221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1055141
Người nước ngoài được sở hữu căn hộ 70 hay 140 năm?
1
Article
null
Người nước ngoài được sở hữu căn hộ 70 hay 140 năm?
,

 - Một số ý kiến thẩm tra Tờ trình và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam thu thập được trong cuộc họp do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì vừa được Ban soạn thảo thuộc Bộ Xây dựng giải trình.

Ngoài việc nhất trí cho rằng Chính phủ đề nghị Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là hết sức cần thiết vì sẽ góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản và các ngành dịch vụ liên quan phát triển, khuyến khích đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, phù hợp với xu thế hiện nay trên thế giới... các đại biểu dự họp còn một số băn khoăn khá cụ thể về tên gọi của Nghị quyết, về đối tượng và điều kiện được mua và sở hữu nhà ở, về thủ tục mua bán nhà...

Ngày 16/4/2008, Ban soạn thảo thuộc Bộ Xây dựng đã chính thức có văn bản giải trình các ý kiến này.

Bằng đại học của người nước ngoài không liên quan đến việc mua nhà!

Hầu hết ý kiến đều nhất trí với qui định về 7 đối tượng nêu trong dự thảo, tuy nhiên một số ý kiến đề nghị nên nêu cụ thể những người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam bao gồm những ai (Đại sứ, Đại diện lâm thời…) hoặc qui định đối tượng người nước ngoài đầu tư tại Việt Nam phải là những người vào đầu tư trực tiếp theo pháp luật đầu tư, đồng thời bổ sung thêm đối tượng người nước ngoài được các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thuê giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp đó (như: Tổng giám đốc, Giám đốc chi nhánh…).

Nhà

Người nước ngoài trước mắt chỉ có thể mua căn hộ tại các chung cư. (Ảnh: H.H).

Góp ý này được Ban soạn thảo cho là phù hợp nên đã sửa lại trong dự thảo Nghị quyết. Song, Ban này cho rằng: "Riêng với đối tượng là người đứng đầu các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, các Tổ chức quốc tế liên Chính phủ hoặc tổ chức của Liên hiệp quốc đang thường trú tại Việt Nam - do khi họ còn giữ chức vụ thì đã được Chính phủ các nước hoặc Liên hiệp quốc bố trí nhà ở thông qua hình thức cung cấp kinh phí để họ thuê nhà hoặc bố trí ở tại trụ sở làm việc của các tổ chức đó nên những đối tượng này không có nhu cầu mua nhà ở tại Việt Nam".

Tuy nhiên, nhiều khả năng sẽ có trường hợp sau khi hết nhiệm kỳ công tác vẫn mong muốn sinh sống lâu dài tại Việt Nam - Ban soạn thảo nhận định Nhà nước cũng nên cho phép họ được mua nhà ở tại Việt Nam, coi đây là những người có công đóng góp cho mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước hoặc có công giúp Việt Nam phát triển kinh tế.

TIN LIÊN QUAN

Do đó, Ban này đề nghị gộp đối tượng trên vào cùng nhóm đối tượng "người có công đóng góp cho đất nước" và đề xuất cho phép họ được mua nhà ở tại Việt Nam khi vẫn sinh sống tại Việt Nam nhưng không còn đảm nhận chức vụ đứng đầu các cơ quan, tổ chức quốc tế (khi đã về hưu).

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị xem lại đối tượng chuyên gia nước ngoài có bằng đại học trở lên, vì "qui định này vừa hẹp lại vừa rộng"! Thực tế, nhiều trường hợp người nước ngoài không có bằng đại học nhưng lại rất giỏi về chuyên môn đã có công giúp Việt Nam như: các nghệ nhân, những người có tay nghề cao...

Về vấn đề này, Ban soạn thảo nhất trí ý kiến góp ý là hợp lý, thống nhất không nên qui định cụ thể đối tượng chuyên gia phải có bằng đại học trở lên mà tùy lĩnh vực công tác - họ sẽ được mua nhà ở như đối tượng là người vào đầu tư, người được các doanh nghiệp thuê hoặc người có công đóng góp cho đất nước...

Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị nên bổ sung đối tượng người nước ngoài có công đóng góp đất nước nhưng vì lý do nào đó họ không muốn nhận phần thưởng Huân chương, Huy chương do Chủ tịch nước trao tặng - Ban soạn thảo cho rằng hợp lý nhất là "tách thành một đối tượng độc lập và quy định họ sẽ được mua nhà ở theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ".

Còn một trường hợp cũng được các đại biểu đề nghị làm rõ, đó là "người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam nhưng không thường xuyên sinh sống tại Việt Nam mà sống tại nước ngoài thì có được mua nhà ở tại Việt Nam hay không?". Vấn đề này, Ban soạn thảo cho rằng mục tiêu của chính sách cho phép người nước ngoài mua nhà là giúp họ ổn định chỗ ở tại Việt Nam để yên tâm công tác, do đó những trường hợp không sống ổn định tại Việt Nam mà thường xuyên sống ở nước ngoài thì không thuộc diện được mua nhà ở tại Việt Nam.

Sao không cho phép người nước ngoài mua nhà riêng, biệt thự?

Qui định được nêu trong dự thảo Nghị quyết về việc người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam chỉ "giới hạn" người nước ngoài được mua căn hộ chung cư. Tại cuộc họp do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì vừa qua, có ý kiến cho rằng "cần nêu rõ lý do tại sao lại không cho phép người nước ngoài được mua nhà ở riêng lẻ hoặc nhà biệt thự"?!

Ban soạn thảo giải trình: "Hiện nay, chính sách pháp luật về đất đai của Nhà nước Việt Nam chưa cho phép người nước ngoài có quyền sử dụng đất như người trong nước. Mặt khác, sẽ rất phức tạp nếu cho phép họ được mua nhà ở riêng lẻ gắn với quyền sử dụng đất, vì thực tế có nhiều trường hợp diện tích nhà nhỏ nhưng diện tích đất lại rất lớn (hàng nghìn mét vuông) hoặc sẽ xuất hiện tình trạng gom đất của các nhà ở xung quanh để tạo thành khu biệt lập lớn - khó khăn cho quản lý và liên quan đến vấn đề an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia".

Hơn nữa, cũng theo Ban soạn thảo - kinh nghiệm của nhiều nước trong khu vực cũng chỉ cho người nước ngoài được mua nhà ở cao tầng, không cho phép họ được mua nhà ở thấp tầng. Vì vậy, Ban này đề nghị bước đầu chỉ nên qui định cho phép người nước ngoài được mua căn hộ trong các khu nhà chung cư để cơ quan chức năng dễ dàng trong việc quản lý, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Về ý kiến cho rằng nên qui định cụ thể thời hạn được sở hữu nhà ở gia hạn thêm là bao nhiêu năm; nên qui định thời hạn được sở hữu nhà ở theo niên hạn của nhà ở đã mua - Ban soạn thảo khẳng định "trong dự thảo chỉ nên qui định được gia hạn thêm 1 lần với thời hạn tối đa là 70 năm (như vậy, tổng thời gian được sở hữu nhà ở của người nước ngoài là 140 năm)".

Nếu qui định thời hạn được sở hữu nhà ở bằng với niên hạn của nhà ở, Ban soạn thảo cho rằng sẽ không thống nhất trong cả nước và dễ dẫn đến tùy tiện trong áp dụng, vi phạm quyền lợi của chủ sở hữu. Mặt khác, qui định này sẽ không phù hợp với Luật Đất đai, Luật Nhà ở.

Xuất phát từ các giải trình nêu trên, Ban soạn thảo đã chỉnh sửa lại Điều 1 của dự thảo Nghị quyết qui định 7 đối tượng người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam như sau:
a) Cá nhân người nước ngoài vào đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo qui định của pháp luật về đầu tư hoặc được các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam theo pháp luật doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) thuê giữ các chức danh quản lý trong doanh nghiệp đó.
b) Cá nhân người nước ngoài có công đóng góp với đất nước được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương, Huy chương; được công nhận là công dân danh dự của Nhà nước Việt Nam;  những người đã từng giữ chức vụ Đại sứ, Tổng Lãnh sự của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, người đã từng đứng đầu các Tổ quốc tế (Tổ chức liên Chính phủ và Tổ chức của Liên hiệp quốc) tại Việt Nam.
c) Nhà hoạt động văn hoá, nhà khoa học đang làm việc tại Việt Nam được nước ngoài hoặc Việt Nam phong học hàm, học vị về các lĩnh vực: khoa học-công nghệ, giáo dục, y tế, thể thao, văn hoá, nghệ thuật;
d) Người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam;
đ) Những trường hợp đặc biệt được mua nhà ở theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
e) Những người không thuộc các đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d và điểm đ nêu trên nhưng đang sinh sống liên tục tại Việt Nam từ 5 (năm) năm trở lên.
f) Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không có chức năng kinh doanh bất động sản đang hoạt động tại Việt Nam theo pháp luật đầu tư mua nhà để cho người nước ngoài và người Việt Nam đang làm việc tại doanh nghiệp đó ở.

  • Tràng An Nguyễn
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,