- VN dự kiến xuất 400.000 tấn gạo trong tháng 8. So với mức 1.100 – 1.200 USD/tấn gạo thời điểm tháng 4, 5 thì với mức 600 – 700 USD/tấn hiện nay, VN đã thiệt mất 200 triệu USD. Trao đổi với VietNamNet, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho đó là "bài học đáng tiếc" của VN.
Lịch sử lặp lại
- Năng suất lúa hè thu vùng ĐBSCL chưa năm nào cao như năm nay nhưng bà con nông dân lại như “ngồi trên đống lửa” khi giá bán đang xuống thấp, không đủ bù đắp chi phí đầu vào. GS nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Đây là vấn đề lịch sử lặp lại. Năm 1995, tình hình đã xảy ra giống như năm nay. Khi Nhật Bản có một mùa hè rất lạnh, lúa bị lép, bị mất sản lượng khoảng 1 triệu tấn gạo nên họ phải bù lại bằng cách nhập gạo từ miền Bắc Trung Quốc với giá rất cao là 2.000 USD/tấn.
Người Trung Quốc chưa bao giờ bán được gạo với giá cao như thế nên họ dốc hết gạo miền Bắc Trung Quốc để bán cho Nhật. Đến mức không còn gạo ăn, họ phải mua từ miền Nam Trung Quốc với giá cao. Người miền Nam Trung Quốc cũng chưa bao giờ thấy gạo lại có giá cao như thế nên họ vét hết bán. Và họ lại thiếu gạo ăn, phải mua gạo của VN.
Lúc đó năm 1995, chúng ta còn nhớ, gạo mình đem bán cho Trung Quốc đều có giá. Nông dân, nhất là ở ĐBSCL cho đây là thời kỳ vàng son của lúa gạo nên hò nhau trồng lúa. Nông dân miền Nam và miền Bắc Trung Quốc cũng thế. Nhưng năm 1996, Nhật Bản không có mùa hè lạnh, sản lượng đáp ứng đủ, thành ra miền Bắc Trung Quốc chờ mãi không thấy Nhật Bản qua mua gạo, miền Nam Trung Quốc chờ mãi không thấy miền Bắc xuống mua, VN cũng chờ mãi không thấy Trung Quốc sang mua, thì giá gạo rớt thê thảm.
GS. Võ Tòng Xuân: "Xuất khẩu gạo giá thấp là “bài học đáng tiếc” của VN". |
Bây giờ cũng tương tự. Từ đầu năm cho tới tháng 4, 5 cuộc khủng hoảng lương thực trở nên quá trầm trọng - có nguồn gốc sâu xa là Mỹ áp dụng chính sách năng lượng mới - giá gạo từ từ tăng lên.
Nhưng tăng đột biến nhất khi mà Tổng thống Philippines đề nghị mua gạo của VN với giá 700 USD/tấn để có gạo ngay. Việc này khiến VN bắt đầu xuất hiện đầu cơ, ngưng ký hợp đồng xuất khẩu. Do đó, Thái Lan trở thành nước xuất khẩu duy nhất, giá gạo từ đó tăng tới 1.100 – 1.200 USD/tấn.
Trong nước, vì Nhà nước lệnh ngừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo trong khi giá gạo thế giới tăng cao, nên các công ty lương thực lo ngại, hệ thống lưu thông bình thường bị xáo động, xảy ra đầu cơ tích trữ, thành ra thiếu gạo trên thị trường. Giá gạo bị đẩy lên 20.000 – 30.000 đồng/kg. Bà con nông dân rất hoang mang, họ chưa thấy khi nào gạo lại lên ngôi như thế nên hò nhau trồng lúa.
Nhưng cùng lúc đó, Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan cũng dốc sức trồng như mình nên khối lượng thu hoạch rất lớn, nhu cầu nhập cảng giảm mạnh.
- Như vậy, sự tự phát trong nuôi trồng của bà con nông dân và những bất cập của hệ thống phân phối là những yếu tố chính dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ hiện nay, thưa GS?
Đúng rồi, nông dân nước ta sẽ vẫn tiếp tục khó khăn. Có thể nói, nông dân VN là những người tự do nhất thế giới, muốn trồng cây gì, nuôi con gì thì làm mà không biết bán cho ai, bán bao nhiêu. Tới lúc thu hoạch là lo gấp rút bán cho thương lái.
Tình trạng mua đứt bán đoạn hiện nay nếu không chấm dứt thì nông dân sẽ tiếp tục gặp phải bi kịch như thế. Trong khi các DN xuất khẩu từ lương thực, thủy sản, trái cây... đều không có vùng nguyên liệu của mình. Cho nên, muốn nói tới nền nông nghiệp thành công, nông dân khá lên thì các DN cần thiết phải thiết lập, gắn bó với vùng nguyên liệu và bà con nông dân không được làm ăn cá thể nữa mà phải tập hợp nhau lại thành các hợp tác xã kiểu mới, gắn kết lại có sức mạnh hơn trong việc định giá.
Lượng gạo dự trữ thế giới hiện đã tăng lên khoảng 4% so với năm ngoái giúp cho một số nước có thể ổn định được lương thực, cho nên nhu cầu nhập tới đây của các nước này sẽ thấp hơn. Chỉ có Philippines là thị trường khả quan nhất, sẽ duy trì mức nhập 2,4 triệu tấn, tương đương với năm ngoái. Song, giá gạo bên Philippines hiện không cao lắm, đang ở mức 14.000 đồng/kg, do Nhà nước hỗ trợ cho người tiêu dùng, chính vì thế giá gạo sắp tới khó có thể cao hơn được - GS. Võ Tòng Xuân. |
- Trả lời phỏng vấn báo VietNamNet cuối tháng 4/2008, GS cho rằng, nên xuất khẩu gạo bởi giá gạo các tháng sau đó có thể giảm do các nước vào vụ thu hoạch. Đúng là sang tháng 7, khi VN xuất khẩu thì giá gạo thế giới bắt đầu hạ. Vậy việc ngưng xuất khẩu khi giá cao và đẩy mạnh xuất khẩu khi giá thấp ở đây có phải do chúng ta không nắm chắc lượng lương thực dự trữ, hay nhận định sai về thị trường thế giới, hoặc còn lý do nào khác, thưa GS?
Người khôn đâu có làm như vậy. Nói mình không nắm chắc được lượng lương thực nên không dám xuất khẩu chỉ đúng một phần. Còn nói chúng ta nhận định sai về thị trường thế giới, giữ lại gạo vì nghĩ giá sẽ lên nữa thì chắc không có chuyện nhận định sai đâu.
Cũng có những công ty kinh doanh lương thực, khi ngừng xuất khẩu thì họ có cơ hội mua vào giá thấp, vì khi đó không ai dám mua vào. Chuyện này nhiều năm qua vẫn lặp đi, lặp lại..
- GS có thể nói điều gì về chuyện xuất khẩu gạo giá thấp hiện nay?
Việc ngưng ký hợp đồng xuất khẩu khi giá cao và đẩy mạnh xuất khẩu khi giá thấp là điều rất đáng tiếc, là bài học cho VN.
- Xin cảm ơn GS!
-
Nguyễn Nga (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc: