- Các DN xuất khẩu đều bày tỏ lạc quan về khả năng xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm 2008 do các đơn hàng về nhiều. Tuy nhiên, lại vấp phải khó khăn là thiếu vốn và liên tục bị cắt điện. Nếu hai vấn đề này không được giải quyết thì cơ hội và kế hoạch xuất khẩu khó thành hiện thực.
Các nhà nhập khẩu đang đổ về Việt Nam
Mặc dù nền kinh tế thế giới đang có nhiều khó khăn, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đang có dấu hiệu suy giảm. Tuy nhiên, tại cuộc giao ban về xuất khẩu mới đây tại Bộ Công thương, thị trường xuất khẩu không phải là vấn đề đáng ngại nhất của DN hiện nay. Thậm chí, trong khó khăn chung, các DN Việt Nam vẫn tìm thấy những cơ hội rất khả quan.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay ngành gỗ đang có những thuận lợi khi một số khách hàng châu Âu và Mỹ có xu hướng chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trung Quốc có kim ngạch xuất khẩu gỗ khoảng 20 tỷ USD mà Việt Nam chỉ có 2,5 tỷ USD. Chỉ cần 1 tỷ USD đơn hàng chuyển sang Việt Nam thì không lo việc làm. Bên cạnh đó, hiện nay, việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu do nhu cầu nhiều nước giảm vì bị khủng hoảng kinh tế cũng là thuận lợi cho DN chế biến đồ gỗ Việt Nam.
Xuất khẩu không lo thiếu đơn hàng. (Ảnh: minhhoa)
Mục tiêu xuất khẩu 3 tỷ USD thậm chí cao hơn trong năm nay là không có gì đang lo lắm. Ông Thắng khẳng định.
Đại diện một nhóm hàng chủ lực khác là da giày, ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da giày cho biết, mục tiêu xuất khẩu 4,5 tỷ hoàn toàn có thể đạt và vượt. Hiện các đơn hàng đang đổ về rất nhiều chỉ sợ chúng ta không đủ năng lực cung cấp. Cùng với nhận định như trên, đại diện 2 mặt hàng nông sản có kim ngạch cao là cà phê và hạt điều đều tin rằng, khả năng xuất khẩu giá cao là rất hiện thực và không có gì đáng lo ngại về việc thực hiện kế hoạch xuất khẩu năm 2008.
Cung cấp những thông tin mang tín hiệu khả quan, ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản khẳng định. Các DN thuỷ sản sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu năm nay. Vấn đề chúng tôi cần hiện nay là những chính sách hỗ trợ thật cụ thể, đừng dừng lại ở những giải pháp chung chung. Được biết, dự kiến xuất khẩu thủy sản cả năm 2008 là 4,25 tỷ USD, trong đó 6 tháng đã xuất gần 2 tỷ USD.
Thiếu vốn: DN đề nghị tăng hạn mức tín dụng
Theo ông Thắng, một trong những khó khăn khiến chi phí DN tăng cao hiện nay là khó vay vốn và lãi suất ngân hàng quá cao. Ông Thắng cho biết, thực tế không phải ngân hàng hết vốn cho vay mà họ đang bị khống chế bởi mức tăng trưởng tín dụng 30%. Bên cạnh đó, quyết định của Ngân hàng Nhà nước không cho phép DN xuất khẩu vay ngoại tệ để chi trả cho những chi phí trong nước (QĐ 09) đã khiến các DN mất đi một cơ hội vay vốn lãi suất thấp hơn. Tại sao DN nhập khẩu được vay ngoại tệ mà DN xuất khẩu, người mang ngoại tệ về cho đất nước lại không được vay?
Vì vậy, ông Thắng đề xuất, cần nhanh chóng tạo nguồn vốn cho xuất khẩu mà biện pháp tốt nhất là đừng nên quá khắt khe với hạm mức tín dụng 30%. Cái này có thể nới lỏng đối với từng DN, từng mặt hàng...
Cần tăng vốn cho các DN sản xuất. (Ảnh: minh họa)
Ông Nguyễn Hữu Dũng thì khá bức xúc khi đặt thẳng vấn đề, DN xuất khẩu hiện thiếu vốn trầm trọng là do lãi suất quá cao.
Cần phải thay đổi QĐ 09, cần phải coi DN xuất khẩu tất yếu được vay ngoại tệ, tại sao DN nhập khẩu được vay mà DN xuất khẩu lại không? Bên cạnh đó, việc khống chế tăng trưởng tín dụng 30% cần có địa chỉ, không thể dàn đều đối với mọi DN và mọ ngành hàng. Có thể giảm chứng khoán, nhà đất nhưng khối sản xuất và xuất khẩu cần được tăng lên. Ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng có ý kiến, Ngân hàng Nhà nước không nên cứng nhắc về vấn đề tỷ giá. Chúng ta cần nâng dần tỷ giá lên sát với tỷ giá thực trên thị trường. Nếu tỷ giá chưa thể nâng ngay thì có thể mở biên độ lên 5%. Chỉ có như thế mới giải quyết được vấn đề ngoại tệ cho DN, có lợi cho xuất khẩu, đồng thời đồng tỷ giá cao cũng sẽ hạn chế nhập khẩu.
Tại buổi giao ban xuất khẩu mới đây, vấn đề khó khăn về vốn được hầu hết các DN đồng tình và cho là một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay cần tháo gỡ. Nếu không việc thiếu vốn, vay vốn lãi suất cao sẽ khiến các DN chi phí, mất sức cạnh trạnh trên thị trường. Ông Nguyễn Đức Thanh - Quyền Chủ tịch Hiệp hội Điều cho rằng, DN đã không còn khả năng giảm chi phí hơn nữa, cách tốt nhất là giảm lãi suất cho vay.
Phản ánh về khó khăn và chí phí giao thông quá lớn, ông Nguyễn Hữu Dũng nói:" Tôi muốn Thủ tướng đi ô tô một lần từ Bắc vào Nam để biết hết thực tế giao thông thế nào. Những gì khó khăn mà DN giao thông đang gánh chịu rồi cũng đổ lên DN sản xuất và xuất khẩu. Tất cả những chi phí đó sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Ông Nguyễn Chiến Thắng cho biết, chi phí sản xuất của DN đã tăng cao đến 15 - 20% trong khi giá xuất khẩu chỉ được chấp nhận tăng 5 - 12%. DN đang ở trong thế giằng co, ký thì lỗ mà không ký thì mất khách hàng. Chí phí tăng là do lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, theo ông Thắng, các nước cũng ở trong hoàn cảnh giá cả như mình nhưng họ chỉ lạm phát 5 - 10%; Việt Nam lên đến 20% là do những nội tại của nước ta. Điều này khiến cho sức cạnh tranh của DN giảm trên thị trường quốc tế.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Ngân hàng Nhà nước ông Cáp Quang Dương cho rằng, việc khống chế mức tăng trưởng tín dụng là 30% đã có từ đầu năm. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước không giao chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể cho từng Tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn chỉ đạo các tổ chức tín dụng đáp ứng đủ vốn cho sản xuất và xuất khẩu. Việc hỗ trợ cá tra và basa là 1 ví dụ.
Riêng về nâng hạn mức tín dụng lên 40% cá nhân tôi ủng hộ và cho là hợp lý vì đến nay đã tăng khoảng 20% rồi thì cả năm tăng 40% cũng là bình thường. Các ngân hàng tất nhiên không cào bằng con số 30%, DN nào uy tín, kinh doanh hiệu quả sẽ được nâng hạn mức là bình thường. Ông Dương nói.
Riêng về QĐ 09, ông Dương bày tỏ quan điểm, nước nào cùng ưu tiên sử dụng đồng nội tệ, không khuyến khích sử dụng ngoại tệ chỉ khi cần mới đáp ứng. Như thế, không thể cho vay ngoại tệ.
Cắt điện "bất tử": DN chết
Tình trạng thiếu điện tiếp tục được các DN phản ánh rất gay gắt. Ông Nguyễn Đức Thuấn đã miêu tả tình trạng DN đang gánh chịu là cắt điện "bất tử". DN đang làm việc thì bất ngờ bị cắt điện mà không thông báo trước, cả một dây chuyền hàng ngàn công nhân ngồi chờ mà DN phải trả lương. Đối với DN da giày, thiệt hại chưa lớn nhưng các DN khác thì có khi phải bỏ cả mẻ sản phẩm. Mỗi tháng mà có 4 ngày trả lương nhưng không có điện để làm chắc DN chết. Điện còn thiếu thì chấp nhận cắt nhưng cần có lịch cúp điện chủ động và khi có phải đảm bảo chất lượng.
Thiếu điện, mọi kế hoạch sản xuất - xuất khẩu đều đỗ vỡ. (Ảnh: minh hoa)
Ông Nguyễn Hữu Dũng thì dùng từ "kinh khủng" để diễn tả tình trạng thiếu điện và chất lượng cũng cấp điện quá kém trong thời gian qua. Chất lượng điện quá kém, một ngày làm việc mà điện nhảy đến 10 lần thì còn làm ăn gì. Các nhà máy chế biến thủy sản mới phát huy được 50% công suất còn một nguyên nhân là do thiếu điện.
Ngành điện xin lỗi thì không giải quyết được vấn đề gì, không thể xin lỗi mà mà giải quyết được khó khăn cho DN. Nếu điện thế này thì đừng nói gì đến sản xuất và xuất khẩu. Ông Dũng bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND Tp Hồ Chí Minh cho rằng, cách xử lý của ngành điện là chưa thỏa đáng, chưa thấy rõ trách nhiệm trước người dân và DN. Ngành điện cần nhìn ngành ngân hàng trong việc thực thi kỷ luật. Trong hoàn cảnh này, việc làm mạnh tay như thế là cần thiết.
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Xuân Khu cho rằng, ngành điện cần cố gắng hết sức để đảm bảo điện cho sản xuất. Ít nhất là phải cắt điện có báo trước để DN chủ động. Bộ Công thương sẽ kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm những hiện tượng gây bức xúc này
-
Phước Hà