điện than 18 tháng, có công trình chỉ 12 tháng, còn của chúng ta thì kéo dài tới 5-7 năm? Phải chăng các đề nghị của EVN đã không được Chính phủ tìm cách tháo gỡ?

Điều này hoàn toàn không có bởi như Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trước đây nguyên là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp khi trả lời phỏng vấn báo chí đã  thừa nhận: từ trước đến nay nhiều đề nghị của ngành điện đã được Chính phủ tìm cách tháo gỡ bằng các nghị định. Vậy lý do chậm thuộc trách nhiệm của ai?

Một số quan chức EVN năm 2006-2007 khi phát biểu thường nói rằng phải đến năm 2008 trở đi thì mới đỡ căng thẳng về điện. Nhưng nay 2008 thì điện vẫn căng thẳng. Mới đây có người lại nói phải sang 2009 điện mới đỡ căng thẳng. Không biết tới 2009 sẽ như thế nào? Cũng hy vọng là điện sẽ đỡ căng thẳng.

  • Trần Thuỷ

    Ý kiến của bạn?
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,