221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1054703
Làng nghề ở ĐBSCL: Chỉ được... cái tiếng!
1
Article
null
Làng nghề ở ĐBSCL: Chỉ được... cái tiếng!
,

 - Các tỉnh ĐBSCL đang đua nhau khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống của địa phương. Tuy nhiên cư dân của các làng nghề hầu như chẳng thụ hưởng được gì từ phong trào này.

Được tiếng làng nghề cho oai

Ở Tiền Giang, làng nghề đóng tủ thờ Ông Non của xã Tân Trung, huyện Gò Công Đông đã có trên trăm năm tuổi với 80 hộ làm nghề, giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 600 lao động. Năm 2004, làng đóng tủ thờ Ông Non được tỉnh công nhận làng nghề truyền thống.

Mô tả ảnh.

Nghề đóng tủ thờ ở Gò Công đang phải tận dụng những nọc tiêu bằng gỗ căm xe mua vét từ Tây Nguyên làm nguyên liệu. Tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất đang đe dọa sự tồn vong của làng nghề nhưng không có lối ra.

Tỉnh hứa sẽ đầu tư xây dựng con đường giao thông chính thật khang trang, xây dựng cổng chào và nhiều hạng mục công trình khác như nước sạch, đường dây điện ba pha để vừa phát triển nghề đóng tủ thờ vừa phục vụ du lịch, nhưng đến tháng 12/2007, bộ mặt của xóm tủ thờ chẳng khác hồi chưa được công nhận làng nghề truyến thống!

Con đường huyết mạch chạy xuyên qua làng nghề vẫn lở lói đầy ổ voi ổ gà và mù mịt bụi cát khiến ai đi qua cũng ngán ngại. Hàng chục chủ cơ sở sản xuất tủ thờ phải dạt ra quốc lộ 50 mở cửa hàng trưng bày sản phẩm dù tuyến quốc lộ này cũng đầy… ổ voi!

Ông Lê Văn Cược, Chủ tịch UBND xã Tân Trung, lắc đầu ngán ngẩm: “Tới giờ này, những công trình 100% vốn tỉnh đầu tư như cổng chào, điện ba pha còn chưa có. Riêng đường giao thông chính, tỉnh yêu cầu dân góp 60% vốn thi công, nhà nước 40% nên không ai chịu”. Còn ông Đức, cư dân xóm tủ thờ Gò Công, bày tỏ: “Chúng tôi cần Nhà nước giúp đỡ thiết thực hơn như giải quyết vấn đề nguyên liệu sản xuất, tiếp thị quảng bá sản phẩm rộng rãi, ưu đãi thuế má, chứ xây đường, dựng cổng chào thì… đâu giúp gì đến sự sống còn của làng nghề”.

Trong khi đó, làng sản xuất trống Bình An, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, Long An mong ước có con đường và nguồn điện ba pha thì tỉnh cũng chỉ... mới hứa! Làng trống Bình An đã có hơn 100 năm tuổi với 26 hộ làm nghề. Nhưng cho đến giờ này muốn vào được xóm bịt trống chỉ có thể đi bằng con đường đá nhỏ hẹp vừa đủ một chiếc xe gắn máy lưu thông, sơ sẩy là té xuống kênh hoặc rớt xuống ruộng lúa.

Mô tả ảnh.
Làng trống Bình Lãng, Tân Trụ, Long An sản xuất trống bằng phương pháp thủ công đang lâm vào cảnh thiếu nguồn da trâu làm nguyên liệu.

Theo ông Nguyễn Minh Giám, Chủ tịch UBND xã Bình Lãng, việc xây dựng đường vào làng trống Bình An khang trang là rất cần thiết vì lâu nay việc vận chuyển nguyên liệu sản xuất hoặc sản phẩm ra vào làng nghề rất cực nhọc. Mặt khác, do không có điện ba pha nên cả làng nghề chỉ có thể sản xuất trống theo phương pháp thủ công vì các loại cưa, khoan điện không thể chạy được do điện tổ hợp quá yếu.

Trong khi đó, tại Bến Tre, 249 cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa nổi tiếng mỗi năm cung ứng cho thị trường từ 35.000 tấn đến 60.000 tấn sản phẩm với doanh số hàng trăm tỉ đồng đang phải sử dụng những chiếc máy tuốt chỉ ọp ẹp, lạc hậu. Điều đáng nói là tháng 8/2006, nghề làm chỉ xơ dừa ở ấp Vĩnh Trị, xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày được tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống với 71 cơ sở sản xuất nhưng chẳng ai đề cập đến chuyện thay đổi công nghệ sản xuất hiện đại hơn.

Phần lớn các chủ cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa ở Bến Tre đều mong muốn nhà nước có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho vay vốn nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, nhưng “đề đạt nhiều lần mà tất cả đều chìm trong “sự im lặng đáng sợ”.

"Hình như người ta gắn cho tụi tui cái mác làng nghề truyền thống để cho... oai!”, một chủ cơ sở ngao ngán nói.

Phát triển bền vững: "nhiệm vụ bất khả thi"?

Trường hợp làng tủ thờ Gò Công, làng trống Bình An, làng chỉ xơ dừa Bến Tre chỉ là một phần nhỏ thực trạng của hàng trăm làng nghề truyền thống đã và đang được công nhận ở các tỉnh ĐBSCL.

Mô tả ảnh.
Sản xuất chỉ xơ dừa xuất khẩu bằng máy móc lạc hậu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở làng chỉ xơ dừa Mỏ Cày, Bến Tre.

Căn bệnh thường gặp ở đây là: Sau khi cấp bằng công nhận làng nghề truyền thống xong thì tỉnh “quên” luôn chuyện đầu tư phát triển hoặc có đầu tư thì cũng nhỏ giọt, cà rịch cà tang.

Theo khảo sát, hầu hết các địa phương khi công nhận làng nghề truyền thống chỉ chú trọng phát triển “bề nổi” như xây cổng chào, đầu tư các cơ sở phục vụ, khai thác du lịch. Chưa ai chú ý đến vấn đề làm sao để làng nghề phát triển bền vững và các sản phẩm vươn xa trên thị trường.

Đơn cử như làng tủ thờ Gò Công, tất cả sản phẩm đều phải làm bằng các loại danh mộc như gỗ mun, gõ, căm xe, cẩm lai… nhưng hiện nay tất cá các loại gỗ này đều bị cấm khai thác, vận chuyển, mua bán. Năm năm qua các cơ sở sản xuất của làng tủ thờ phải sục sạo đất Tây Nguyên tìm mua những cây nọc bằng gỗ căm xe của những đồn điền trồng hồ tiêu dạt ra mang về đóng tủ, nhưng hiện nay nguồn gỗ dạt này cũng đang cạn kiệt.

“Hiện tại mỗi khi có người đặt đóng chiếc tủ bằng danh mộc như gõ, mun chúng tôi phải hẹn thời gian giao hàng kéo dài cả tháng vì phải đi săn lùng khắp nơi để bòn vét mua từng ký lô gỗ quý, thậm chí sang cả Campuchia để tìm gỗ. Có gỗ rồi phải tìm cách lén lút vận chuyển về vì lỡ bị bắt thì coi như… sạt nghiệp”, ông Phạm văn Nam, 44 tuổi và có 22 năm làm nghề đóng tủ, Chủ tịch Nghiệp đoàn mộc tủ thờ, than thở.

Mong ước lớn nhất của cư dân làng tủ thờ Gò Công là được tỉnh tạo điều kiện cho có đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất nhưng đây là “nhiệm vụ bất khả thi” vì nếu tỉnh cấp phép cho làng tủ thờ vận chuyển, mua bán các loại gỗ quý là vi phạm pháp luật.

“Không có gỗ quý thì không còn làng tủ thờ truyền thống vì tủ thờ Gò Công đóng bằng những loại cây tạp kém chất lượng sẽ… mất tiếng”, ông Ba Thanh, chủ một cơ sở sản xuất, cho biết.

Ở làng trống Bình An, tình trạng thiếu nguyên liệu cũng đang đe dọa sự tồn vong của làng nghề. Nhiều chủ cơ sở cho biết hiện nay rất khó tìm mua được da trâu để làm mặt trống.

“Gần đây, các nhà máy thuộc da mở ra ngày càng nhiều nên nghề làm trống cũng vất vả. Muốn mua được miếng da làm mặt trống, hàng ngày, từ 2 giờ sáng, chúng tôi đã phải đến các lò giết mổ gia súc ở ngoại thành TP.HCM để òn ỉ các đầu nậu chuyên cung cấp da trâu bò cho các nhà máy chia lại từng tấm da trâu nhưng không phải lúc nào cũng có”, ông Nguyễn Văn Mến nói.

Ngoài việc thiếu nguyên liệu sản xuất, các cơ sở sản xuất trống ở Bình An mong muốn các cơ quan hữu trách của tỉnh Long An sớm hỗ trợ họ xây dựng thương hiệu, đăng ký bản quyền và giúp giải quyết những tranh chấp trong giao dịch thương mại.

Ông Mến hiện đang ôm sô hai chiếc trống khổng lồ do khách hàng đặt làm đã mấy năm rồi nhưng không đến lấy: một chiếc cao 2,5m, đường kính mặt 1,47m trị giá hơn 20 triệu đồng và 60 ngày công lao động; một chiếc cao 1,15m, đường kính mặt 1,5m, vốn đầu tư gần 20 triệu đồng. "Nếu có thương hiệu và được tỉnh hỗ trợ trong giao dịch thì tôi đâu có bị khách hàng cho ôm hai chiếc trống, chôn vốn quá nặng”, ông Mến than thở.

Tại Bến Tre, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Sở Công nghiệp Bến Tre, cho biết các ngành chức năng của tỉnh đang quy hoạch mở rộng nghề sản xuất chỉ xơ dừa ở ấp Vĩnh Trị, xã Khánh Thạnh Tân, xây dựng nhà máy quy mô 2ha sản xuất tổng hợp các sản phẩm từ dừa như: Cơm dừa nạo sấy, chỉ xơ dừa và các sản phẩm sau chỉ, ép mụn dừa.

“Theo tôi, sắp tới nghề sản xuất chỉ xơ dừa cần phải thay đổi phương pháp làm ăn: vừa sản xuất chỉ xơ dừa vừa kết hợp sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng sau chỉ như thảm, lưới (năm 2006 Bến Tre xuất được 10 triệu m2 lưới và 250.000 tấm thảm chế biến từ chỉ xơ dừa, mang lại nguồn ngoại tệ khá lớn) vì xuất chỉ thô giá trị thấp, khó cạnh tranh, mặt khác mở rộng sản xuất còn giải quyết thêm được rất nhiều lao động. Các cơ sở sản xuất tư nhân nếu cơ sở nào có dự án sản xuất tốt, tỉnh sẽ hỗ trợ đầu tư thay đổi công nghệ, thiết bị”, ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, cản ngại lớn nhất của các cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa là vấn đề vay vốn đầu tư thay đổi công nghệ, thiết bị để vừa sản xuất chỉ vừa sản xuất các sản phẩm sau chỉ.

Trong lúc chờ tỉnh có hướng hỗ trợ không biết đến khi nào, làng nghề truyền thống sản xuất chỉ xơ dừa Vĩnh Trị lâm vào cảnh điêu đứng vì công nghệ lạc hậu, giá thành sản xuất cao, chất lượng sản phẩm kém nên không thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của Sri Lanka, Malaysia, Ấn Độ…

Đơn cử, năm 2006, Bến Tre xuất được khoảng 60.000 tấn chỉ xơ dừa sang Trung Quốc, nhưng năm 2007 giảm còn 30.000 tấn và hiện nay nghề chỉ xơ dừa Bến Tre không còn độc quyền cung ứng hàng. Do đó, trong năm 2007 đã có gần 40% cơ sở sản xuất đóng cửa, số còn lại một tháng nổ máy chạy được chừng… một tuần lễ, khiến cho hơn 3.000 lao động đứng trước nguy cơ mất việc, hơn 40% gia đình của xã Khánh Thạnh Tân (trong tổng số 3.046 hộ) cũng mất thu nhập từ nghề kéo sợi gia công

Mới đây, tại Bến Tre, tỉnh yêu cầu phải quảng bá thương hiệu các làng nghề truyền thống bằng truyền thông đại chúng và internet song song với việc cơ giới hóa sản xuất, ưu tiên vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, từ năm 2008 đến năm 2010, tỉnh An Giang cho biết sẽ ưu tiên cấp giấy chứng nhận, ưu đãi tiền thuê đất, sử dụng đất, đào tạo marketing, kỹ thuật thiết kế sản phẩm cho thợ thủ công, tìm kiếm thị trường, đầu ra cho sản phẩm… cho các làng nghề trong tỉnh.

Đó cũng là tín hiệu đáng mừng nhưng trong khi chờ đợi những lời hứa trên thành hiện thực thì các làng nghề ở ĐBSCL phải tự cứu mình trước khi được… Nhà nước cứu!

  • Minh Hạ - Trung An
    Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ): "Việc các tỉnh đua nhau khôi phục phát triển làng nghề truyền thống theo kiểu “chạy theo phong trào” là rất đáng lo ngại. Theo tôi mỗi tỉnh cần chọn ra những làng nghề truyền thống có tính độc đáo riêng, có lịch sử lâu đời và có nét văn hóa riêng không trùng lắp với tỉnh khác để đầu tư khôi phục, phát triển thì sẽ mang lại hiệu quả thiết thực hơn việc ồ ạt công nhận làng nghề na ná giống nhau như hiện nay. Về lâu dài để làng nghề phát triển bền vững, các trung tâm xúc tiến thương mại của tỉnh phải hỗ trợ làng nghề tiếp thị hình ảnh sản phẩm, thương hiệu trên thị trường trong, ngoài nước; các tỉnh phải hỗ trợ làng nghề đầu tư cải tiến kỹ thuật, đào tạo tay nghề của thợ thủ công song song với giải quyết ô nhiễm môi trường, hết sức tránh việc phát triển làng nghề nhưng cả cộng đồng phải gánh chịu tình trạng môi trường ô nhiễm ngày càng trầm trọng".  
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,