221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1048213
Sản xuất phân bón - đau đầu vì nguyên liệu
1
Article
null
Sản xuất phân bón - đau đầu vì nguyên liệu
,

 - Chi phí đầu vào tăng cao làm cho giá phân bón sản xuất trong nước không ngừng leo thang, nhiều DN đang hết sức lo lắng. Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã phải kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành đình chỉ xuất khẩu than đá từ 1/7/2008.

"Đau đầu" nguyên liệu

Theo Hiệp hội Phân bón, dự báo trữ lượng than đá ở Việt Nam khoảng 3-3,5 tỷ tấn - là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng. Than đá chủ yếu dùng để sản xuất DAP, super lân, lân nung chảy và các loại phân khác... Ông Bùi Quang Lanh, Giám đốc Công ty Phân lân Nung chảy Văn Điển, cho rằng, đối với sản xuất lân nung chảy, than cục Vàng Danh, Uông Bí là nguồn cung cấp quý hiếm, cần xem xét hạn chế xuất khẩu.

Hơn nữa, ngay cả Trung Quốc, nước có trữ lượng than đá lớn nhất thế giới, cũng vừa xuất khẩu vừa nhập khẩu than đá. Ngày 25/1/2008, nước này đã chính thức ra lệnh cấm xuất khẩu than. Chính vì vậy, Hiệp hội Phân bón kiến nghị Chính phủ xem xét đình chỉ xuất khẩu than từ 1/7/2008.

Phanbon3.jpg
Giá phân bón leo thang do nguyên liệu sản xuất khan hiếm.

Song, trước đề nghị này, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) Phùng Hà cho rằng, sẽ rất khó khi chủ trương là đến 2010, Việt Nam mới nhập than đá và chủ yếu để phục vụ sản xuất điện. Xuất khẩu than hiện đã có lộ trình, đang tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động nên kiến nghị của Hiệp hội cũng khó khả thi. 

Trước đó, cuối năm 2006, Bộ Công nghiệp (cũ) đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt chiến lược phát triển ngành than đến 2010, định hướng tới 2025 với chủ trương giảm xuất khẩu than xuống còn 5 triệu tấn vào năm 2015.

Không chỉ than, các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón cũng tăng chóng mặt

Giá thu mua lưu huỳnh - nguyên liệu chính để sản xuất super lân - tháng 2/2007 chỉ gần 76 USD/tấn (CFR) thì một năm sau đã lên 572 USD/tấn, dự kiến còn lên tới 700 USD/tấn. Quặng apatit cũng tăng trên dưới 40% trong năm nay so với năm 2007, khiến giá DAP thế giới đã vượt ngưỡng 1.000 USD/tấn, thậm chí lên tới 1.150 USD/tấn FOB tại Bỉ. Than đá, trong đó than cám tăng trên 21% và than cục tăng hơn 46%. Bình quân mỗi quý, giá than tăng khoảng 10-20%.

Chưa hết, ông Nguyễn Duy Sĩ, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hoá chất (Vinachem), cho biết, tuần qua, Tập đoàn Than và Khoáng sản vẫn mời Vinachem sang để bàn chuyện tăng giá than, trong khi chủ trương của Chính phủ là không tăng giá nguyên liệu này. 

Theo đề nghị, giá than dự kiến sẽ tăng lên gấp đôi, từ 937 lên trên 1.800 đồng/kg và cuối năm tăng gấp 3. Tập đoàn Than lý giải, Chính phủ chỉ chỉ thị không tăng giá than đối với sản xuất điện chứ không phải tất cả các ngành. 

Ngoài ra, ở Vinachem, ông Nguyễn Duy Sĩ nói rằng, năm 2008, tổng công ty cần tới 1,35 triệu tấn quặng apatit để sản xuất phân bón nhưng lại gặp khó về vận tải khi ngành đường sắt chỉ ký vận chuyển cho 1,2 triệu tấn. Từ năm 2009, khi Nhà máy DAP1 của Vinachem ở Hải Phòng đi vào hoạt động, nhu cầu quặng tăng lên 1,8 triệu tấn nên việc thiếu quặng là chắc chắn. Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt từ Lào Cai - điểm cung cấp chính - về Hà Nội, phải đến năm 2012 mới xong. 

Cần tính bài nhập khẩu lâu dài

Giá phân bón trong nước chính vì thế cũng không ngừng leo thang. Giá super lân tháng 2/2008 đã lên tới gần 2.500 đồng/kg, tăng 126% so với cùng kỳ năm trước; NPK là 2.970 đồng/kg, tăng 80%. Đặc biệt, giá phân DAP leo lên 18.000 đồng/kg, tăng 300%; kali 9.000 đồng/kg, tăng 200%; SA 4.800 đồng/kg, tăng hơn 200%... so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Trương Hợp Tác, Trưởng Phòng Sử dụng đất và phân bón (Cục Trồng trọt- Bộ NNPTNT), năm 2008, dự kiến nhu cầu phân bón trong nước là 7,83 triệu tấn. Sản xuất trong nước đáp ứng được 5 triệu tấn, còn lại phải nhập khẩu. Trong đó, riêng đạm urê phải nhập một nửa so với yêu cầu, gần 1 triệu tấn; riêng DAP, SA, Kali phải phải nhập 100%, tức khoảng 700.000 tấn DAP; 500.000 tấn SA và 700.000 tấn Kali.

Đến nay, lượng phân bón chủ yếu chỉ dùng một phần urê, kali để bón thúc cho cây lúa Đông Xuân ở phía Bắc, cao điểm là phục vụ vụ hè thu ở phía Nam, dự kiến sẽ gieo cấy trong tháng tới. 

Trong khi đó, Nhà máy DAP1 của Vinamchem tại Hải Phòng ít nhất là đến cuối tháng 6/2008 mới đi vào hoạt động. Do vậy, Hiệp hội Phân bón đề nghị các DN có kế hoạch dài hạn đến năm 2010 về nhập khẩu phân urê hạt trong, hiện theo đường duy nhất là nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc. Ông Nguyễn Hạc Thuý lo ngại nếu con đường này trục trặc thì các DN phân bón Việt Nam sẽ bế tắc. Vấn đề này cần được các DN hết sức quan tâm. 

Đến năm 2010-2011, khi Nhà máy DAP2  của Vinachem; dự án sản xuất urê tại Ninh Bình và dự án mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc được khai thác thì sẽ đáp ứng đủ lượng urê trong nước mà không cần phải nhập khẩu.

  • Hà Yên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,