221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1052171
Biến đổi khí hậu đe doạ hành trình ra biển của VN
1
Article
null
Biến đổi khí hậu đe doạ hành trình ra biển của VN
,

 - Đại dương chiếm 71% bề mặt hành tinh. Đây có thể coi là kho lương thực, kho nhiên liệu cho khoảng 50% dân số thế giới và các đảo của 43 quốc gia. Song, cái "kho vô tận" này đang bị đe dọa nghiêm trọng khi mà khí hậu toàn cầu có những diễn biến bất thường.  

Mô tả ảnh.

Việt Nam - nước đồng chủ tịch Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 về Đại dương, vùng bờ và hải đảo (ảnh Phương Loan).

Do vậy, Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 về đại dương, vùng bờ và hải đảo, đang diễn ra tại Hà Nội từ 7-11/4, lấy chủ đề chính là: Đẩy mạnh việc quản lý hệ sinh thái và quản lý tổng hợp vùng bờ và đại dương vào năm 2010 trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Hơn 500 đại biểu đang có mặt ở Việt Nam để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quản lý về biển và đại dương tiên tiến nhất. 

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm hoan nghênh việc Hội nghị chọn chủ đề trên, với những phiên thảo luận về chính sách, quan điểm quản lý biển đảo, đại dương; những bài học kinh nghiệm từ các chương trình LHQ về biển và đại dương của các khu vực và một số quốc gia cũng như cam kết thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về lĩnh vực đại dương và biển đảo.

Qua đó, chuẩn bị các thông tin đầu vào để xây dựng dự thảo Chương trình nghị sự 21 về Đại dương thế giới, sẽ thông qua năm 2012. 

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), chỉ cần mực nước biển dâng cao 1m sẽ có khả năng gây ra “khủng hoảng sinh thái”, ảnh hưởng tới gần 12% diện tích và 11% dân số Việt Nam. Nếu mực nước biển dâng 5m, 16% đất ven biển bị ngập nước, đe dọa cuộc sống của 35% dân số và 35% GDP của đất nước. 

Do vậy, một báo cáo liên quan đến chủ đề: Biến đổi khí hậu toàn cầu và tác động đến nghề cá Việt Nam sẽ được các nhà khoa học trong nước trình bày tại hội nghị. Theo đó, khí hậu thay đổi sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi cá và cuộc sống của cộng đồng ngư dân. Nhiệt độ tăng, mực nước biển tăng và sự thay đổi của lượng mưa sẽ tác động đến hệ sinh thái vùng bờ, trữ lượng cá, cơ sở hạ tầng nghề cá và thu nhập của người dân. 

Một góc nhìn khác cũng được đưa ra tại hội nghị, đó là: "Việt Nam và các đại dương: Phát triển kinh tế bền vững về môi trường". Theo Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, chủ đề này có ý nghĩa quan trọng và thiết thực. Phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường nói chung, trong đó có bảo vệ môi trường biển và đại dương, đang là vấn đề có ý nghĩa sống còn của nhân loại, được các quốc gia quan tâm đặc biệt.

Đường ra biển "rộng" mà... "hẹp"

Việt Nam, với lợi thế của một quốc gia ven biển, có quá trình lịch sử phát triển lâu dài, gắn liền với biển. Kinh tế biển đã thực sự trở thành một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong chiến lược kinh tế đất nước. Cùng với việc gia nhập WTO, Việt Nam chủ động và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, mở rộng không gian và cơ hội phát triển, phấn đấu trở thành một quốc gia giàu mạnh từ biển.

Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đạt một số thành tựu quan trọng: GDP của kinh tế biển và vùng ven biển chiếm khoảng 48% GDP cả nước. Khai thác dầu khí, thủy sản, du lịch, cảng biển, đóng tàu... trở thành ngành kinh tế quan trọng, có tốc độ tăng trưởng nhanh.

TIN LIÊN QUAN

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Chu Hồi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản (Bộ NN-PTNT), cho rằng, xu hướng của thế giới lấy đại dương nuôi lục địa, trong khi ở Việt Nam vẫn là từ lục địa hướng ra đại dương nên gặp nhiều khó khăn khi phát triển kinh tế biển. 

Trong khi đó, biển Việt Nam rất giàu có với hơn 2.030 loài cá, trong đó 130 loài có giá trị kinh tế; 1600 loài giáp xác; 2.500 loài sò, trai... và rất nhiều rong, chim biển. Tiềm năng nguồn lợi cá biển được ước tính (năm 2002) hơn 3 triệu tấn và sản lượng khai thác bền vững là 1,4-1,5 triệu tấn. Đó là chưa kể các nguồn lợi khác như cảng biển, giao thông, nguồn tài nguyên... mà Việt Nam chưa tận dụng nhiều để phát triển.  

Trên thực tế, nghề khai thác hải sản Việt Nam vẫn mang nặng tính chất của nghề cá quy mô nhỏ. Các tàu công suất máy nhỏ hơn 90cv chiếm tới 84% tổng số tàu lắp máy trong toàn quốc, ngư trường hoạt động chủ yếu là vùng lộng và ven bờ. Ngư dân có học vấn rất thấp, với 68% chưa tốt nghiệp tiểu học, hơn 20% tốt nghiệp tiểu học. Chính vì thế, vùng biển ven bờ đang bị khai thác quá mức, nguồn lợi thuỷ sản đang có nguy cơ bị huỷ diệt.

Song, đến nay Việt Nam vẫn chưa có những nghiên cứu cụ thể về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản. Hiểu biết về tác động của biến đổi khí hậu đến Việt Nam chủ yếu dựa trên kết quả nghiên cứu của các tổ chức quốc tế. 

Mô tả ảnh.

Đóng tàu trở thành một trong những ngành phát triển mạnh ở Việt Nam.


Khẩn cấp tìm cách thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Việt Thắng cho biết, Chính phủ Việt Nam quan tâm đặc biệt đến vấn đề biến đổi khí hậu. “Chiến lược Quốc gia về Ứng phó biến đổi khí hậu” đang được xây dựng. 

Dự án “Biến đổi khí hậu ở châu Á - Việt Nam” cũng đang được triển khai. Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên về biến đổi khí hậu thực hiện tại Việt Nam, thông qua việc kiểm kê tình hình phát thải khí nhà kính; dự báo tác động của biến đổi khí hậu tới một số lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và tài nguyên nước, vùng ven biển; đề xuất chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu.

"Chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu" của Bộ NN-PTNT dự kiến cũng sẽ được trình Chính phủ trước ngày 30/6/2008. 

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh, để duy trì một nền kinh tế biển hiệu quả và bền vững, Việt Nam xác định rõ định hướng: phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.

Các bộ, ngành, địa phương liên quan cần triển khai các hoạt động về quản lý tổng hợp vùng bờ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, điều tra tổng thể về tài nguyên - môi trường biển. Đồng thời, xây dựng hệ thống các khu bảo tồn biển, từng bước cải thiện đời sống cho cộng đồng dân cư ven biển, phòng ngừa và giảm thiểu thiên tai và sự cố môi trường.

  • Hà Yên - Phương Loan
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,