221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1061691
Hàng chục dự án nguồn điện chậm tiến độ
1
Article
null
Hàng chục dự án nguồn điện chậm tiến độ
,

 - Kết quả kiểm tra 37 dự án nguồn điện của Đoàn công tác Chính phủ cho thấy phần lớn các dự án đang bị chậm tiến độ.

Thực hiện nhiệm vụ do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải giao, từ ngày 17/3/2008 đoàn công tác của Chính phủ do ông Thái Phụng Nê, phái viên của Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đã đi kiểm tra tình hình thực hiện các dự án nguồn điện đưa vào vận hành năm 2008 - 2010 và dự kiến khởi công năn 2008 trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Kết quả kiểm tra 37 dự án nguồn điện cho thấy, phần lớn các dự án đang bị chậm tiến độ. Cụ thể trong 11 dự án điện tại miền Nam được kiểm tra thì chỉ có 3 dự án là nhiệt điện Ô Môn I giai đoạn I, thuỷ điện Buôn Kuốp, Srêpok 4 là đảm bảo đúng tiến độ yêu cầu trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến năm 2025 (gọi tắt là Quy hoạch điện VI). Còn lại tất cả đều chậm tiến độ từ 3-6 tháng, thậm chí là 1 năm như thuỷ điện Đồng Nai 3 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư với hai tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 90MW.

Các dự án điện khởi công năm 2008 tại khu vực này cũng bị chậm như nhiệt điện Vĩnh Tân II và Duyên hải II, khởi công vào cuối năm 2008 đầu năm 2009 và quyết tâm chỉ đạo thì đến 2012 hoặc 2013 mới phát điện được, chậm hơn 1 năm so với  yêu cầu Quy hoạch điện VI.

x
Thuỷ điện Buôn Kuốp, một dự án hiếm hoi được cho là thi công đúng tiến độ.

Với 26 dự án tại miền Bắc và miền Trung cũng vậy, chỉ có rất ít các dự án cơ bản bám theo tiến độ như nhiệt điện Sơn Động và thuỷ điện Sesan 4 còn hầu hết các dự án đang thi công, dự kiến đưa vào vận hành từ 2008 đến 2010 theo đánh giá của Đoàn công tác đều bị chậm từ 3-6 tháng  thậm chí hàng năm như Nhiệt điện Vũng Áng I, thuỷ điện Sông Ba Hạ, thuỷ điện Hương Điền.

Công tác chuẩn bị cho các dự án dự kiến khởi công trong năm 2008 cũng rất chậm, chỉ có nhiệt điện Uông Bí mở rộng II đáp ứng tiến độ như dự kiến, còn lại các dự án nhiệt điện Nghi Sơn I và thuỷ điện Thượng Kon Tum đều chậm 6 tháng, dự án nhiệt điện Mông Dương I chậm 1 năm  so với yêu cầu  của Quy hoạch điện VI.

TIN LIÊN QUAN
Nguyên nhân dẫn đến chậm trễ theo đánh giá của Đoàn công tác, chủ yếu do thiếu tập trung chỉ đạo nên bị chậm trong chuẩn bị đầu tư, công tác thiết kế và phê duyệt thiết kế chậm, thanh toán khối lượng hoàn thành cho nhà thầu chưa kịp thời, thiếu lực lượng thi công và thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên trên công trường, thiết bị công nghệ cấp chậm và không đồng bộ.

Bên cạnh đó ở hầu hết các dự án, nhân lực và thiết bị thi công của các nhà thầu đều chưa đáp ứng yêu cầu. Các nhà thầu đồng thời tham gia thi công cùng lúc nhiều dự án nên lực lượng bị dàn trải, năng lực tài chính hạn chế trong khi công tác giải ngân thường bị chậm và giá cả thị trường biến động không kiểm soát được. Vai trò tổng thầu không được phát huy đầy đủ, không chủ động phối hợp với các nhà thầu trong tổ hợp, không kịp thời hỗ trợ, thay thế nhà thầu phụ.

Việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc. Một số hộ dân không chịu nhận đất, tiền bồi thường vì cho rằng không công bằng làm cho các dự án nhiệt điện Mông Dương I, thuỷ điện Bản Chát, Huội Quảng, Sông Tranh I... chậm tiến độ thi công.

Theo Quy hoạch điện VI, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng GDP khoảng 8,5-9%/năm giai đoạn 2006-2010 và cao hơn, dự báo nhu cầu điện nước ta tăng ở mức 17%/năm (phương án cơ sở), 20%/năm (phương án cao) trong giai đoạn 2006-2015, trong đó xác định phương án cao là phương án điều hành, chuẩn bị phương án 22%/năm cho trường hợp tăng trưởng đột biến. 

Như vậy, trong 10 năm tới, ít nhất cả nước cũng phải xây dựng 95 nhà máy điện với tổng công suất 49.044 MW, trong đó riêng EVN là 44 nhà máy có tổng công suất 24.045 MW. Cụ thể  từ năm 2007 sẽ phải đưa vào hệ thống thêm 2.096 MW, 2008 là 3.721MW, 2009 là 3.393 MW, 2010 là 4.960 MW, năm 2011 là 5.401 MW, 2012 là 6.554 MW, 2013 là 7.309 MW, 2014 là 7.177 MW và 2015 là 7.722 MW.

Cũng theo Quy hoạch điện VI thì EVN là đơn vị giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện đầu tư phát triển các công trình lưới điện đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư; đầu tư các dự án nguồn điện theo nhiệm vụ được giao.

Nhưng với tình hình hiện nay hầu hết các dự án điện đang bị chậm tiến độ, không đáp ứng được yêu cầu Quy hoạch điện VI thì nguy cơ thiếu điện đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước sẽ còn kéo dài.

  • Trần Thuỷ
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,