- Chưa thể khẳng định thị trường ấm lên, nhưng đã có dấu hiệu chuyển động nhẹ. Giá căn hộ chung cư và nền đất dự án đã nhích lên. Số lượng giao dịch cũng đã tăng hơn trước.
Giá nhà đất có dấu hiệu tăng nhẹ, và người thu nhập không cao đang có khuynh hướng mua nhà nền đất lẻ ngoài dự án ở vùng ngoại ô. Ảnh: Đặng Vỹ |
Giá tăng nhẹ
Giám đốc Công ty Bất động sản Huỳnh Á (có văn phòng giao dịch đặt tại đường Trần Não, quận 2, TP.HCM), cho biết thị trường đã có dấu hiệu chuyển động. Rõ nhất là giá căn hộ chung cư và nền đất đã bắt đầu tăng lên so với tháng trước.
Lấy điển hình là các dự án trong khu dân cư phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2. Các dự án trong khu này trước đây đã từng đạt đỉnh 30 triệu/m2 và rớt xuống 13 triệu/m2, thì nay không kiếm được giá nền dưới 20 triệu đồng/m2 nữa.
Hiện trong khu dân cư này, chỉ còn duy nhất là dự án 143ha của Công ty Đại Dương là còn giá 13 - 15 triệu đồng/m2. Vào thời cao điểm dịp tháng 2 vừa qua, dự án này đã lên đến 28 triệu/m2, còn thời điểm đóng băng, giá thấp nhất cách đây hơn 1 tháng khoảng 12 triệu đồng/m2.
“Không còn giá như một tháng trước đây nữa, mà đã tăng lên vài triệu đồng”, ông Lâm Văn Chúc, Giám đốc Công ty Địa ốc Phúc Đức cho biết. Và hiện tất cả các dự án khu vực quận 2 đã tăng trở lại.
Như nền đất khu dân cư An Phú - An Khánh thời điểm cao nhất tháng 2/2008 có giá 45 triệu đồng/m2, tháng rồi đóng băng ở giá 21 - 23 triệu/m2, nhưng nay đã tăng và đang giữ giá 25-26 triệu/m2. Hoặc dự án Him Lam Kênh Tẻ, nhà phố đường 12m lúc cao điểm đạt đến 45 triệu/m2, sau đó rớt xuống còn 24 triệu, và này đã trở lại với giá 26 - 28 triệu đồng/m2.
Theo nhận định của ông Chúc, giá nhà đất có quan hệ mật thiết với chỉ số giao dịch của thị trường chứng khoán. Thời gian gần đây VN-Index tăng trở lại khá đều, có lúc đã tăng suốt tuần. Dấu hiệu này đưa đến nhận định tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không đến nỗi quá bi đát như lo âu trước đây, và vì vậy người ta đã có dấu hiệu đầu tư trở lại, không riêng gì bất động sản.
Người nghèo: Vùng xa, nhà nhỏ
Ông Nguyễn Thành Lâm, nhân viên một doanh nghiệp chuyên về sản xuất bao bì, cho biết ông vừa mua một căn nhà 140m2 giá 400 triệu ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn. Nhà có vị trí mặt tiền, có sân rộng 40m2, không gian thoáng đãng.
Từ Xuân Thới Thượng đi làm việc ở quận 3 khá xa, đoạn đường dài khoảng 20km, chạy xe ở TP.HCM mất khoảng một giờ đồng hồ. Ông Lâm nói rằng với túi tiền vài trăm triệu chỉ có mua nhà ở vùng ngoại ô, chấp nhận dậy sớm, đi làm sớm hơn. Để mua được căn nhà này, ông đã vay mượn 1/3 số tiền.
Cùng mua nhà với ông Lâm còn có nhiều người. Gần như có một luồng chuyển hướng từ căn hộ và nền đất sang mua nhà nhỏ, độc lập ở các vùng ngoại vi thành phố. Người mua phần lớn là cán bộ, công chức, nhân viên các doanh nghiệp, những người có mức sống vẫn còn trong diện nghèo và trên nghèo một chút.
Nam, nhân viên một ngân hàng, cho rằng với số tiền 500 - 700 triệu đồng hôm nay không còn cơ hội mua được căn hộ hay nền đất nữa. Vậy nên chỉ còn cách tốt nhất là mua nhà ở riêng lẻ các các khu vực khá xa như vùng Hóc Môn, Củ Chi, đoạn cuối của Nhà Bè, Thủ Đức…, nơi cách trung tâm TP.HCM 20 - 25km. Nam cũng vừa mua một căn nhà 75m2 ở quận Nhà Bè.
Thực ra cách này sẽ không thuận lợi cho người mua bán nhà lẫn cơ quan quản lý đô thị. Hiện tại vẫn còn một lượng lớn nhà ở TP.HCM, tuy đã lâu năm, nhưng giấy đỏ, giấy hồng vẫn chưa có, muốn mua bán bằng thủ tục đàng hoàng vẫn không được. Vậy nên việc mua bán hầu hết sang tay lẫn nhau. Và Nhà nước vừa khó quản lý, vừa thất thu từ việc chuyển nhượng.
Chưa thể khẳng định thị trường đã ấm lên |
Theo nhận định của giới kinh doanh địa ốc, dấu hiệu giá nhà đất tăng chưa đủ để khẳng định thị trường ấm lại hay đã tan băng. Bởi lẽ, tan băng hoặc ấm lên phải có hai yếu tố cùng lúc, đó là ngoài giá tăng, yếu tố quan trọng là lượng giao dịch tăng. Tuy nhiên những ngày qua, lượng giao dịch thành công vẫn chưa tăng lên. |
-
Đặng VỹÝ kiến bạn đọc: