- Sau một thời gian bù lỗ để ổn định giá xăng dầu và khi lạm phát có dấu hiệu ổn định, đi xuống thì Chính phủ đã quyết định tăng giá xăng dầu. Quyết định tăng giá xăng dầu lần này là bất khả kháng khi con số bù lỗ của ngân sách ngày càng lớn, còn giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ngân sách hết chịu nổi bù lỗ giá xăng dầu, tăng giá là bất khả kháng. (Ảnh: Phước Hà)
Hơn 30% nguồn thu nội địa bù lỗ xăng dầu
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải Hệ thống giá cả trong nước vẫn mang tính bao cấp rất lớn. Đây là một nguyên nhân làm cho nước ta bị tác động lớn hơn các nước. Vì thế, chúng ta thực hiện kiềm chế lạm phát nhưng vẫn phải điều chỉnh giá cả theo cơ chế thị trường. Tất nhiên, việc điều chỉnh không thể thực hiện một lúc mà điều chỉnh phải đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Đây là một bài toán khó. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục duy trì bao cấp giá cả sẽ tiếp tục có các yếu tố bóp méo thị trường, điều này khiến cho cơ cấu và thói quen tiêu dùng có nhiều điểm không tốt. |
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, việc điều chỉnh giá xăng dầu lần này trước hết là do sự biến động giá dầu thô thế giới. Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng và liên tục lập kỷ lục mới. Những ngày đầu tháng 7/2008 đã đạt mức 140 USD/thùng và có ngày tới 145 USD/thùng. Một vài ngày gần đây, tuy giá có giảm nhưng chưa rõ rệt. Mức giá bình quân của nửa đầu tháng 7 đã đạt 139 USD/thùng, cao gấp 2 lần năm 2007. Giá các sản phẩm xăng dầu đều tăng cao ở mức 40% đến 160%.
Thực tế này đã buộc nhiều nước trong khu vực tăng giá bán lẻ xăng dầu. Mức giá tính theo VND với xăng hiện nay của Thái Lan là 20.220 đồng, cao hơn Việt Nam là 39%, trong khi đó, Singapore là 27.129 đồng, cao hơn Việt Nam 87%... Giá dầu diezen các nước này cũng cao hơn Việt Nam từ 50% - 70%.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, với diễn biến giá thế giới so với mức giá trong nước đã được thay đổi từ ngày 25/2 thì có sự chênh lệc quá lớn. Điều này, khiến DN kinh doanh xăng dầu chỉ trong 6 tháng đầu năm đã lỗ 14.525 tỷ đồng. Bên cạnh đó, vẫn còn khoản lỗ 7.400 tỷ đồng từ năm ngoái chưa có nguồn trang trải.
Vì vậy, nếu tiếp tục giữ giá, theo tính toán (dựa trên mức giá dầu thô bình quân 139 USD/thùng của đầu tháng 7) thì 6 tháng cuối năm lỗ cả xăng và dầu là 44.772 tỷ đồng và cả năm là 59.5129 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng, vì thế, trong các phương án tính toán của mình, Bộ Tài chính dự báo con số bù lỗ có thể sẽ từ 67.000 tỷ đồng đến 72.000 tỷ đồng tùy theo mức độ tăng giá.
Ông Ninh so sánh, thu nội địa của ngân sách là khoảng 200.000 tỷ đồng thì riêng bù lỗ xăng dầu đã chiến khoảng 1/3. Đó là chưa kể đến khoản giảm thu ngân sách 25 ngàn tỷ đồng do thuế nhập khẩu xăng dầu hiện bằng 0%. Còn nguồn tăng thu từ xuất khẩu dầu thô khoảng 40.000 tỷ thì không thể đáp ứng nổi.
Điều này dẫn đến hệ quả, ngân sách khó khăn, buôn lậu gia tăng, các DN xăng dầu thua lỗ, không có tiền thực hiện an sinh xã hội... Đặc biệt, nếu không điều chỉnh giá xăng dầu theo hướng tiếp cận giá thế giới sẽ khiến áp lực dồn sang năm 2009 làm cho điều hành giá cả thêm khó khăn, ông Ninh nói.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, cuối năm 2007 đầu 2008, chúng ta xây dựng kế hoạch dựa trên mức bình quân 64 USD/thùng. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn, mức giá này đã lạc hậu và với diễn biến phức tạp như những tháng cuối 2007 và đầu 2008 đã quá mức chịu đựng của ngân sách. Vì thế, việc điều chỉnh xăng dầu theo nguyên tắc duy trì cơ chế thị trường đối với giá xăng và tiếp tục thực hiện chia sẻ khó khăn giữa Nhà nước, DN và người dân là cần thiết.
Tăng giá: Sức ép để tiết kiệm nhiên liệu
Trao đổi về tác động của điều chỉnh giá xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tiết lộ, năm 2007 cả nước nhập khẩu khoảng 13 triệu tấn xăng dầu với kim ngạch là 7,71 tỷ USD. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm đã nhập khẩu khoảng 7,87 triệu tấn với chi phí bỏ ra là gần 7 tỷ USD, với đà này thì cả năm sẽ nhập khẩu khoảng 15,5 triệu tấn xăng dầu. Như vậy chi phí cho xăng dầu rất lớn.
Tăng giá, người tiêu dùng phải suy nghĩ hơn khi sử dụng nhiên liệu. (Ảnh: Phạm Hải) |
Nhu cầu tăng lên thì mức tiêu thụ xăng dầu cũng tăng lên là tất yếu nhưng chúng ta cần phải thực hành tiết kiệm để có một cơ cấu sử dụng xăng dầu hiệu quả so với kết quả phát triển kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm nay, kinh tế tăng trưởng chậm lại nhưng tiêu dùng xăng dầu vẫn tăng mạnh.
Theo ông Hoàng, qua khảo sát thực tế của Bộ Công thương thì sử dụng nhiên liệu xăng dầu tại các DN người tiêu dùng vẫn chưa thực sự tiết kiệm, còn có khả năng cắt giảm nhiều. Tất nhiên, sử dụng tiết kiệm nhiên liệu phải bắt đầu từ ý thức và phải trở thành một phong trào được duy trì liên tục.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho rằng, tiềm năng tiết kiệm trong DN Việt Nam vẫn còn rất lớn. Chưa so sánh với các nước phát triển mà so với các nước trong khu vực thì DN Việt Nam vẫn sử dụng nhiên liệu cao hơn 20%. Trong khi kinh tế tăng trưởng không như dự kiến thì tăng tiêu thụ xăng dầu vẫn lên mức 9 - 10%.
Chúng ta không bao giờ hết tiềm năng về tiết kiệm. Hướng đi của nhiều DN lớn trên thế giới tiếp tục đầu tư vào công nghệ để tiết kiệm cho dù là một giọt dầu nhằm nâng cao hiệu quả và tiết kiệm nhiên liệu trong sản xuất, Phó Thủ tướng gợi ý.
Lạm phát gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế, nhưng cũng qua lạm phát Việt Nam có cơ hội để điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư, cơ cấu tiền tệ... cho một sự phát triển lành mạnh và ổn định lâu dài. Nói như thế, nhưng việc tăng giá xăng dầu tất yếu sẽ khiến các DN gặp rất nhiều khó khăn tuy nhiên đây cũng chính là sức ép để DN và người tiêu dùng tăng cường ý thức và có thêm nhiều sáng tạo cho tiết kiệm tiêu dùng nhiên liệu.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, nếu tiếp tục giữ giá xăng dầu thì có nghĩa tình trạng bao cấp tràn lan tiếp tục xảy ra, thậm chí bao cấp cho cả các nước xung quanh vì buôn lậu phát triển. Trong điều kiện hội nhập, chúng ta phải chấp nhận thích ứng với cơ chế thị trường, với mặt bằng thế giới tăng cao chúng ta không thể giữ hệ thống giá biệt lập với các nước trong điều kiện nhập khẩu 100%.
Vì vậy, bên cạnh việc kêu gọi người dân và DN thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu, Chính phủ cũng thực hiện việc tiết kiệm thông qua tiết kiệm và nâng cao hiệu quả đầu tư công, cắt giảm 10% chi tiêu ngân sách hành chính trong đó có một phần lớn là chi tiêu cho xăng dầu, đồng thời thực hiện đầu tư, khuyến khích các biện pháp và sáng kiến nhằm tiết kiệm trong sử dụng nhiên liệu.
-
Phước Hà
Ý kiến bạn đọc: