Giá bán điện thấp mà nguyên liệu đầu vào tăng cao là điều khiến thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào lo ngại các doanh nghiệp không muốn đầu tư vào ngành này, khiến tình trạng thiếu điện kéo có thể dài hơn 10 năm nữa.
Đầu mùa nóng, cắt điện đã là "chuyện thường ngày" ở Thủ đô. Ảnh: VNN |
Ông Hào cho hay hiện có nhiều doanh nghiệp muốn tham gia kinh doanh điện, tuy nhiên đến lúc đàm phán về giá thì Tập đoàn Điện lực (EVN) và phía đối tác không đi đến thống nhất.
Hiện nay, giá dầu đang tăng gấp 5 - 6 lần, giá khí đốt, than rồi xi măng cũng tăng gấp 2 lần.
Ông Hào phân tích, nguyên liệu đầu vào tăng cao trong khi giá bán điện lại thấp như vậy khó mà khuyến khích được các doanh nghiệp tham gia thị trường cung ứng điện.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội - Hà Nội bình luận: "Thiếu vốn, nguyên liệu đầu vào tăng cao... đã trở thành câu chuyện quá cũ mà ngành điện "ca" hằng năm, nhất là khi họ có ý định đòi tăng giá".
Theo ông Phong, kiểm toán cần vào cuộc để xác mình có thực ngành điện thiếu vốn để đầu tư hay không. Con số lỗ lãi phải được công bố rõ cho người dân biết.
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN - cho chuyện EVN đang thiếu khoảng 300 - 1.000 MW là có thật. "Tôi cho rằng thiếu thì mới tiết giảm, nhưng phải có thái độ đàng hoàng, nói rõ là thiếu điện, không được giấu giếm dân", ông nói.
(Theo VNE)