- Giá gạo xuất khẩu tăng cao, song thu nhập của nông dân không được cải thiện nhiều. GS.TS Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, cho rằng Chính phủ hạn chế xuất khẩu khiến giá gạo trong nước giảm xuống chẳng khác nào đã xử ép bà con.
Việt Nam mỗi năm xuất khẩu khoảng 4-5 triệu tấn gạo.
PV.VietNamNet đã trao đổi với GS. TS Võ Tòng Xuân xung quanh vấn đề này.
- Thưa GS, trước nguy cơ khủng hoảng thiếu lương thực trên thế giới, Việt Nam - nước lớn thứ hai về xuất khẩu gạo - cần làm gì để giải quyết bài toán: đón đầu cơ hội xuất khẩu và đảm bảo an ninh lương thực trong nước?
- Lương thực trên thế giới đang thiếu trầm trọng do chính sách sử dụng lương thực của Mỹ để sản xuất năng lượng. Mỹ bắt buộc phải pha alcohol 5% vào xăng cho tất cả các loại xe cộ. Nhiều công ty sản xuất alcohol ở nước này đang ráo riết tìm các nguồn alcohol từ ngũ cốc, như lúa mì, bắp... khiến lượng lương thực giảm, giá tăng. Thế giới chuyển sang ăn nhiều gạo hơn nên nhu cầu gạo càng lớn, giá gạo vì thế cũng tăng theo.
Đây là cơ hội rất tốt cho các nước xuất khẩu gạo như Việt Nam. Xu hướng là gạo sẽ tiếp tục tăng giá vì Mỹ sẽ tăng lượng alcohol trong xăng lên 10%, khi đó họ phải sử dụng nhiều lương thực nữa.
Như thế, rõ ràng Việt Nam đang có một cơ hội lớn, muốn nắm bắt được phải sản xuất nhiều lúa gạo hơn cho đất nước.
Vụ đông xuân vừa qua, miền Nam tương đối trúng mùa. Tôi rất tiếc là các công ty lương thực lớn của Nhà nước đi đấu giá đã trúng với mức thấp nên khi về nước không mua được lúa với giá đó, vì giá lúa nội địa đã tăng theo thị trường quốc tế.
GS.TS Võ Tòng Xuân.
DN mua lúa không được, Chính phủ lại phải cứu mấy công ty này nên tuyên bố hạn chế xuất khẩu gạo để giá lúa giảm xuống. Chính chỗ này đã xử ép người nông dân. Lẽ ra, đây là cơ hội để bà con có thu nhập cao hơn.
Một cái cớ nữa là chúng ta lo miền Bắc thiếu lúa do đợt rét vừa qua. Thực tế, năm nào ngoài Bắc cũng thiếu gạo và vẫn phải chuyển từ Nam ra.
Hơn nữa, chúng ta có những giống lúa ngắn ngày, chỉ 70-80 ngày là được một vụ rồi, sản lượng khoảng 4 triệu tấn ở các tỉnh phía Nam. Do vậy, về mặt an ninh lương thực tôi không lo, chỉ có điều các công ty sợ lỗ lã nên kêu lên Chính phủ khiến bà con thua thiệt.
- Chính phủ hạn chế xuất khẩu gạo, trong bối cảnh thế giới khan hiếm, là để giữ giá lúa trong nước không tăng, góp phần kiềm chế lạm phát, thưa GS?
- Lạm phát không phải là do lúa, mà gốc của nó là năng lượng, như xăng dầu. Theo tôi, lạm phát là do lỗi điều hành vĩ mô của Nhà nước.
- Một quan chức Bộ Công thương cho rằng, điều hành xuất khẩu gạo cần phải cân nhắc giữa việc nâng cao thu nhập của 70-75% nông dân với việc đảm bảo lương thực cho 85 triệu dân, cái nào lợi hơn mới làm?
- Tôi nghĩ là lương thực cho 85 triệu dân không sợ thiếu, cái chính là chúng ta không nắm chắc được lượng gạo đã có mà chỉ đoán mò nên điều hành xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng, nông dân than phiền.
- Nhưng thưa GS, sản xuất lương thực ở Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, điển hình như đợt rét đậm vừa qua ở miền Bắc và mưa lũ trường kỳ ở miền Trung, chưa kể là dịch bệnh đe dọa. Rõ ràng là nguy cơ thiếu lương thực ở Việt Nam cũng rất lớn?
- Tôi không thấy đó là những trở ngại lớn. Miền Bắc thì không năm nào đủ lúa để ăn rồi. Đợt rét vừa qua tuy diện tích lúa có giảm nhưng nông dân đã trồng thay vào đó là ngô, bắp. Tôi nghĩ bây giờ là cơ hội tốt để nông dân trồng lúa, không nên giới hạn xuất khẩu gạo.
TIN LIÊN QUAN
Điều quan trọng là phải tính toán lượng gạo hiện nay chúng ta đã có trong nước - đây là cái yếu của Bộ NN-PTNT khi không có một hệ thống thống kê tốt để nắm được trong từng thời điểm, ở từng địa phương, từng DN còn bao nhiêu gạo. Lẽ ra, việc làm này rất dễ trong thời đại tin học và hệ thống thông tin ở các tỉnh.
Từ đó, có thể tính được tổng lượng gạo Việt Nam để xác định, ta có thể xuất khẩu được bao nhiêu. Nếu ta cứ đoán mò như thế thì sẽ gây thiệt hại lớn cho bà con.
- Là một người nghiên cứu về lúa và luôn song hành cùng bà con nông dân, với vựa lúa ĐBSCL, theo GS, chúng ta có thể dùng biện pháp gì để tăng năng suất để đạt sản lượng lúa cao hơn cho xuất khẩu?
- Hiện nay chúng ta đã sử dụng gần như toàn bộ diện tích lúa ở ĐBSCL và tận dụng các nguồn nước tưới cho cây lúa. Do vậy, cần tập trung nghiên cứu, sản xuất các giống lúa ngắn ngày, cho năng suất cao, kháng rầy nâu tốt.
Thời gian qua, Việt Nam chú trọng nâng cao chất lượng cao nên hy sinh sản lượng. Lúa ngon cơm năng suất vừa thấp, vừa không kháng rầy. Trong khi thế giới khủng hoảng thiếu lương thực, thì chất lượng gạo cũng không phải là vấn đề cấp thiết mà yêu cầu là đủ số lượng.
Về chất lượng, gạo Việt Nam cũng không thể và không nên so sánh với Thái Lan được do nước này chuyên sản xuất gạo ngon, năng suất chỉ 2 tấn/ha. Chúng ta chỉ cạnh tranh được với họ nhờ năng suất cao, 7-8 tấn/ha, mà họ không chạy theo được, từ đó có sản lượng lớn để xuất khẩu và thu bù lại. Do vậy, hướng tới là Việt Nam nên tập trung sản xuất lúa ngắn ngày, năng suất cao, kháng rầy tốt thay vì chạy theo chất lượng gạo.
- Xin cảm ơn GS.
Càng chậm xuất khẩu, càng có lợi Trả lời Tuổi Trẻ, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) khẳng định, giá gạo xuất khẩu thế giới sẽ ở mức cao không chỉ trong năm nay mà còn kéo dài trong vài năm tới. Do đó, DN và nông dân không phải lo vì càng chậm xuất khẩu gạo, càng có lợi về giá. Riêng với nông dân, ông Phong cho rằng cũng không bị thiệt vì vụ đông xuân tại ĐBSCL cơ bản đã được thu hoạch xong và phần lớn nông dân bán lúa ngay tại ruộng với giá rất cao, lên tới 4.200-4.300 đồng/kg. Thậm chí, hiện giá gạo nguyên liệu không giảm mà còn tăng, chỉ trong hai ngày qua đã tăng 300-400 đồng/kg, lên tới 6.100-6.200 đồng/kg. Cũng sẽ có ý kiến lo ngại giá vật tư đầu vào đối với sản xuất lúa tăng, nông dân sẽ bị thiệt nếu giá lúa không tăng. Thực tế, giá thành sản xuất lúa có tăng nhưng chỉ bình quân 2.000-2.200 đồng/kg, trong khi giá bán lúa cao hơn nhiều, như vậy người làm lúa được lãi gấp đôi. Hơn nữa, các DN đến nay đã ký xuất 1,8 triệu tấn gạo, trong đó chỉ mới giao 800.000 tấn, còn phải giao khoảng 1 triệu tấn nữa trong hai tháng tới. Các DN phải tập trung giao hàng, hơn nữa lúa đông xuân cũng đâu còn nhiều mà ký. Việc ký hợp đồng xuất khẩu nhiều cũng sẽ gây biến động giá, ảnh hưởng không tốt đến đời sống người dân nói chung. |
-
Hà Yên (thực hiện)