- Theo ông Hoàng Kim Giao – Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, nhập bột xương thịt động vật nhai lại từ các khu vực có dịch bệnh vào VN làm thức ăn chăn nuôi tuy đã bị nghiêm cấm nhưng việc quản lý vẫn rất phức tạp.
Ông Hoàng Kim Giao - Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ NN & PTNT - Ảnh: N.N |
Ông Giao nhấn mạnh, vấn đề nhập khẩu bột xương thịt động vật nhai lại nói chung và bột xương thịt bò nói riêng từ những nước, khu vực có bệnh bò điên là không được phép. Tuy nhiên, bằng nhiều chiêu thức khác nhau của nhà sản xuất, cung cấp từ nước ngoài nên quản lý vấn đề này hiện rất phức tạp.
Chẳng hạn, khu vực A không được nhập, nhưng họ lại chuyển sang khu vực B là được nhập, thông qua đó về VN, hoặc nhà sản xuất cố tình làm “mập mờ”, trộn lẫn bột xương thịt bò (từ những khu vực cấm nhập) vào bột xương thịt lợn, gà - loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi được phép nhập, rồi chỉ khai báo là bột xương thịt lợn, gà...
Cho nên, cái quan trọng là nguồn nhập ở đâu và kiểm dịch thế nào, bởi nếu thức ăn chăn nuôi có chứa ADN của những con bò bị bệnh sẽ là mầm mống trực tiếp gây ra sự mất thăng bằng về thần kinh, dẫn tới tử vong ở vật nuôi và lâu dài là con người - ông Giao khẳng định.
Được biết, nguồn thức ăn chăn nuôi trong nước nói chung mới đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu, còn lại là phải nhập khẩu. Trong đó, loại thức ăn giàu năng lượng có nguồn gốc từ tinh bột như ngô, sắn, bột mỳ... VN chỉ phải nhập khoảng 20–30% thì loại thức ăn giàu đạm, gồm bột xương thịt, khô đậu nành, bột cá... thường phải nhập từ 70–80%.
Với tình hình giá khô đậu đang lên cao hiện nay, nhu cầu nhập khẩu bột thịt xương - một nguồn thay thế cho đạm, tạo sự bổ dưỡng cho thức ăn, của các nhà chăn nuôi ngày càng gia tăng. Ở một góc độ nào đó, nếu không quản lý chặt chẽ nó sẽ tạo cơ hội để các nguyên liệu cấm nhập khẩu này “chảy” vào VN dưới nhiều hình thức.
Một điều đáng lưu ý khác là việc kiểm tra các lô hàng bột xương nhập khẩu hiện nay vẫn chủ yếu dựa trên việc xem xét các giấy tờ nhập khẩu, nguồn gốc, chủng loại hàng... có hợp lý hay không. Còn để chắc chắn là có lẫn phụ phẩm từ bò (từ các nước có nguồn bệnh bò điên) hay không thì phải qua giám định ADN. Mà đến nay VN mới chỉ có Phòng Sinh học Phân tử (thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) là được phép giám định ADN từ bột xương với thời gian tối thiểu 1 tuần lễ/1 mẫu.
Kiểm dịch thực phẩm nhập khẩu gần như... bỏ ngỏ?
Để thực phẩm nhập khẩu an toàn đến tay người tiêu dùng vẫn khó quá? (Ảnh minh hoạ - N.N) |
Không chỉ có nhiều khó khăn trong kiểm dịch bột xương bò xuất xứ từ những nước có bệnh bò điên trong thức ăn chăn nuôi mà ngay cả việc kiểm dịch thực phẩm nhập khẩu vào nước ta từ khu vực này cũng còn không ít bất cập.
Ông Phạm Ngọc Tống – GĐ Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế Hà Nội, đơn vị làm nhiệm vụ kiểm dịch tất cả các đối tượng nhập cảnh là người, phương tiện, vật thể nhập khẩu có nguy cơ mang mầm bệnh vào VN chỉ ra rằng, cho đến nay chúng ta vẫn chưa có văn bản, khung pháp lý vững chắc để làm, đặc biệt là vấn đề thực phẩm.
“Các văn bản pháp luật về kiểm dịch thực phẩm hiện nay rất chung chung. Nếu DN cãi thì hải quan cũng chịu, cũng phải cho thông quan. Cho nên, vấn đề trên đang gần như bị bỏ ngỏ, có làm cũng không đến nơi đến chốn”.
Ông Tống khẳng định như vậy và dẫn chứng: Nhiều khi DN nhập khẩu thực phẩm về, họ báo với Viện Dinh dưỡng và lấy một mẫu đem tới kiểm tra nhưng thực tế không ai biết mẫu đó lấy ở đâu, thời điểm nào...!?
Theo ông Tống, vấn đề kiểm dịch thực phẩm, nhất là những loại có nguồn gốc từ các nước có dịch bệnh kể trên là rất đáng quan tâm. Các trung tâm kiểm dịch cũng đã đề xuất nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản pháp lý – cây gậy nào đủ mạnh.
-
Nguyễn Nga