221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1088480
EVN: sẽ xin lỗi khách hàng liên miên?
1
Article
null
EVN: sẽ xin lỗi khách hàng liên miên?
,

 - Từ đầu năm 2008 đến nay điện thiếu liên miên, từ Tổng Giám đốc đến Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã không ít lần công khai xin lỗi khách hàng sử dụng điện vì lý do thiếu điện và cắt điện. Nhưng xin lỗi để làm gì khi mà trước đó EVN đã hành xử thiếu trách nhiệm và không có động thái gì cải thiện tình hình.

Trong hơn 1 tuần qua tại các cuộc họp giao ban của Bộ Công thương, không ít các DN, Giám đốc Sở Công thương các địa phương đều kêu than về hiện tượng điện dành cho sản xuất bị cắt liên miên, bừa bãi và không hề có báo trước.

"Sống chết mặc bay"

Nhiều DN đã "sống dở chết dở" về cách hành xử không báo trước này của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Sau đây là một ví dụ: Công ty CP gạch men Anh Em, đóng tại Khu CN Bắc Chu Lai thuộc Khu KTM Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, cho biết, DN đã thiệt hại gần 3 tỉ đồng vì 4 lần bị cắt điện bất thần không được thông báo trước từ 20/5 tới nay.

Ngày 20/5 điện bị cắt đột ngột từ 8-11 giờ sáng. Ngay sau đó, Công ty đã gửi văn bản đến Chi nhánh Điện lực Núi Thành, đề nghị khi cắt điện cần thông báo trước, với các số máy điện thoại cụ thể của Công ty, để Công ty có kế hoạch xử lý, tránh thiệt hại. Thế nhưng, bất chấp ý kiến chính đáng của khách hàng, ngày 21/6, điện lại đột ngột bị cắt 20 phút như cảnh báo, để rồi sang ngày 22/6 tiếp tục cắt điện từ 5-17giờ chiều mà không hề có một lời thông báo, kể cả bằng điện thoại. Tiếp đến, ngày 30/6, điện lại cắt từ 14giờ-14giờ30 phút chiều.

 

Từ đầu năm 2008 đến nay, cả nước thiếu điện liên miên. 
(Ảnh minh hoạ - Phạm Hải)

Mỗi khi gặp sự cố mất điện, nhà máy gạch men phải ngừng hoạt động, toàn bộ hệ thống con lăn bị hư hỏng, muốn thay thế phải mua từ nước ngoài bằng ngoại tệ, vì vật tư này trong nước chưa sản xuất được. Toàn bộ sản phẩm chuẩn bị ra lò bị hư hỏng, vỡ nát vì các bể chứa nguyên liệu gồm đất sét, chất phụ gia nếu không được môtơ quấy đảo thường xuyên sẽ bị chết cứng, DN cũng "chết" theo. Chưa kể hàng trăm công nhân nghỉ việc, nhưng Công ty vẫn phải trả lương. Quá bức xúc, Công ty CP gạch men Anh Em phải gửi văn bản "kêu cứu" đến UBND tỉnh Quang Nam.

Còn nhiều DN khác ở các địa phương từ Sóc Trăng, Đồng Nai, Thanh Hoá, Thái Nguyên, Hải Phòng đều chịu chung cảnh ngộ như trên và hậu quả là các dây chuyền sản xuất ngừng đột ngột gây thiệt hại khôn lường cho họ mà không biết kêu ai.

Các DN chỉ mong muốn rằng có cắt điện hãy báo trước để họ chủ động tránh thiệt hại. Chỉ một mong muốn chính đáng đó (có ghi trong hợp đồng cung cấp điện) nhưng cũng không được EVN đáp ứng.

Đại diện một DN thép chua chát, chúng tôi nghe lời xin lỗi của họ mà thấy nhói đau trong lòng. Cả một mẻ thép đang cán phụt một cái điện tắt thế là đông cứng hết lại phải mất nhiều giờ đồng hồ để cắt dỡ phế phẩm, làm vệ sinh máy... tốn kém hàng tỷ đồng vậy mà chỉ nhận được một lời xin lỗi.

Điện mất, DN thiệt hại là điều chắc chắn, nhưng với EVN có khi ngược lại. Bởi giảm tiêu thụ điện nghĩa là EVN tiết kiệm được. EVN vẫn kêu ca điện của mình làm ra thì có lãi, còn điện mua từ các nguồn phát bên ngoài thì họ phải bù lỗ. Vậy nên cắt càng nhiều sẽ càng giảm mua điện từ bên ngoài và tránh được thua lỗ. Các Nhà máy Điện Cà Mau I, II và Nhơn Trạch (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) EVN vẫn phải mua với giá  từ 6 cent (Mỹ)/Kwh trở lên trong khi bán đến người tiêu dùng chỉ 5 cent/kwh vậy nên họ sẽ giảm được lỗ nhiều khi những nhà máy này ngừng chạy.

Lỗi ở sự độc quyền

"Độc quyền" là từ được rất nhiều người sử dụng để nói về thói làm ăn tắc trách của EVN. Nhiều bạn đọc và DN cho rằng độc quyền đã dẫn đến việc EVN coi thường khách hàng. Bởi khách hàng không mua điện của họ thì cũng chẳng mua được của ai.

Chỉ có độc quyền mới có hiện tượng cắt điện đột ngột không thèm báo trước, nhưng khi điện DN sử dụng không hết công suất đăng ký thì EVN cũng doạ cắt, một DN cho biết. Độc quyền nên EVN muốn làm gì thì làm để mặc cho khách hàng khổ sở thua thiệt còn mình thì vô can.

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội đầu tư năng lượng Việt Nam, nguyên Phó TGĐ Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, trong một lần trả lời báo chí đã nói: Tôi đã nhiều lần đề xuất Chính phủ tháo gỡ vấn đề độc quyền của EVN. Chỉ nên để EVN là một hộ sản xuất điện như các hộ khác. Cụ thể, EVN chỉ nên nắm một khâu nguồn thôi, còn về truyền tải điện năng, cần thành lập một tổng công ty truyền tải độc lập với EVN và với tất cả các nhà đầu tư sản xuất ra điện khác. Thực tế EVN vẫn muốn độc quyền như thế thì rất thoải mái, không ai xâm phạm, "một mảnh trời riêng" muốn làm gì thì làm. Phá bỏ thế độc quyền của EVN hiện nay sẽ đem lại lợi ích lớn cho nền kinh tế. Nếu để chậm ngày nào thì người dân khổ ngày ấy.

Ông Ngãi còn cho biết, để độc quyền, nguồn vốn tập trung cho EVN hết sẽ  kéo theo tiến độ xây dựng nhà máy điện bị chậm và đầu mối ấy không đủ sức gánh. Điều này hoàn toàn đúng.

Sự chậm trễ trong việc xây dựng các nhà máy điện là nguyên nhân chính gây nên tình trạng hệ thống thiếu dự phòng và không đáp ứng đủ điện. Sự chậm trễ này là "căn bệnh kinh niên" của ngành điện. Cho đến nay hầu hết các nhà máy điện đều không hoàn thành đúng tiến độ. Nhà máy chậm ít thì 6 tháng nhiều thì tới 3 năm. Chính điều này đã làm cho tổng công suất điện tăng thêm không đáng kể trong thời gian qua.

Từ năm 1996 đến nay, Việt Nam đã có 2 Tổng sơ đồ phát triển điện lực (1996-2000 có xét triển vọng đến 2010 và 2001-2010 có xét triển vọng đến 2020) gọi tắt là tổng sơ đồ điện IV và V. Các Tổng sơ đồ cũng đã  tính toán về công suất tăng thêm đến 2010 tổng công suất các nhà máy điện của Việt Nam sẽ đạt khoảng 19.000 MW, không kể các nhà máy điện sẽ thanh lý trong quá trình phát triển, trong đó công suất thuỷ điện chiếm 47% (9.000MW), công suất nhiệt điện và tua bin khí phủ đỉnh chiếm 53%.

Vậy nhưng suốt từ 1996 đến nay cả nước mới đạt tổng công suất đặt của toàn hệ thống là 12.800 MW (năm 1996 tổng công suất đặt là 4.435 MW) như vậy trong vòng hơn 10 năm mới tăng thêm 8.000MW. Cả 2 Tổng sơ đồ IV và V đến nay đều không thực hiện xong dẫn đến điện thiếu liên miên.

EVN thì đang coi đây là lý do khách quan để biện minh cho chuyện thiếu điện. Là cơ quan thực hiện các Tổng sơ đồ điện nhưng không hoàn thành, đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan vậy thì từ nay EVN sẽ còn phải xin lỗi khách hàng liên miên. Nhưng suy cho cùng dù có xin lỗi bao nhiêu lần đi nữa thì EVN cũng chẳng thiệt hại gì. 

  • Trần Thuỷ

Ý kiến bạn đọc:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,