221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1058785
Đà Nẵng: Dập tắt ngay cơn sốt gạo ảo
1
Article
null
Đà Nẵng: Dập tắt ngay cơn sốt gạo ảo
,

 - Từ chiều 28/4, Đà Nẵng tổ chức 5 điểm bán gạo tại các chợ với giá chỉ 9.500 đồng/kg và không hạn chế lượng gạo mua về của người dân.

 

Mô tả ảnh.

Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng họp khẩn bàn biện pháp bình ổn giá gạo Ảnh: HC

Giá gạo tăng từng giờ!

 

Chịu “dư chấn” do cơn sốt giá gạo ở phía Nam, trong hai ngày qua, giá gạo trên thị trường Đà Nẵng cũng bắt đầu tăng đột biến. Ngay trong sáng 28/4, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh đã triệu tập cuộc họp khẩn với các phó chủ tịch UBND TP và lãnh đạo các ngành hữu quan để bàn biện pháp đối phó.

 

Ông Trần Văn Đạm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Đà Nẵng cho hay, nếu tính trong phạm vi các đại lý lớn thì mức tiêu thụ khoảng 500 - 700 tấn/ngày, chủ yếu lấy hàng từ các tỉnh miền Tây, ngoài ra có một số ít được cung ứng từ các vùng nông thôn lân cận và gạo nhập từ Thái Lan. Hiện lượng hàng còn lại trong kho không nhiều.

 

TIN LIÊN QUAN
Từ hôm thứ 7, giá gạo đã tăng bình quân 2.000 - 3.000 đồng/kg. Loại gạo thường từ 9.000 đồng tăng lên 11.000 đồng/kg, loại gạo 12.000 đồng/kg tăng lên 14.000 đồng, loại gạo 16.000 tăng lên 18.000 đồng/kg... Đến tối Chủ nhật, giá gạo các loại tăng gấp 2 - 3 lần. “Tin từ QLTT các quận báo về cho biết, loại gạo thường mới từ 9.000 tăng lên 11.000 đồng/kg hôm qua thì đến sáng nay đã lên tới 16.000 đồng/kg và các đại lý còn “dự báo” đến chiều, tối nay sẽ tăng lên 20.000 đồng/kg!” - ông Trần Thanh Đạm nói.

 

Trước mức giá tăng lên từng giờ như vậy, một số điểm bán gạo trên địa bàn đã bắt đầu đóng cửa hoặc không tiếp tục bán ra với lý do không có nguồn hàng. Khi lực lượng QLTT yêu cầu mở cửa bán hàng thì họ miễn cưỡng chấp hành nhưng lại không chịu niêm yết giá.

 

Mô tả ảnh.

Một số điểm bán gạo ở Đà Nẵng đã đóng cửa chờ giá lên!  Ảnh: HC

Ngược lại, một số siêu thị lớn như Big C, Metro… vẫn cố gắng giữ giá bán bình ổn như trước (loại gạo thường 9.500 đồng/kg), nhưng liệu sẽ “cầm cự” được bao lâu thì vẫn chưa thể biết. Điển hình như Công ty Bài Thơ, Giám đốc Phạm Trung Tám cho biết, bình thường chỉ nhập gạo đủ bán trong một tuần. Không ngờ giá gạo tăng đột biến,  đến chiều hôm qua, trong kho hai siêu thị của công ty này không còn lấy một kg nào để bán!

 

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gạo lớn trên địa bàn đang bị các đối tác ở phía Nam trả lại tiền đặt cọc cho các hợp đồng mua gạo đã ký trước đó với lý do không có nguồn hàng để giao (thực chất là ghim hàng để chờ giá cao hơn nữa). Do vậy một số doanh nghiệp, đại lý ở Đà Nẵng dù đang có gạo cũng không dám bán vì sợ sau đó không có nguồn để mua. Bán ra lúc này thì thấy có lãi nhưng khi mua lại thì bị lỗ nặng, đó là bài toán mà các doanh nghiệp không dễ gì giải được trong bối cảnh hiện nay!

 

Do Đà Nẵng không phải là địa bàn sản xuất lúa gạo lớn mà chủ yếu nhập hàng từ phía Nam về tiêu thụ nên không tránh khỏi ảnh hưởng khi tình hình trong đó có biến động. Tuy nhiên theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Chính, yếu tố tiềm ẩn nguy hiểm nhất hiện nay là tâm lý của người dân, nghe đồn thiếu gạo thì đổ xô nhau đi mua dự trữ, gây nên cơn sốt gạo ảo. TP hiện có khoảng 140.000 hộ, chỉ cần mỗi hộ dự trữ vài chục kg thì lượng gạo cần trong một lúc nhất thời đã lên đến hàng ngàn tấn!

 

Bên cạnh đó, không loại trừ đang có một số doanh nghiệp, đại lý lợi dụng tình hình để ghim hàng, đầu cơ trục lợi. Hiện lực lượng QLTT Đà Nẵng đã lập biên bản 01 trường hợp và đang tiến hành xác minh thêm có phải là đối tượng cố tình ghim hàng để đầu cơ hay không? Tuy nhiên, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Đà Nẵng Trần Văn Đạm vẫn bị lãnh đạo TP phê bình tại cuộc họp vì không lập ngay biên bản xử phạt đối tượng cố tình tăng giá và tung tin giá gạo có thể lên đến 20.000 đồng/kg vào chiều, tối nay!

 

Mô tả ảnh.

Lượng gạo trong các chợ ở Đà Nẵng không thiếu Ảnh: HC

Lập ngay 5 điểm bán gạo bình ổn giá

 

Giữa cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng Lữ Bằng cùng Giám đốc Công ty cổ phần Lương thực Đà Nẵng Phạm Tấn Củng đã được triệu tập đến để bàn các giải pháp cụ thể và khả thi nhất cho việc bình ổn giá gạo trên thị trường trong bối cảnh đang “dầu sôi lửa bỏng”!

 

Ông Phạm Tấn Củng cho biết, công ty đã có dự lường từ trước về tình hình biến động giá gạo, nhưng do khó khăn về vốn nên chỉ mua khoảng 1.000 - 2.000 tấn và đang để trong Nam chờ xuất khẩu, chứ không nghĩ sẽ cung ứng cho thị trường Đà Nẵng. Hiện Công ty chỉ còn trong kho hơn 50 tấn để bán lẻ trên địa bàn TP.

 

Tuy nhiên, trước những biến động về giá gạo trên thị trường TP trong 2 ngày gần đây, Công ty đã điều động ngay 200 tấn gạo từ phía Nam và đang trên đường về Đà Nẵng; ngoài ra, 60 tấn gạo từ Bình Định cũng đang được Công ty chở gấp ra. Dự kiến từ nay đến cuối tuần, Công ty sẽ đảm bảo nguồn hàng khoảng 2.000 tấn cho thị trường Đà Nẵng.

 

Theo ông Lữ Bằng, chưa kể các đại lý lớn thì chỉ riêng ở các cửa hàng bán gạo trên địa bàn hiện có hơn 300 tấn, có nghĩa nguồn hàng không thiếu nhưng vấn đề là làm sao kìm được sự tăng giá. Ông đề nghị mở điểm bán gạo bình ổn giá ngay tại các chợ, vì ở đó sẽ có tác động lớn đến tâm lý người tiêu dùng. Mặc khác, ông đề nghị lấy mức giá 9.500 đồng/kg mà các siêu thị Big C, Metro… đang áp dụng để làm mức giá chung cho các điểm bán gạo bình ổn giá do TP tổ chức.

 

Qua bàn bạc với các bên, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thống nhất phương án giao cho Sở Công thương và Công ty cổ phần Lương thực Đà Nẵng ngoài 4 cửa hàng kinh doanh lương thực hiện có của công ty, ngay trong chiều 28/4 triển khai thêm 5 điểm bán gạo tại các chợ lớn như chợ Cồn, Hàn, Đống Đa, Hoà Khánh và An Hải Đông. Riêng các vùng ven như Hoà Vang, Cẩm Lệ… do giá cả chưa biến động nhiều và nông dân đã bắt đầu gặt vụ mùa nên chưa cần thiết phải mở điểm bán gạo bình ổn giá.

 

Mô tả ảnh.

Nhưng giá cả thị đang bị đẩy lên trên trời! Ảnh: HC

UBND TP Đà Nẵng quyết định tạm ứng cho Công ty cổ phần lương thực Đà Nẵng 5 tỷ đồng để chủ động mua hàng. Mức giá tại các điểm bán gạo bình ổn giá được thống nhất là 9.500 đồng/kg đối với loại gạo ăn bình thường và UBND TP sẽ bù cho công ty phần chênh lệch so với giá thị trường. Tại các điểm bán gạo này sẽ không hạn chế về lượng gạo mỗi người được mua về ăn để tránh gây thêm tâm lý lo lắng cho người dân.

 

Trước mắt, việc này sẽ tiến hành liên tục trong một tuần để xem xét phản ứng của thị trường, hàng ngày đều có báo cáo tình hình để UBND TP có biện pháp điều hành kịp thời. Lãnh đạo TP Đà Nẵng giao cho Sở Công thương tổ chức lực lượng giám sát chặt chẽ về số lượng, giá bán gạo tại các điểm bình ổn giá; đặc biệt là giám sát và có biện pháp xử lý kiên quyết các đối tượng mua gom gạo từ các điểm này về bán lại cho nơi khác để kiếm chênh lệch giá.

 

Đồng thời, UBND TP Đà Nẵng giao cho Sở Công thương và Chi cục QLTT tập trung kiểm tra kho gạo của các đại lý lớn trên địa bàn. Nếu phát hiện có gạo trong kho nhưng không xuất trình được giấy tờ nhập kho, có gạo nhập kho nhưng không xuất bán hoặc có bán ra nhưng với giá cao hơn quy định… thì xử phạt, rút giấy phép kinh doanh và công khai danh tính trên báo chí. Mặt khác, tiến hành kiểm tra đột xuất một số nhà hàng lớn để chấn chỉnh tình trạng lợi dụng giá gạo tăng để tăng giá thực phẩm…

 

Ngay sau khi kết thúc cuộc họp của lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, PV VietNamNet đã đến chợ Hàn thăm dò tình hình. Có thể thấy lượng gạo đang bày bán trong chợ khá dồi dào, các sạp đều chất gạo cao vút. Tuy nhiên giá niêm yết thì cũng đang ở trên trời; chưa nói tới gạo thơm mà chỉ các loại gạo thường cũng đã được các chủ hàng đưa giá lên tới 15.000 - 18.000 đồng/kg. Có lẽ vì vậy mà lượng người mua rất thưa thớt.

 

Thấy PV chụp ảnh, một số chủ sạp gạo níu lại than thở chuyện giá gạo lên quá cao. PV “an ủi”: “Mấy chị yên tâm, chiều nay UBND TP sẽ tổ chức điểm bán gạo ở chợ này chỉ với giá 9.5000 đồng/kg thôi!”. Ngay lập tức, các chủ sạp gạo xôn xao hẳn lên. Người thì cho rằng, bán với giá đó thì chỉ có thể là những loại gạo không ngon, không dẻo… Thậm chí có người “độc” miệng còn cho rằng đó chắc là gạo “cứu đói” mà TP đưa ra để đối phó với tình hình!

 

Tuy nhiên không ít người đã phải kêu lên “Thế thì chết rồi!” khi nghe PV tiếp tục thông tin, gạo mà TP sắp đưa ra chợ bán là những loại gạo vẫn ăn bình thường hàng ngày, vừa được các doanh nghiệp lớn đưa từ phía Nam ra. Ngay lập tức họ gọi điện báo cho nơi này, nơi khác… Xem ra động thái tổ chức các điểm bán gạo bình ổn giá tại các chợ sẽ có tác động không nhỏ đến thị trường gạo tại Đà Nẵng trong những ngày sắp tới!

  • Hải Châu
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,