- Một trong những tác động nhìn thấy rõ nhất của việc gia nhập WTO là năm sau hội nhập, đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào VN tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên khi tăng cường gọi vốn, VN lại quên đi phần việc quan trọng thứ hai là tạo các điều kiện để đồng vốn đó nhanh chóng đưa vào thực hiện.
ĐTNN sau WTO có tốc độ tăng trưởng vưột bậc, tuy nhiên hiệu quả triển khai vốn chưa cao. Ảnh: Đặng Vỹ |
Góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới
Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đánh giá: Hiệu quả lớn nhất là ĐTNN tham gia hầu hết vào các ngành sản xuất và dịch vụ, tác dụng tích cực trong việc chuyển đổi, cơ cấu kinh tế theo hướng CNH - HĐH. Nhiều tỉnh thuần nông trước đây như Bình Dương, Long An, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Bắc Ninh… nay đã thành những tỉnh công nghiệp.
ĐTNN đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế. Việc cải cách tư pháp, cải cách hành chính cũng được thay đổi theo hướng pháp luật ngày càng được công khai minh bạch và hướng tới nền hành chính phục vụ.
Trong quá trình triển khai vốn thực hiện các dự án, ĐTNN là kênh chuyển giao công nghệ hiệu quả nhất, là con đường ngắn nhất để VN tiếp thu, đổi mới công nghệ.
Cũng chính từ đó, đội ngũ lao động được thừa hưởng công tác đào tạo nghề, đã dần dần hình thành một đội ngũ lao động có kỹ thuật, đáp ứng cho một nền sản xuất công nghiệp đòi hỏi công nhân có tay nghề cao. Chỉ riêng 2007 các dự án ĐTNN đã giải quyết việc làm cho 16.000 lao động, là một đóng góp lớn vào giải quyết việc làm.
Đánh giá về vai trò của lĩnh vực ĐTNN, ông Phan Hữu Thắng cho rằng, ĐTNN đã góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới kinh tế, trở thành một bộ phận gắn chặt với nền kinh tế Việt Nam, đưa VN hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới.
Muốn tiếp tục gọi vốn, VN cần phải còn nỗ lực trong nhiều lĩnh vực như xây dựng CSHT, mich bạch pháp luật, cải cách hành chính, công bố các điều kiện đầu tư... Ảnh: Website của Cục ĐTNN (Bộ KH-ĐT) |
Mất cân đối trong đầu tư
Sau ngày gia nhập WTO, ĐTNN có sự tăng tốc vượt bậc. Trong vòng một năm 2007, ĐTNN đã đăng ký vào VN 21,3 tỷ USD. Thu hút tăng 77,5% so với năm 2006 (12 tỷ USD) và tăng 22,4% so với tổng vốn ĐTNN 5 năm 2001-2005 cộng lại (18,5 tỷ USD). Kết quả này là thắng lợi của hoạt động kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên trong công tác gọi vốn, vẫn còn những hạn chế.
Theo ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Đầu tư nước ngoài phía Nam, hiện các lĩnh vực mà VN khuyến khích như xử lý môi trường, sản xuất thiết bị công nghệ cao, hàm lượng giá trị gia tăng cao, vật liệu mới, đầu tư hạ tầng… vẫn chưa được các DN nước ngoài mặn mà. Hầu hết DNNN đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất hay dịch vụ có sản phẩm sản xuất nhanh hoặc dịch vụ nhanh có lãi như bất động sản, du lịch, viễn thông...
Vào tháng 9/2007, Chính phủ công bố danh mục các dự án cấp quốc gia kêu gọi ĐTNN, trong đó phần lớn là các dự án cơ sở hạ tầng, tuy nhiên chưa có dự án nào được DNNN đăng ký. Trong khi đó, hầu hết các dự án đổ vào bất động sản, du lịch.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ở TP.HCM, năm 2007 vốn ĐTNN đăng ký 2,9 tỷ, nhưng 85% đã rót vào bất động sản. 4 tháng đầu năm 2008 TP.HCM thu hút 2,15 tỷ USD, nhưng trong số đõ cũng trên 1 tỷ rót vào BĐS và dịch vụ khác. Mặc dù theo cơ cấu kinh tế TP.HCM tương lai là thành phố thương mại và dịch vụ, song việc đầu tư quá chênh lệch vào một lĩnh vực cũng gây ra mất cân trong cơ cấu nền kinh tế. Đầu tư vào địa ốc, khu du lịch quá lớn, là yếu tố làm thu hẹp đất nông nghiệp.
Giải ngân kém
Năm 2007, vốn đăng ký ĐTNN 21,3 tỷ USD, tuy nhiên vốn thực hiện chỉ hơn 8 tỷ. Đây là là một yếu kém trong việc đưa đồng vốn vào thực hiện.
Theo ông Nguyễn Nam Hưng, việc giải ngân của dự án thông thường được thực hiện từng giai đoạn theo các bước của lộ trình triển khai dự án. Vì vậy không phải sau khi cấp phép là đưa toàn bộ vào thực hiện. Bên cạnh đó có thể một phần do suy thoái kinh tế, nên tiến độ triển khai dự án và giải ngân cũng sẽ bị chậm lại.
Tuy nhiên lãnh đạo này cũng thừa nhận rằng mức giải ngân trên dưới 8 tỷ USD là còn thấp, và việc này vẫn có những lý do chủ quan từ trong nước.
Mặt bằng là một trong những yếu tố làm chậm giải ngân. “Nhiều khi tất cả mọi việc đã sẵn sàng, chỉ duy nhất một việc không thể thực hiện được là công việc… khởi công nhà máy” - lãnh đạo nói.
Theo ông Nguyễn Nam Hưng, nếu là dự án nằm ngoài khu công nghiệp, có thể sẽ sẽ còn vướng thêm những vấn đề khác như quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, hoặc các thủ tục khác như giấy phép xây dựng, những rắc rối từ chính quyền địa phương…
Thủ tục hành chính là một trong những nguyên nhân cản ngại. Theo một cán bộ quản lý trong lĩnh vực các dự án đầu tư nước ngoài, không phải dự án được cấp phép là mọi việc tiếp theo thuộc toàn quyền của nhà đầu tư. Trong cuộc họp vào tháng Tư mới đây, các DN vẫn còn than thở rất nhiều về những phiền hà rắc rối trong thủ tục hành chính, thủ tục hải quan và thuế.
Những vướng mắc trên cũng chính là những điều cần phải dỡ bỏ nếu thời gian tới VN muốn tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi ĐTNN. Cục ĐTNN xác định những việc trước mắt tới đây phải làm là nhanh chóng và đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, minh bạch hóa thủ tục, chỉnh sửa luật, tích cực cải cách hành chính. Bên cạnh đó, có những lĩnh vực được VN xếp vào nhóm đầu tư có điều kiện, theo yêu cầu của các DNNN, Nhà nước và Chính phủ VN cần sớm ban hành các điều kiện để nhà đầu tư tìm hiểu đáp ứng.
-
Đặng VỹÝ kiến bạn đọc: