- Trong mấy ngày qua, giá lúa đã tăng từ 100-200 đồng/kg tuỳ loại lúa. Nhiều nhà máy xay đã bắt đầu hoạt động trở lại. Doanh nghiệp cũng đang rục rịch tính chuyện mua lúa trở lại...
Gạo đã về kho của các công ty kinh doanh lương thực. |
Sau chỉ đạo của Chính phủ về thu mua hết lúa hàng hoá ở ĐBSCL, ngày 9/8, lãnh đạo các bộ ngành và lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL họp trực tuyến để bàn biện pháp giải quyết tốt vấn đề thu mua hết lúa hàng hóa ở ĐBSCL. Bước đầu dòng chảy lúa gạo đã được khởi động.
Giá lúa nhích lên, thương lái đã mua lúa trở lại
Sáng ngày 9/8, tại Nhà máy xay xát Út Hiền ở thị trấn Cái Tắc - huyện Châu Thành A - Hậu Giang đã bắt đầu hoạt động trở lại.
Anh Nguyễn Thành Tín, con của chủ nhà máy cho biết: “Hơn một tháng nay, nhà máy ngưng hoạt động. Mới chạy trở lại do có hợp đồng xay gia công, nhà máy kế bên cũng chạy lại vào sáng nay”. Tại đây, anh cũng thu mua lúa trở lại với giá 4.300-4.500 đồng/kg. Cũng theo anh Tín, với giá này, lúa đã tăng hơn cách đây 5 ngày từ 100-200 đồng/kg tuỳ loại.
Tại Châu Thành A, nhiều thương lái các tỉnh đã thu mua lúa trở lại. Anh Ba Tự, một thương lái thu mua lúa gạo cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết: “Lúa sẽ tăng giá lên từ từ đến 5.000 đồng là điều chắc chắn, vì vậy một số thương lái tranh thủ thu mua sớm mong có giá rẻ hơn sau này, khi lúa lên giá sẽ lời hơn". Tại nhà anh, sáng 9/8, anh cũng tranh thủ nhập kho hơn 1 tấn lúa với giá 4.400 đồng/kg, loại lúa dài xuất khẩu.
Ở Vĩnh Long, từ ngày 9/8, nhiều ghe mua lúa đã len lỏi vào tận các sông rạch để thu mua lúa. Ông Huỳnh Văn Nhâm, một nông dân ở xã Hoà Thạnh - Tam Bình, Vĩnh Long cho biết: “Thương lái mua giá 4.400 đồng/kg loại lúa dài xuất khẩu, cao hơn cách nay 3 ngày 150-200 đồng/kg, tuy nhiên nhiều người còn bán được với giá 4.500 đồng.
Theo ông Nhâm phân tích, giá đầu tư cho 1kg lúa hè thu không dưới 3.300-3.500 đồng, bán giá 4.500 đồng mỗi kg chỉ lời có 1.000 đồng. Ngoài những người cần tiền bán gấp lúa hàng hoá, một số nông dân thấy giá thấp đang trữ lúa chờ giá lên hơn 5.000 đồng/kg mới bán để có lời 40% như chỉ đạo của Chính phủ.
Các nhà máy xay xát chạy hết công suất. |
Doanh nghiệp còn nhiều cái khó
Tại Vĩnh Long, nhiều DN vẫn còn dè dặt với chỉ đạo thu mua lúa. Lý do họ đang ôm số lượng lúa cũ mua trước đây với giá 6.000 đồng/kg chưa bán ra được.
Ông Nguyễn Văn Hưng, doanh nghiệp tư nhân Thuận Hưng ở ấp Thuận Tiến, xã Thuận An – Bình Minh – Vĩnh Long cho biết: “Hơn 2 tháng nay nhà máy ngưng không chạy. Lý do là không có hợp đồng gia công. Ngay tại nhà máy, tôi còn kẹt hơn 50 tấn lúa, lúc trước mua với giá 6.000 đồng/kg, sau đó việc. Hiện nay, tính theo giá lúa trên thị trường, 50 tấn lúa đó tôi bị lỗ 60-70 triệu đồng. Vì vậy hiện nay chỉ hợp đồng gia công, không mua lúa vô nữa”.
Doanh nghiệp tư nhân than khó, doanh nghiệp Nhà nước cũng chưa thấy tình hình dễ dàng hơn. Tại Xí nghiệp chế biến lương thực số 3 - thuộc Công ty CP Lương thực, thực phẩm Vĩnh Long, chị Phan Thị Ngữ, Phó Giám đốc Xí nghiệp cho biết: “Đến nay công ty chưa có chỉ đạo, chưa rót tiền xuống vì vậy chúng tôi chưa triển khai thu mua gì hết”. Chị cũng cho biết, hiện xí nghiệp còn hơn 2.000 tấn lúa chưa xuất, giá mua lúc trước là 6.000 đồng. Lúa nằm kho, lãi suất cao, giá lúa giảm, số lúa đó công ty bị lỗ là điều tất yếu. Có thể vào đầu tuần, công ty sẽ có thông báo mới về thu mua lúa hàng hoá”.
Tại Công ty Lương thực sông Hậu – Khu công nghiệp Trà Nóc - thời gian qua thu mua lúa gạo liên tục. Ông Dương Chí Trung, Phó Giám đốc Công ty nói rằng vấn đề quan trọng hiện nay là có đầu ra cho lúa gạo mua vào. "Vì nếu lãi suất cao, mua nằm kho chờ đóng lãi suất thì không doanh nghiệp nào chịu nổi cả. Chúng tôi mua theo thời giá thị trường và chất lượng lúa gạo nữa. Nguồn cung chính vẫn là chiếc cầu thương lái. Vì vậy, giá lúa tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, nếu hợp đồng xuất khẩu nhiều, giá cao, thì việc nông dân lời 30% hay 40% là điều tất yếu"- ông Trung cho hay.
Một Phó Giám đốc Công ty xuất khẩu lương thực ở Cần Thơ không muốn nêu tên cho rằng: “Vấn đề xuất khẩu gạo tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là đầu ra. Và nếu đầu ra không mạnh, lãi suất cao như hiện nay DN lỗ thì ai chịu? Vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng hết mình nhưng thị trường sẽ quyết định tất cả. Vì hiện nay trên thế giới nhu cầu lúa gạo không còn thiếu gay gắt như vào cuối quý I/2008.
Nhiều hy vọng giá lúa sẽ tăng lên
Sân đầy lúa của một hộ nông dân ở Cần Thơ. |
Ông Dương Nghĩa Quốc – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, giá lúa ở đây tăng từ 100-200 đồng/kg. Một số thương lái mua lúa tốt 4.400-4.500 đồng/kg. Giá lúa mới suốt, bán tại ruộng vẫn còn dưới 4.000 đồng/kg.
Nhiều doanh nghiệp Đồng Tháp đã chuẩn bị thu mua lúa gạo trở lại, nhiều thương lái cũng bắt đầu thu mua lúa gạo nhưng với thái độ còn dè dặt và còn chờ ở các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cam kết sẽ giải ngân cho DN vay mua hết lúa hàng hoá và gia hạn nợ cho nông dân nếu nông dân chưa bán được lúa, những chủ trương này sẽ có tác dụng kích thích thị trường lúa gạo chuyển biến nhanh, dòng chảy lúa hàng hoá đã bắt đầu và sẽ mạnh trở lại nếu các doanh nghiệp làm tốt công tác đầu ra.
Theo ông Dương Nghĩa Quốc, chỉ cần dòng chảy chính về thu mua lúa gạo của các công ty xuất nhập khẩu tăng lên, thị trường sẽ phân hoá mạnh, tư thương tăng cường thu mua, Nhà nước thu mua và nông dân được gia hạn nợ, thị trường sẽ điều tiết nhanh. Nếu tiến trình này thực hiện tốt, thì giá lúa sẽ tăng dần và nông dân lời 40% so với giá đầu tư là điều có thể nếu đầu ra xuất khẩu tăng về lượng và giá.
-
Bài và ảnh Vĩnh KimÝ kiến bạn đọc: