- Bên lề Diễn đàn Các thị trường mới nổi, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á ADB, ông Ayumi Konishi khuyến nghị VN cần tăng lãi suất cao hơn nữa để chống lạm phát. Lãi suất sẽ cần phải tăng thêm, bởi vì chính sách thắt chặt tiền tệ cần được tiếp tục triển khai. Nhìn vào lãi suất hiện nay, mọi người đánh giá là tương đối cao, tuy nhiên, lạm phát còn cao hơn lãi suất. Những người đem tiền gửi vào ngân hàng trên thực tế đang bị mất tiền. Đó là thực tế bình thường hiện nay. Lãi suất nên được tăng thêm.
Chính phủ Việt Nam xác định chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu, do đó, áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ là lẽ đương nhiên, mà cụ thể nhất là tăng lãi suất.
Ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á ADB
Tuy nhiên chỉ riêng việc tăng lãi suất không giải quyết được vấn đề lạm phát. Chính sách này phải đi liền với chính sách tài khóa thắt chặt, và việc giám sát chặt chẽ thị trường để đảm bảo không ai đầu cơ, lách luật.
Hiện nay, giá cả một số mặt hàng đã bắt đầu có dấu hiệu giảm nhẹ, trong đó có giá gạo nhờ được mùa. Với những dấu hiệu tích cực đó, từng bước, áp lực đối với lạm phát sẽ giảm đi. Tuy nhiên, để ngăn chặn và đẩy lùi lạm phát sẽ cần thời gian.
- Nhưng các DN nói rằng bản thân họ không thể gánh được lãi suất vay cao như hiện nay, thậm chí, mức lợi nhuận thu về thấp hơn mức lãi suất vay?
Cần phải nhìn rõ các DN đó là những ai. Ở VN hiện nay, có bao nhiêu phần trăm DN tiếp cận với ngân hàng để vay vốn kinh doanh. Họ chỉ là một nhóm nhỏ thiểu số, không phải là toàn bộ ngành sản xuất, vì thế, lãi suất cao không phải là vấn đề.
- Trong phiên thảo luận về các thị trường tài chính ASEAN, một đại biểu cho rằng, vấn đề của Việt Nam không nằm ở việc cần tăng lãi suất tiền vay mà quan trọng hơn là tăng sự linh hoạt của tiền đồng, giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Ông nghĩ sao?
Chính sách tỉ giá hối đoái trong trung hạn, như đánh giá của IMF và các nhà tài trợ khác, sẽ cần được cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn. Trong ngắn hạn, tỷ giá chưa phải là vấn đề ưu tiên. Có rất nhiều những chỉ số phản ánh rằng tỷ giá hiện nay phản ánh giá trị tương đương của tiền đồng trên thị trường.
Nhìn vào con số tăng xuất khẩu trong mấy tháng qua, rõ ràng xuất khẩu VN vẫn tăng nhanh. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ giá vẫn đảm bảo cạnh tranh xuất khẩu của VN. Nếu như năng lực cạnh tranh xuất khẩu của đồng tiền một nước mất đi, sẽ cần phải nâng giá đồng tiền. Tỷ giá hối đoái về thực chất sẽ hỗ trợ nhiều cho xuất khẩu. Nhìn từ con số xuất khẩu, sẽ thấy rằng VN không có vấn đề về mặt tỷ giá.
Chính phủ VN đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cam kết bảo vệ và không phá giá tiền đồng. Sự điều chỉnh nếu có là cho trung hạn. Còn trong ngắn hạn, VN quyết tâm giữ vững tỷ giá hiện nay.
Những biến động thị trường gần đây chủ yếu do dự đoán của nhiều người về về việc điều chỉnh tỷ giá. Nếu Chính phủ làm rõ về xu hướng chung, chắc chắn sẽ không có những trồi sụt. Đồng thời, Chính phủ, NHNN công bố dự trữ ngoại hối, (20,7 tỷ USD) sẽ là những động thái tốt để bảo đảm tỷ giá ở mức hiện nay. Đó là thông điệp quan trọng vào thời điểm này.
-
Phương Loan
Ý kiến bạn đọc: