- Vào thời điểm cuối tháng 4/2008, cuộc khủng hoảng lương thực trên thế giới đã lên đến cao điểm. Ở vị thế quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ nhì thế giới, Việt Nam nên ứng xử thế nào? Giáo sư Võ Tòng Xuân đã có cuộc trao đổi với VietNamNet. Trái với một số quan điểm, ông cho là chúng ta cần tranh thủ xuất khẩu gạo vào thời điểm hiện nay, và hoàn toàn không phải lo ngại về an ninh lương thực. GS Võ Tòng Xuân: "Sẽ thiệt thòi nếu không xuất khẩu gạo lúc này"
- Thưa Giáo sư, ngày thứ Hai 21/4 vừa qua, hàng loạt báo trên thế giới đưa tin Việt Nam đã tạo được một kỷ lục về giá gạo chào bán cho Philippines, đó là 1.200 USD/tấn. Một số dự báo còn cho là giá gạo trong tháng tới có thể lên đến 1.500 USD/tấn. Vậy Giáo sư nhận định về tình hình này như thế nào?
Trong giai đoạn này, khi Philippines chưa thu hoạch lúa, lượng gạo của họ thiếu nên họ phải mua gấp với giá cao như vậy. Nếu mình chào hàng được giá đó, tôi nghĩ mình nên xuất bán. Vì để qua tháng nữa, có thể giá sẽ không còn cao như vậy nữa.
Hiện nay các nước đều lo gia tăng sản xuất gạo để bán được giá cao, từ Trung Quốc đến Việt Nam, từ Indonesia đến Philippines. Khi mọi nơi thu hoạch, lượng cung sẽ tăng và giá sẽ không được cao như hiện nay. Hiện lúa gạo nằm trong tay các công ty lương thực cấp tỉnh hoặc cấp trung ương. Vì vậy khi giá gạo tăng vọt, phần lợi người nông dân được hưởng cũng chẳng bao nhiêu. Ảnh minh họa vận chuyển gạo.
- Trong mấy tháng đầu năm 2008, Việt Nam và Ấn Độ giảm xuất khẩu gạo, trong khi Thái Lan lại tăng xuất gạo, trong 3 tháng đầu năm họ tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Vậy quan điểm của Giáo sư là mình có nên xuất khẩu ở thời điểm giá cao này?
Tôi nghĩ là mình nên xuất, nếu không sẽ thiệt thòi cho Việt Nam mình. Tuy nhiên chỉ có những nông dân thu hoạch vào thời điểm này là có thể thu được lợi từ giá cao. Còn phần lớn nông dân đã thu hoạch trong tháng trước đó. Các công ty lương thực đã mua gạo của nông dân rồi, nên các công ty sẽ được hưởng lợi hơn là người nông dân.
Nói tóm lại là chúng ta nên xuất vào thời điểm hiện nay. Còn nếu bỏ qua cơ hội này, tôi nghĩ sẽ khó có lúc đạt được giá cao như vậy.
- Năm ngoái, giá gạo xuất khẩu chỉ khoảng 300 USD/tấn, đến nay là 1.200 USD/tấn. Mỗi tấn gạo bán ra đã tăng thêm được 900 USD. Vậy ước tính người nông dân được hưởng bao nhiêu trong số 900 USD tăng thêm đó?
Như tôi đã nói, khi bà con nông dân thu hoạch đợt tháng 3 vừa rồi, họ cũng đã bán hết. Ít có nông dân nào giữ gạo lại. Hiện lúa gạo nằm trong tay các công ty lương thực cấp tỉnh hoặc cấp trung ương. Vì vậy khi giá gạo tăng vọt, phần lợi người nông dân được hưởng cũng chẳng bao nhiêu. Phần lớn do các công ty và các thương lái được lợi.
- Người ta đang nghi ngờ là trên thế giới có những thương lái đang đầu cơ gạo để đẩy giá lên cao. Giáo sư nghĩ có chuyện đó không?
Chắc chắn là có chuyện đó, nhất là ở Philippines. Cũng giống như ở Việt Nam hồi trước năm 1975. Mỗi lần thương lái đầu cơ thì gây ra tình trạng khan hiếm và giá gạo tăng lên.
Tôi có được nghe kể hồi năm 1966, lúc đó ông Nguyễn Cao Kỳ còn là Thủ tướng ở Miền Nam. Năm đó đột nhiên giá gạo tăng cao gấp ba lần mức bình thường. Ông Nguyễn Cao Kỳ cho mời 12 nhà kinh doanh lúa gạo hàng đầu Miền Nam lúc đó đến nói chuyện. Ông ra kỳ hạn trong vòng 24 giờ, nếu giá gạo không xuống thì sẽ bốc thăm để bắn bỏ một trong 12 vị. Ngay ngày hôm sau, giá gạo xuống. Vì thế tôi mới nói, chuyện đầu cơ tăng giá gạo là có thực.
- Vậy hiện nay ở Việt Nam, liệu có hiện tượng đầu cơ giá gạo hay không? Cụ thể là mua gạo của nông dân ở thời điểm giá thấp, chờ đến khi giá lên thật cao thì mới bán ra.
Theo tôi nghĩ cũng có thể có đấy. Nhưng nếu làm thì do các công ty làm thôi, còn nông dân và các tư nhân làm gì có tiền và có điều kiện để làm như vậy.
- Hệ thống kinh doanh gạo hiện nay, từ lúc thu mua của nông dân, rồi vận chuyển, xay xát, lưu kho, xuất khẩu… mình đã có hệ thống cạnh tranh chưa?
Cũng có cạnh tranh đôi chút, nhất là ở công đoạn mua lúa từ nông dân. Còn xuất khẩu gạo vẫn do các doanh nghiệp nhà nước thực hiện.
- Một số công ty thời gian qua nói họ lỡ ký hợp đồng xuất khẩu với giá thấp, nay phải mua gạo đầu vào giá cao nên họ bị lỗ. Giáo sư thấy câu chuyện đó có đúng không?
Đây là điều có thực. Ví dụ như đầu năm nay có những nhà xuất khẩu đã đấu thầu bán 300.000 tấn gạo với giá chỉ 320-340 USD/tấn. Có thể họ biết không mua được gạo với giá đó để xuất, nhưng họ vẫn ký. Không loại trừ trong quan hệ giữa bên bán và bên mua của Philippines hay Indonesia có vấn đề gì đó không rõ ràng.
Đến khi không mua được lúa của nông dân với giá thấp, họ phải tìm cách để cắt giảm lỗ. Một cách đơn giản là vận động ngừng xuất khẩu để giá lúa của nông dân bị hạ xuống. Cách thứ hai là đòi hỏi các công ty xay xát và đánh bóng gạo phải ký hợp đồng lại để chia sẻ lỗ với nhà xuất khẩu. Cách thứ ba là yêu cầu các công ty lương thực cấp tỉnh phải cùng chia lỗ. Cuối cùng thì nông dân có thể lỗ, nhưng nhà xuất khẩu không chịu lỗ.
- Giáo sư kỳ vọng trong năm tới hoặc vài năm tới, liệu có sự thay đổi nào trong cơ chế xuất khẩu gạo, để lợi ích về đến tay người nông dân nhiều hơn?Ví dụ như xoá bỏ độc quyền trong xuất khẩu?
Tôi đã nhiều lần đề nghị, cần tạo điều kiện để tư nhân được tham gia xuất khẩu gạo. Nhưng thực tế là tư nhân cũng không tham gia được bao nhiêu. Những hợp đồng xuất khẩu lớn đều được ký với tư cách Chính phủ với Chính phủ. Vì thế vẫn khó cải thiện được lợi nhuận của nông dân trông lúa.
Như ở Thái Lan, xuất khẩu gạo là do các công ty tư nhân thực hiện. Nhà nước đấu giá, rồi giao lại cho tư nhân xuất khẩu. Như vậy người nông dân được hưởng lợi nhiều hơn. Ở Việt Nam, để làm được như vậy thì Nhà nước phải rất mạnh dạn thay đổi hệ thống thu mua và xuất khẩu gạo.
- Trong tình hình giá gạo tăng cao như hiện nay, Giáo sư nghĩ trong năm tới ở Miền Tây có thay đổi gì về cơ cấu sản xuất nông nghiệp hay không? Ví dụ như giảm nuôi tôm cá, giảm bớt trái cây để tăng trồng lúa?
Tôi nghĩ cơ cấu sẽ không có gì thay đổi. Phá vườn trái cây để trồng lúa thì rất uổng phí. Còn cá và tôm thì vẫn nuôi trên những diện tích trồng lúa không được.
Chỉ có điều chúng ta cần tập trung vào những giống lúa cao sản, ngắn ngày, và kháng được rầy nâu. Cần giảm hoặc không nên trồng những giống lúa cao cấp. Những giống lúa này có năng suất thấp, lại kém sức đề kháng với rầy nâu và dịch bệnh.
Chúng ta cũng có thể tăng cường diện tích trồng thêm vụ thứ ba. Vừa qua chúng ta có xu hướng bớt trồng vụ ba vì tăng thêm nạn rầy nâu, dịch bệnh, và hiện tượng phân hoá các giống lúa. Nếu chúng ta trồng vụ ba với giống lúa kháng rầy, đồng thời tăng cường phân bón để duy trì độ màu của đất, thì chúng ta có thể tăng sản lượng lúa của Đồng bằng sông Cửu Long. Đến khi trữ lượng lúa gạo trên thế giới tăng cao, chúng ta sẽ lại giảm vụ thứ ba.
- Một câu hỏi cuối. Nhiều người vẫn lo ngại về an ninh lương thực ở Việt Nam. Nhưng hàng năm sản lượng gạo của Việt Nam vượt mức tiêu dùng trong nước đến 4 triệu tấn. Vậy thực sự chúng ta có vấn đề về an ninh lương thực hay không?
An ninh lương thực không đáng lo. Việt Nam luôn luôn dư gạo để xuất khẩu. Thứ hai, với giống lúa cao sản ngắn ngày thì chỉ trong vòng 3 tháng chúng ta lại thu hoạch được một vụ mới. Những nước phải phụ thuộc vào nhập khẩu gạo theo từng tuần và từng tháng, họ rất lo về khủng hoảng lương thực. Ở Việt Nam điều đó chắc chắn không xảy ra.
- Xin cảm ơn Giáo sư.
-
Bích Ngọc
Ý kiến bạn đọc: