- Mặc dù Hiệp hội Thép Việt Nam khẳng định giá thép sẽ ổn định đến hết tháng 7/2008, các doanh nghiệp đang xuất khẩu phôi, nhưng lại có cảnh báo quý IV có thể thiếu phôi.
Báo động tình trạng xuất khẩu phôi thép Theo một số DN thì có trên 120.000 tấn phôi thép đã được ký hợp đồng xuất khẩu và con số này chưa dừng lại tại đây. Các DN xuất khẩu phôi thép cho biết họ vẫn vừa ký vừa nghe ngóng vì giá phôi tăng từng ngày. Công ty Gang thép Vạn Lợi cho biết, vẫn đang tiếp tục ký hợp đồng xuất khẩu phôi thép, với giá xuất khẩu hiện nay lên trên 1.000 USD/tấn.
Bộ Công thương cho biết, tình trạng xuất khẩu phôi thép từ đầu năm đến nay đã ở mức đáng báo động với hơn 100.000 tấn chủ yếu xuất sang Hàn Quốc, Malaysia và Thái Lan. Trong số này có 26.000 tấn là tái xuất khi hàng chưa về tới cảng, còn lại là do doanh nghiệp đã nhập trước hay sản xuất ra rồi xuất khẩu.
Để hạn chế xuất khẩu phôi thép, Bộ Công thương dự kiến trình Chính phủ nâng thuế suất xuất khẩu phôi thép tối đa và có thể áp dụng mức 10% (hiện nay thuế suất là 2%). Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, Bộ Công thương cho rằng chưa cần thiết áp dụng và cần phải theo dõi tiếp.
Nhập phôi thì lỗ, xuất khẩu phôi thì lãi?
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, nếu tính theo giá phôi nhập khẩu hiện tại thì các doanh nghiệp vẫn thua lỗ. Hiện giá thép bán ra của các DN chỉ tương đương với giá phôi mức dưới 1.000 USD/tấn. Như vậy số tiền bán thép thu về sẽ không đủ để tiếp tục nhập khẩu phôi thép. Lượng phôi thép trong nước còn có thể sử dụng đủ hết quý III/2008 nhưng sang quý IV chắc thiếu.
Tuy nhiên, các DN sản xuất phôi thép lại cho biết, giá phôi xuất khẩu của họ vẫn thấp hơn giá phôi chào bán của nước ngoài nhưng các DN thép Việt Nam không mua. Đầu ra trong nước không có nên mới phải xuất khẩu. Theo các DN, nếu không xuất khẩu chỉ còn cách ngừng sản xuất vì vậy xuất khẩu phôi thép là tất yếu. Với giá xuất khẩu trên 1.000USD/tấn thì DN sản xuất phôi vẫn đang có lãi.
Sản xuất thép tại Công ty thép Việt - Úc. (Ảnh minh hoạ) |
Hiện số lượng phôi thép nhập khẩu về đang tồn đọng lớn. Theo Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp sản xuất thép đã nhập 1,778 triệu tấn phôi thép trong 5 tháng đầu năm 2008, trị giá 1,248 tỉ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ. Với lượng phôi nhập khẩu nói trên cộng lượng phôi còn dự trữ của các doanh nghiệp trước đó, thì phôi đang tồn đọng lớn, trong khi tiêu thụ thép đang giảm mạnh vì đây là mùa mưa. Dự kiến trong tháng 6/2008, lượng thép tiêu thụ chỉ đạt khoảng 260.000 tấn.
Hiện giá thép phế liệu nhập khẩu cũng đã tăng cao. Một DN nhập khẩu thép phế liệu cho biết giá bán của họ cho DN sản xuất phôi tại Việt Nam là 660 USD/tấn, nhưng đã có DN phải mua với giá 700 USD/tấn và mức giá này được dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Doanh nghiệp không nghe Hiệp hội
Mặc dù Hiệp hội Thép khẳng định sẽ ổn định giá thép đến hết tháng 7/2008, một số DN phía Nam đã tăng giá thép thêm từ 200.000-300.000 đồng/tấn. Cụ thể, giá thép cuộn của Vina Kyoei là 16,35-16,55 triệu đồng/tấn, thép cây khoảng 16,57 triệu đồng/tấn. Còn thép cuộn của Pomina khoảng 16,426 triệu đồng/tấn và thép cây là 16,701 triệu đồng/tấn.
Các DN khác tuy chưa tăng giá bán nhưng tỏ ra rất lo ngại khi giá phôi thép trên thị trường thế giới đang tăng mạnh. Hiện nay giá phôi thép DN nước ngoài chào bán cho DN Việt Nam là 1.180 USD/tấn, cùng với tỷ giá USD so với VND tăng cao sẽ khiến cho giá bán thép hiện nay không đủ chi phí cho nhập khẩu phôi thép, đảm bảo sản xuất trong thời gian tới.
-
Trần Thuỷ