- Tình trạng ế ẩm của thị trường BĐS khiến các cơ sở giao dịch rơi vào tình trạng đìu hiu. Nhiều điểm kinh doanh BĐS phải đóng cửa.
Giá nhà tăng quá cao hoặc giảm quá thấp đều gây khó khăn cho người mua. Một nhà đầu tư đăm chiêu trước quyết định mua bán. Ảnh: Đặng Vỹ |
Đánh bài và ca hát…
Mới 10 giờ trưa nhưng tại một điểm giao dịch địa ốc có tên Đ. trên đường Trần Não (TP HCM), một nhóm mấy nhân viên tụ tập đánh đàn guitar và ca hát. Thấy có người vào, hai nhân viên vội đứng dậy đón khách.
Điểm giao dịch này là chi nhánh của một công ty BĐS có tên tuổi, có trụ sở tại quận 1. Tố Uyên, nhân viên giao dịch của chi nhánh, cho biết, không có việc gì làm nên các nhân viên hát chơi giết thời gian.
Tố Uyên cho biết, một tháng qua có rất nhiều ngày không có khách đến hỏi han, chưa có ngày nào có được 3 người khách đến hỏi. Và khách cũng chỉ đến hỏi giá cả rồi bỏ đi, chứ không có giao dịch nào thành công.
Cách điểm giao dịch Đ. mươi căn là chi nhánh của Công ty M. Hai chiếc bàn làm việc được ghép sát lại, và một nhóm chụm vào nhau đánh bài tiến lên. Nam, nhân viên giao dịch, cho biết, chính xác là trong tuần qua có 5 người khách đến dò hỏi thông tin, sau đó không trở lại. Một tháng vừa rồi chỉ có 2 giao dịch thành công.
Một cảnh thường thấy ở các điểm giao dịch BĐS những ngày này là các nhân viên thường ngồi chơi, tán gẫu, xem tivi, hoặc chơi một trò giải trí tại chỗ. Giám đốc một công ty địa ốc chuyên về phân phối than thở rằng không thể vì ít việc mà ngừng hợp đồng công việc với nhân viên, nhưng nếu vẫn duy trì trong khi không có giao dịch mua bán thì không lấy tiền đâu ra để trả lương.
Đóng cửa, ngừng hoạt động
Địa chỉ 737 Đỗ Xuân Hợp, một mặt bằng có vị trí cực đẹp tại ngã tư Đỗ Xuân Hợp - Nguyễn Duy Trinh, phường Phước Long B, quận 9, treo bảng cho thuê mặt bằng. Bà chủ nhà cho biết trước đây một công ty kinh doanh BĐS thuê mở chi nhánh giao dịch. Tuy nhiên, mua bán giao dịch ế ẩm, không thu được phí giao dịch, chi nhánh này đóng cửa, trả mặt bằng.
Cách đó một căn, số nhà 739 là cơ sở giao dịch có tên Vinh Phát, cũng đang treo bảng cho thuê mặt bằng.
Cảnh chen lấn giành giật như thế này hôm nay sẽ không còn nữa, mà thay vào đó là cảnh chợ chiều tại các điểm, trung tâm giao dịch. Ảnh: Đặng Vỹ |
Tương tự như vậy, ngôi nhà số 961 Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Đông quận 2 (TP HCM) cũng treo biển cho thuê. Người chủ ngôi nhà này cũng cho biết nơi đây là điểm giao dịch mua bán, môi giới BĐS, vừa trả mặt bằng.
Ở TP.HCM, nguyên mấy con đường gồm Trần Não, Lương Định Của, Nguyễn Duy Trinh ở quận 2, Đỗ Xuân Hợp quận 9, là nơi tập trung dày đặc các điểm giao dịch. Con đường Trần Não được mệnh danh là phố BĐS, với các điểm giao dịch nằm san sát liền kề. Một thời nơi đây như là cái chợ BĐS. Hàng ngày xe cộ ra vào khu vực này tấp nập, xe ôtô đỗ bên đường thành những hàng dài. Thế nhưng những ngày này, rất nhiều điểm đóng cửa không giao dịch.
Chỉ riêng đường Trần Não, trên một đoạn đường dài 1km, đếm bằng mắt đã có trên 40 điểm giao dịch. Tuy nhiên, hiện tại có đến ¼ số điểm tự đóng cửa, không hoạt động.
Nhà đất: Giá bao nhiêu cũng bán!
TIN LIÊN QUAN |
---|
Khu dự án phường Phước Long B quận 9 đã xong cơ sở hạ tầng. Khu vực này có diện tích vài chục héc-ta, trong đó có 13 chủ đầu tư làm dự án. Hiện đã có một số như dự án của Công ty Khang An, Công ty Xây dựng và kinh doanh nhà quận 3 đã xây dựng nhà ở.
Vào thời cao điểm, các nền đất ở khu vực này có giá trên dưới 15 triệu đồng/m2. Nay giá chỉ còn 10-11 triệu/m2, giảm 30-33%. Lang, một nhân viên môi giới của một công ty BĐS trên đường Trần Não, cho biết mặc dù giá đã hạ rất nhiều, nhưng vẫn ít người mua.
Lang cho biết, với những ngày trước đây khi thị trường chưa bị đóng băng, bình quân mỗi ngày khoảng 7-8 khách hàng đến tìm hiểu thông tin và mua bán, tỷ lệ giao dịch thành công đến 10%-20%. Nhưng nay có ngày không có người đến giao dịch.
Giá cả đã xuống thấp đến độ trầm trọng. Lang cho biết những nền đất khu dự án An Phú - An Khánh, Thạnh Mỹ Lợi có giá 55-60 triệu/m2 trước đây nay rao bán chỉ còn 40-45 triệu đồng.
Tuy nhiên, hiện nay đang có một dấu hiệu là bán tháo. Mặc dù đưa ra một giá ký gửi, nhưng qua điều đình, đã có trường hợp bán thấp hơn rất nhiều so với giá đưa ra.
Theo dự đoán của các công ty BĐS, có thể sắp tới đây việc vay vốn ngân hàng khó khăn thêm khi Chính phủ vẫn tiếp tục rút tiền từ các ngân hàng về. Khi nguồn tiền đã cạn và không vay được vốn, có khả năng giá BĐS tiếp tục giảm sâu.
-
Đặng Vỹ
Bạn đọc có ý kiến về vấn đề này, xin gửi vào đây: