Theo số liệu mới nhất vừa được Shanghai Daily dẫn lời một quan chức cao cấp của thành phố Bắc Kinh cho biết, tổng mức đầu tư cho Thế vận hội Olympic 2008 tính từ năm 2001 đến nay đã lên tới 295 tỷ NDT (tương đương 43,13 tỷ USD).
Sân vận động Quốc gia. (Ảnh: 38cie) |
Chi phí lớn nhất trong lịch sử
Tổng chi phí đầu tư cho Olympic Bắc Kinh 2008, bao gồm quỹ cho các hoạt động tại Thế vận hội, chi phí xây dựng các nhà thi đấu và đầu tư cho cơ sở hạ tầng có thể còn thay đổi cho tới hết ngày 24/8 khi mà Olympic kết thúc, Phó tổng Thư ký Chính phủ ông Liu Zhi phát biểu trong một cuộc họp báo được tổ chức vài ngày trước khi Đại hội thể thao lớn nhất hành tinh này bắt đầu.
Mặc dù còn khá nhiều số liệu khác có mức chênh lệch lớn do có những đánh giá khác nhau về công trình nào được coi là đầu tư cho Olympic, nhưng với các con số này thì ngay trước khi giải bắt đầu, Trung Quốc đã đoạt "huy chương vàng" về chi phí cho một kỳ Thế vận hội.
TIN LIÊN QUAN
Theo công bố của ông Liu, kể từ năm 2001 đến 2007, Bắc Kinh đã chi tổng cộng khoảng 280 tỷ NDT (gần 41 tỷ USD) cho các hạng mục thiết kế đô thị tổng thể, bao gồm cơ sở hạ tầng, các dự án về năng lượng và giao thông, cấp nước và xây dựng môi trường.
“Chúng tôi vẫn phải thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công cộng cho dù không có Thế vận hội. Nhưng vì Thế vận hội, chúng tôi đã hoàn thành các dự án này trước kế hoạch 2 năm,” ông Liu nói.
Cũng theo ông Liu, quỹ dành cho việc xây dựng các công trình phục vụ Thế vận hội Olympic sẽ không vượt quá 130 tỷ NDT (khoảng 19 tỷ USD), bao gồm xây mới các sân vận động, mở rộng và tân tạo các sân cũ và xây dựng một số sân tạm thời.
Trong khi đó, theo ông Liu, ngân sách cho quỹ đảm bảo các hoạt động tại Thế vận hội lúc đầu dự kiến chỉ ở mức 1,63 tỷ NDT, nhưng đã được điều chỉnh 3 lần và hiện đã lên tới con số trên 2 tỷ NDT (khoảng 292 triệu USD), do sự biến động của tỷ giá và nảy sinh của các nhiệm vụ mới.
Còn theo đánh giá của Businessweek, New York Times và BBC News trước đó, chi phí cho Thế vận hội lần này của Bắc Kinh tốn kém nhất trong lịch sử với tổng mức chi tiêu có thể lên tới hơn 20 tỷ USD.
Theo Businessweek, trong hồ sơ đăng ký của Bắc Kinh gửi lên Uỷ ban Olympic Quốc tế (IOC) năm 2000, ước tính xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ Thế vận hội này sẽ lên tới 14,3 tỷ USD. Phần lớn trong số này liên quan đến việc cải tạo các công trình cần thiết để làm Bắc Kinh trở thành một công trình thể thao hợp lý cho Thế vận hội. Tuy nhiên, sự tăng giá mạnh của hàng hoá trong những năm gần đây có lẽ đã đẩy giá xây dựng vượt quá mức dự toán ban đầu này.
Theo tạp chí kinh doanh này, mức đầu tư cho Olympic Bắc Kinh 2008 có thể tương đương với Olympic 2012 sẽ được tổ chức tại London, Anh. Với lợi thế của việc cập nhật hơn về giá vât liệu xây dựng, ước tính của London vào cuối năm 2004 là chi phí tổ chức Olympic sẽ vào khoảng 15,8 tỷ USD, chỉ cao hơn một chút so với dự toán của Bắc Kinh. Đó là chưa kể tới yếu tố chi phí lao động và các chi phí xây dựng khác tại London cao hơn ở Bắc Kinh. Các thành phố khác chạy đua với London để tổ chức Olympic 2012 cũng đã đưa ra mức dự toán thấp hơn, chẳng hạn như thành phố Madrid của Tây Ban Nha, theo sau ngay London, với mức dự toán là 11,6 tỷ USD.
Tiền được rót vào đâu?
Theo Businessweek, rất dễ nhận ra lý do mà Thế vận hội Bắc Kinh đòi hỏi một lượng đầu tư lớn đến như vậy. Đó là việc Trung Quốc xây dựng rất nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng trong đó có một số công trình ấn tượng nhất trên thế giới. Chẳng hạn, nhà ga hành khách hàng không tại sân bay quốc tế Thủ đô Bắc Kinh mới mở gần đây có diện tích sàn lớn hơn cả 5 toà nhà cho hành khách tại sân bay Heathrow của London. Kế hoạch mở rộng đường xe điện ngầm của Bắc Kinh cũng nhằm biến cái đã từng gọi là hệ thống 2 đường ray thành một mạng lưới xe điện ngầm lớn nhất thế giới chỉ trong chưa đầy 1 thập kỷ.
Một số các công trình thể thao phục vụ cho Olympic, bao gồm sân vận động quốc gia và Trung tâm Thể thao dưới nước quốc gia cũng là những kiệt tác kiến trúc mà chỉ có thể sử dụng bằng các công nghệ được phát triển gần đây. Tất cả các công trình này đã được xây dựng với một tốc độ chóng mặt.
Một số người cho rằng Trung Quốc đang sử dụng mọi nguồn lực tài chính để nhằm quảng bá về sự phát triển của mình qua Thế vận hội lần này. Mặc dù đã trải qua nhiều năm tăng trưởng mạnh mẽ nhưng thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc vẫn tương đối thấp, chỉ ở mức dưới 3.000USD. Và chi phí xây dựng hạ tầng trong bản đăng ký của Bắc Kinh cũng xấp xỉ với tổng chi của chính quyền Bắc Kinh năm 2006. Với nhu cầu chi tiêu xã hội cấp thiết ở một quốc gia mà sự chênh lệch về thu nhập so với khu vực đã trở thành vấn đề đáng quan tâm thì rõ ràng đó không phải là lý do Bắc Kinh sẽ chi tiêu mạnh tay hơn các thành phố giàu có hơn khác trong việc tố chức Olympic. Rủi ro về lãng phí thất thoát lớn, như trường hợp của Montreal vào năm 1976 và Athens năm 2004, rõ ràng đã tăng lên cùng với các cam kết về tài chính.
Phát triển là ưu tiên số 1, thể thao là số 2?
Theo Businessweek và BBC News, một nghiên cứu về tình hình tài chính của Olympic Bắc Kinh 2008 đã làm dịu những lo lắng này.
Tờ New York Times, trong khi đó cũng cho rằng, không giống như các thành phố khác như Montreal, Barcelona, Athens... đã chìm trong đống nợ hàng tỷ USD, Bắc Kinh sẽ chịu ít ảnh hưởng hơn nhiều (do chi tiêu quá nhiều) nhờ vào sự phát triển của đầu tư và du lịch sau đó, đặc biệt trong bối cảnh sự chuẩn bị cho Olympic 2008 diễn ra đúng lúc Trung Quốc vào WTO.
Theo Businessweek, để bắt đầu, rất nhiều các dự án đã được lập ra cho dù Bắc Kinh có giành được quyền tổ chức Olympic hay không.
Bắc Kinh là một Thủ đô đang tăng trưởng mạnh với dân số tăng gần 16% từ năm 2000 đến 2006 lên 15,8 triệu người. Cho đến gần đây, hạ tầng đô thị của Bắc Kinh cũng vẫn đi sau so với nhiều thành phố khác có tầm quan trọng tương đương của các nền kinh tế phát triển.
Do đó, hầu hết các dự án của thành phố liên quan đến việc cải tạo đều nằm trong kế hoạch phát triển của thành phố. Tổ chức Olympic đòi hỏi một số ưu tiên đối với các dự án trong kế hoạch này. Trong một vài trường hợp, việc xây dựng công trình phục vụ Thế vận hội có thể khiến cho một số dự án khác phải bị trì hoãn do ngân sách hạn hẹp.
Số lượng các công trình được xây dựng phục vụ cụ thể cho Olympic (sân vận động Quốc gia là một trong số đó) là rất nhỏ. Tổng chi phí cho tất cả các công trình thể thao cho Thế vận hội cũng rất khiêm tốn. Đầu năm 2008, ông Phó Thị trưởng thành phố Bắc Kinh tiết lộ rằng chi phí cho các công trình của Olympic không vượt quá con số 13 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 1,8 tỷ USD). Do đó, đơn đăng ký tổ chức Olympic của Bắc Kinh đã phác hoạ hầu hết các chi phí ngân sách cho việc cải tạo các công trình công cộng như sân bay và hệ thống tàu điện ngầm.
Hơn nữa, trong tổng số tiền sử dụng cho các công trình thể thao, Chính phủ cũng chỉ gánh vác một nửa. Trong việc hoạch định cho Olympic, Chính phủ cũng đã nỗ lực để tìm kiếm các nguồn tài trợ khác nhau. Họ tổ chức đầu thầu các dự án cho các công ty và hỗ trợ về tài chính và động viên ở những chỗ cần thiết, giống như trường hợp của Sân vận động quốc gia. Chính phủ cũng tìm kiếm các nguồn tài trợ để xây dựng các công trình kiến trúc như Trung tâm thể thao dưới nước quốc gia - được tài trợ bởi sự đóng góp của Hoa kiều. Những biện pháp này giúp một cách đáng kể nhằm giảm gánh nặng tài chính của Chính phủ.
Tầm nhìn xa hơn sau khi Olympic kết thúc
Chính quyền Bắc Kinh dường như đã xem xét vấn đề của các công trình Olympic sau khi kết thúc. Các nhà thầu xây dựng các công trình phục vụ Thế vận hội được khuyến khích để đưa các công trình này vào mục đích thương mại sau kỳ Olympic. Các công trình khác được xây dựng trong các trường đại học và các viện giáo dục và sẽ được tận dụng sau khi Olympic kết thúc. Sự thu xếp này đã giảm chi phí tương lai cho Chính phủ đề duy trì bảo dưỡng các công trình này.
Chính quyền Trung Quốc rõ ràng đã rất hào hứng khi đưa ra bộ mặt tốt nhất của họ khi quốc gia này đang nổi bật lên trên thế giới trong năm nay. Tuy nhiên, để làm được như thế, họ đã phải bỏ qua những thận trọng về chính sách tài chính đặc trưng của họ. Liên quan đến điều này, vấn đề được quan tâm là việc thi công để có thể hoàn thành kịp thời hàng loạt các dự án mà không có sự lãng phí.
Standard & Poor’s chưa định mức tín nhiệm với chính quyền Bắc Kinh như đã làm với hầu hết các nhà thầu của Olympic 2012. Tuy nhiên, nếu làm thế nền tảng định mức tín nhiệm của thành phố này có lẽ sẽ bị ảnh hưởng và thành phố này có lẽ sẽ không còn nằm trong số các thành phố tổ chức Olympic tốn kém nhất trong lịch sử. Thực tế thì Olympic Bắc Kinh có thể là một trong số các Thế vận hội thành công nhất về mặt tài chính xét về mặt doanh thu đạt được. Các thống kê chỉ ra rằng sự hỗ trợ lớn đến từ các nhà tài trợ thương mại sẵn sàng đạt được những gì tại thị trường tiêu dùng được dự báo sẽ đứng ở vị trí lớn thứ 2 thế giới trong 1 thập kỷ tới. Hơn nữa, không giống như Thế vận hội Athens, tình trạng bán vé ế ẩm sẽ không diễn ra do nhu cầu của người địa phương rất cao.
Thật may mắn cho chính quyền Trung ương Trung Quốc là sự bảo đảm cho những thua lỗ liên quan tới việc tổ chức Olympic lần này có lẽ không cần tính tới. Nhu cầu giải quyết những thất thoát liên quan đến Olympic Athens đã đặt gánh nặng lên sự hỗ trợ tín dụng đối với Hi Lạp trước đó. Vì thế, Olympic 2008 được kỳ vọng là sẽ không làm yếu đi các lợi thế đáng kể của Trung Quốc như đã từng bị với Hi Lạp về cả phương diện nợ của Chính phủ lẫn hoạt động của ngân sách.
Kinh nghiệm của Bắc Kinh có thể so sánh với kinh nghiệm của Barcelona. Thành phố của nước Tây Ban Nha này đã đầu tư mạnh tay cho cơ sở hạ tầng trong kỳ Thế vận hội năm 1992 đã giúp nước này thu hút rất nhiều du khách cũng như là các doanh nghiệp đến đây. Ảnh hưởng kinh tế tích cực đã nâng định mức tín dụng của Barcelona lên mức hiện này là AA+/ổn định, từ mức A-/tích cực của năm 1994. Với lợi thế là một nước giàu và có lịch sử lâu đời, Bắc Kinh có thể trải qua sự bùng nổ về du lịch hơn nữa. Tổ chức Olympic có thể làm cải thiện về lâu về dài uy tín của chính quyền thành phố này, hơn là phải chịu gánh nặng tài chính khổng lồ.
-
Hà Linh (Theo Businessweek, BBC News, NYT, Shanghaidaily)