- Được mùa nhưng hiện giá lúa giảm quá mạnh làm người dân ĐBSCL thấp thỏm lo âu. Trong khi đó, lúa gạo ngoại lại vượt biên vào thị trường nội địa. Vụ lúa hè thu đã thu hoạch xong phải bán chạy với giá 4.300-4.500 đồng/kg với giá này lời quá mỏng và nhiều khó khăn đang chờ đợi.
Nỗi lo được mùa
Lúa trùm bạt ở Đồng Tháp, chưa người mua. |
Có thể nói, nhiều khó khăn đang đặt ra với nông dân trong lúc này, họ là những người sống chủ yếu dựa vào cây lúa, nhưng thị trường không ổn định, giá lúa cứ tăng giảm bất thường trong khi vật giá leo tháng.
Gia đình bà Nguyễn Thị Miền, ngụ xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn (An Giang) cũng nằm trong tình trạng này. Bà Miền cho biết: “ Nhà tôi chỉ làm 6 công ruộng, quanh năm chỉ biết trông chờ vào hạt lúa, vụ hè thu này tôi thu hoạch được 3 tấn lúa, bán với giá 4.500 đồng/kg, trừ chi phí còn chẳng bao nhiêu.…”.
Trao đổi với ông Dương Nghĩa Quốc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT Đồng Tháp, ông cho biết, ngoài số lúa cũ còn tồn đọng, hiện nay nông dân Đồng Tháp thu hoạch xong vụ hè thu khoảng 1 triệu tấn, chưa năm nào nông dân làm vụ lúa hè thu được mùa lớn như năm nay. Tại Đồng Tháp, sản lượng trung bình 52tạ/ha. Thế nhưng nông dân như đang ngồi trên lửa, vì hiện nay lúa làm xong chất đầy nhà, đầy sân, mưa xuống kéo vải bạt che mưa. Nước lũ ngấp nghé đe doạ tràn về nay mai vậy mà lúa không ai mua.
Nếu tình trạng này kéo, dài lúa sẽ bị giảm chất lượng, hư hỏng là điều không tránh khỏi khi lũ về. Trong khi đó, người nông dân phải trả nợ ngân hàng, nợ vay nóng ở trong dân với nhau, nợ vật tư nông nghiệp…Năm nay, giá phân bón, xăng dầu và công làm lúa tăng lên, nên giá thành lúa cũng tăng theo. Giá 1kg lúa theo ước tính của Sở Nông nghiệp &PTNT Đồng Tháp là 3.400-36.00 đồng, cao hơn gần 1.000 đồng so với năm 2007. Như vậy, nếu bán với giá hơn 4.000 đồng/kg, nông dân lời quá mỏng. Nếu tình trạng này kéo dài thì khả năng nhiều nông dân sẽ không dám xuống giống vụ 3. Làm sao để mua hết lúa hàng hoá cho nông dân với giá hợp lý là một câu hỏi lớn!
Lúa ngoại lại vượt biên vào nội địa
Lúa từ Campuchia "đổ bộ" vào thị trường nội địa. |
Đi một vòng các địa phương giáp biên như: Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Đốc, Tân Châu, An Phú… đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh đau lòng: những đóng lúa to đùng làm xong cả tháng nay được nông dân chất tràn ven hai bên đường, ven bờ kênh thửa ruộng mà vẫn chưa có thương lái đến hỏi mua.
Trong khi đó, những chuyến xe, chuyến ghe chất đầy lúa ngoại lại ồ ạt tràn vào. Sáng ngày 25/7, có mặt khu vực Đường Sứ xã An Nông (Tịnh Biên), chúng tôi dễ dàng nhận ra nghịch lý này. Bên kia bờ kênh Vĩnh Tế tấp nập cảnh trên bến, dưới thuyền. Trên bờ, những chiếc xe tải chở đầy lúa từ bên kia biên giới nhập về. Dưới bến, những chiếc ghe khổng lồ của thương buôn các tỉnh lần lượt rời bến tiến sâu vào nội địa sau khi “ngậm” đầy lúa… ngoại. Còn bên này bờ kênh Vĩnh Tế, hình ảnh những “lão nông tri điền” người Việt đang mỏi mắt chờ hàng xáo đến mua.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã An Nông (Tịnh Biên) tâm sự: "Tại khu vực Đường Sứ có bốn doanh nghiệp lớn thu mua lúa từ Campuchia về. Hiện bình quân mỗi doanh nghiệp nhập 5-10 xe /ngày (5 tấn/xe)”. Còn ông Nguyễn Văn Út, chủ nhà máy Đại Thành 4 (Tân Châu) cho biết: Giá lúa Campuchia chỉ dao động từ 3.800-4.200đ/kg, nên chúng tôi tập trung vốn mua lúa ngoại dự trữ. Tuy chưa tạo thành đối trọng lớn làm cho lúa nội địa bị ế thừa, nhưng lúa Campuchia cũng có thể làm cho việc tiêu thụ lúa nội địa trở nên khó khăn, vì lúc nào giá lúa từ Campuchia cũng rẻ hơn lúa của Việt Nam.
Tại Hậu Giang, nhiều DN vẫn thu mua lúa gạo cầm chừng, vì hiện nay họ thiếu tiền mặt mua lúa. Không những vậy, nguy cơ lỗ vốn cũng đang trực chờ họ. Anh Nguyễn Văn Tự, tức Ba Tự một người chuyên doanh lúa gạo tại thị trấn Cái Tắc- Châu Thành - Hậu Giang cho biết: Lúa sụt giá mua vào bị lỗ, đầu vụ tôi mua giá 5.100 đồng/kg, mua 30 tấn, nay lỗ là tất yếu.
Tại Đồng Tháp, lúa ngoại có qua biên giới nhưng không nhiều, còn tại An Giang tình trạng này nhiều hơn. Ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết, việc hàng hoá hai nước qua lại trao đổi buôn bán là bình thường, tuy nhiên, hiện nay giá lúa từ bên kia biên giới bán sang giá rẻ hơn nên có một số thương lái mua hàng Campuchia. Ngay cả lúa trong nước mình đang khó tiêu thụ, có lúa giá rẻ bên kia bán sang, nông dân nội địa khó khăn hơn khi muốn bán lúa sau thu hoạch.
Doanh nghiệp nói gì?
Chủ doanh nghiệp xây xát Đại Thành 4 (Tân Châu) Nguyễn Văn Út cho biết, vào thời điểm này năm trước, mỗi ngày nhà máy ông “ngốn” hơn 200 tấn lúa nội địa, còn bây giờ thì xay cầm chừng sợ thua lỗ. Ông Út còn cho hay, không chỉ riêng ông mà tại thời điểm này hầu hết các doanh nghiệp chế biến lúa gạo ở ĐBSCL đều hoạt động cầm chừng hoặc ngưng hẳn, bởi mua giá cao mà bán ra thì thấp, doanh nghiệp xuất khẩu chỉ “ăn” giá bèo.
"Đầu vụ hè thu mua lúa giá 4.800đ/kg, nông dân than lỗ chút ít, còn doanh nghiệp lỗ trắng tay bởi các nhà kinh doanh chỉ đồng ý mua gạo với giá 6.050đ/kg, tức tương đương 352USD/tấn, bằng một nửa giá trên thị trường xuất khẩu"- ông Út cho hay.
Lúa đầy sân nhưng nông dân Cần Thơ không vui. Ảnh: Vĩnh Kim |
"Bị lỗ nặng lại khó tìm được chỗ bán, nên chúng tôi chuyển sang mua lúa ngoại, khai thác thị trường bình dân trong nước để giảm bớt nguy cơ rủi ro.” - ông Út nói thêm. Điều này cho thấy cả nông dân và hàng sáo, hai lực lượng mật thiết của hạt lúa đã bị đẩy khỏi “chiếc bánh” lợi nhuận. Tuy nhiên, theo đánh giá của các đại gia trong nghề kinh doanh lúa trên tuyến biên giới Tây Nam, do lượng lúa vụ trước còn tồn lại cộng với lúa hè vừa thu hoạch nên lượng lúa của An Giang lên đến cả triệu tấn.
Khi được hỏi về nguyên nhân nào làm cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo không mua lúa của nông dân như lệ thường hằng năm, phó giám đốc một công ty xuất khẩu gạo ở TP Cần Thơ cho rằng: “Giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới đang có xu hướng giảm, trong khi đó lãi suất ngân hàng hiện nay đang ở mức cao, nếu chưa có hợp đồng xuất khẩu mà mua lúa dự trữ sẽ bị khó về lãi suất ngân hàng, không khéo dễ bị lỗ vốn. Những khó khăn mới này làm cho năm nay nhiều doanh nghiệp không dám mua lúa dự trữ hoặc gom hàng như các năm trước đây”.
Có thể nói đây là nguyên do chính làm cho tình trạng lúa đầy nhà, đầy sân mà người nông dân như đang ngồi trên đóng lửa, muốn bán lúa không có người mua và một số tư thương lợi dụng tình hình này để ép giá nông dân.
Địa phương bó tay?
Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh hiện còn khoảng 1,2 triệu tấn lúa, với số lượng lúa hàng hoá lớn như vậy mà giá lúa đang sụt giảm, thu mua chậm nên hầu hết nông dân đang để tạm thời ở nhà, ở ven đường, sân phơi chờ giá và chờ bán. Lãnh đạo tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp An Giang thu mua lúa của dân nhưng tốc độ chậm vì còn nhiều nguyên nhân khó khăn mà tỉnh không giải quyết nổi. Việc này phải ở góc độ Chính phủ có giải pháp và chỉ đạo thì mới có kết quả.
Tương tự, ở Đồng Tháp, còn 1 triệu tấm lúa mới thu hoạch, giá lúa đang xuống, lũ về, bán lúa không ai mua…ông Dương Nghĩa Quốc cho rằng, thật sự nông dân đang kêu cứu, trước việc có lúa mà không biết làm sao để bán và bán sao cho không bị lỗ vốn đầu tư. Theo ông Quốc, nếu Chính phủ có giải pháp và chỉ đạo thì sẽ giải quyết được vấn đề. Nếu Chính phủ cho DN vay vốn từ Ngân hàng Phát triển để mua hết lúa hàng hoá, các kho dự trữ quốc gia tích cực mua vào dự trữ và có mức giá sàn hợp lý, thì tình trạng lúa hàng hoá sẽ nhanh chóng được giải quyết.
Chỉ riêng hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã có hơn 2 triệu tấn lúa, còn hơn 10 tỉnh ĐNSCL nữa sẽ còn bao nhiêu? Nhiều nông dân và doanh nghiệp thu mua lúa gạo đang trông những giải pháp từ Chính phủ để giải quyết hiện trạng được mùa mà bí đầu ra này.
-
Bài & ảnh Vĩnh Kim - Vĩnh ThuậnÝ kiến của bạn: