221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1092684
Nhiều sự kiện "bom tấn" mà lượng khách du lịch tăng thấp
1
Article
null
Nhiều sự kiện 'bom tấn' mà lượng khách du lịch tăng thấp
,

 - Mặc dù có nhiều sự kiện thu hút khách du lịch quốc tế như Festival Huế, Lễ hội Du lịch Quảng Ninh, sự kiện "bom tấn" tổ chức thi Hoa hậu Hoàn vũ, song lượng khách đến VN du lịch trong 7 tháng đầu năm chỉ tăng rất hạn chế, 3,1%.

Với hy vọng kéo khách du lịch nước ngoài đến VN, những hoạt động quảng bá, thu hút khách như lễ hội du lịch Hạ Long, Festival Huế, các đoàn caraval... được tổ chức rầm rộ. Tuy nhiên, hiệu quả là bức tranh khá ảm đạm.

Theo Tổng cục Du lịch, một số thị trường trọng điểm đã giảm lượng khách đến VN, điển hình như Trung Quốc giảm 8,3%, Nhật giảm 4,2%, Hàn Quốc giảm 6,3%, Mỹ giảm 3,7%... Chỉ có khách thuộc khu vực ASEAN có sự tăng trưởng.

Giá tour tăng, khách giảm 

Đại diện một DN lữ hành bức xúc: giá tour của VN tăng vọt so với năm ngoái, các hãng nước ngoài kêu, vì họ đã quảng cáo giá tour với khách nước họ rồi, giờ thay đổi đột ngột, họ phản ứng, yêu cầu chuyển sang các đơn vị cung ứng dịch vụ khác. Gần đến ngày đón đoàn, khách sạn còn thông báo nâng giá, mà tăng luôn cả với các dịch vụ đặt trước đã thanh toán, kèm theo điều kiện nếu DN lữ hành không đồng ý thì hủy tour, chúng tôi xoay làm sao kịp? Có khách sạn còn thách thức DN lữ hành, ép chúng tôi vào cửa khó.

Cầu lớn hơn cung, DN lữ hành không có nhiều sự lựa chọn, phải chạy mướt mồ hôi để tìm khách sạn khác thay thế, nhưng rất khó tìm được phòng chất lượng và giá cả tương đương. Vì vậy nhiều khi vẫn phải chấp nhận giá cả tăng vọt bất thường. ĐIều này gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của công ty du lịch với đối tác bên ngoài.

Nếu như DN trong nước tăng giá dự phòng, bán tour giá cao hơn bình thường thì hãng nước ngoài sẽ không mua nữa, để quay sang tìm công ty khác giá rẻ hơn, hoặc chuyển tour sang các nước khác. Các hãng nước ngoài thường yêu cầu báo giá sớm để họ quảng bá. Nhưng DN cung ứng dịch vụ vận tải hành khách không cho biết giá ngay, chỉ xác nhận dịch vụ, giá cả sẽ tính ở thời điểm thực hiện tour.

Hợp đồng ký với các đơn vị vận tải rồi nhưng kèm theo đó bao giờ cũng có phụ lục hợp đồng để các hãng điều chỉnh khi muốn. Có hãng tàu thông báo tăng giá tới 3 lần trong 2 tháng, lý do là lạm phát, xăng dầu tăng giá.

Du khách nước ngoài đang tham quan Vịnh Hạ Long Việt Nam. (Ảnh minh hoạ)

Theo chị Trần Thị Huyền, cán bộ kinh doanh Công ty Du lịch Viễn Đông, giá tour trong nước tăng vọt, trong khi giá tour nội địa của các nước trong khu vực vẫn rất ổn định.

Giá tour nội địa của các nước lân cận quá rẻ. Khách ở Trung Quốc đặt một tour đi Quảng Châu -Thâm Quyến 4 ngày, ở khách sạn 3 sao, ăn uống, xe đưa đón, hướng dẫn viên... đầy đủ mà phí cũng chỉ 110USD/khách. Trong khi đó, với chi phí như vậy, khách du lịch ở VN chỉ có thể nghỉ khách sạn 2 đêm vì giá phòng khách sạn 3 sao khoảng 50-60USD/phòng/đêm. Ngoài ra không còn được hướng bất cứ dịch vụ nào khác.

Giá tour các nước lân cận rẻ vì DN lữ hành được trợ giúp từ các DN cung cấp dịch vụ. Các điểm bán hàng đều có hỗ trợ tiền tour cho các công ty lữ hành dẫn khách đến thăm quan mua sắm. Trong khi tại VN, các điểm bán hàng chỉ chia sẻ lợi nhuận với một số hướng dẫn viên và lái xe, hầu hết không có hỗ trợ cho các công ty lữ hành. “Để tránh rủi ro, chúng tôi đã phải làm việc với các DN cung cấp dịch vụ để cam kết hợp tác lâu dài, nhưng cũng chưa biết tình hình có khả thi không”, lãnh đạo một DN lữ hành nói.

Giá dịch vụ trong nước cao nên hiện nay người VN cũng chọn đi du lịch nước ngoài thay vì đi du lịch trong nước.

Giảm giá tour nhưng đã muộn?

Đến nay, khi lượng khách sụt giảm, mới có một số khách sạn giật mình nhìn lại, hạ giá, song đã muộn. Vì các DN nước ngoài thường lên kế hoạch bán tour trước cả năm, họ đã mua tour của DN rồi cân đối giá cả, sau đó sẽ quảng cáo bán tour cho khách nước họ với giá tương ứng. Biểu giá tăng vọt của năm trước và đầu năm nay sẽ ảnh hưởng kéo dài đến cả năm sau. Nên việc tăng trưởng số lượng khách sẽ không thể thay đổi ngay lập tức.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Tổng cục Du lịch, tăng trưởng khách quá thấp có nguyên nhân là giá dịch vụ du lịch tăng cao, tới 30% so với năm 2007 do giá cả thị trường và lạm phát liên tục tăng. Đặc biệt giá dịch vụ của VN còn cao hơn các nước trong khu vực.

Sự phối hợp, liên kết giữa các DN du lịch và các ngành khác chưa chặt chẽ nên dịch vụ kém đa dạng. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm không được giải quyết dứt điểm khiến chất lượng dịch vụ không đảm bảo, nhiều du khách nước ngoài e ngại khi đi tour của các DN nội. Những nguyên nhân này làm giảm sút khả năng cạnh tranh, thu hút khách du lịch của VN.

Về biện pháp đẩy mạnh thu hút khách du lịch, Tổng cục Du lịch tiếp tục thực hiện kế hoạch thẩm định, tái thẩm định khách sạn, đồng thời yêu cầu các cơ sở lưu trú du lịch trong nước phải đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống các tệ nạn.

Ngoài ra, Tổng cục sẽ tổ chức gặp gỡ 100 hãng lữ hành thuộc Hiệp hội Các nhà quản lý lữ hành quốc tế, nhằm thúc đẩy, tăng cường quảng bá cho du lịch VN.

Điều đáng nói, để hút khách du lịch trong thời buổi lạm phát tăng cao như hiện nay, giải pháp cơ bản là giảm giá dịch vụ, nâng cao chất lượng tour, để tăng sức cạnh tranh với các nước trong khu vực, thì không thấy các quan chức Tổng cục Du lịch đề cập đến. 

  • Hương Giang
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,