- Một tuần nay, nhiều hãng có tiếng thông cáo giá bánh trung thu 2008 được điều chỉnh tăng trung bình từ 10-15%, nhưng con số thực tế lại khác xa...
Đội giá trung bình 20-35%
Tổ chức bán hàng sớm nhất tại thị trường Hà Nội mùa bánh trung thu năm nay phải kể đến các thương hiệu: Hữu Nghị, Kinh Đô, Bánh mứt kẹo Hà Nội.
Giá bánh trung thu năm nay tăng trung bình 20-35% - Ảnh: N.N |
So với năm ngoái, hiện các hãng đều có sự điều chỉnh đáng kể theo hướng giảm về trọng lượng, gia tăng về giá bán.
Ngay cả tên tuổi quen thuộc, gắn liền với phân khúc khách hàng bình dân là Bánh mứt kẹo Hà Nội, đã tăng giá trung bình 30%.
Theo đó, giá bánh nướng, bánh dẻo loại phổ thông nhất của Bánh mứt kẹo Hà Nội năm nay ở mức 15.500 – 17.000 đồng, thay cho mức 11.000 – 13.500 đồng/chiếc năm ngoái. Loại thấp nhất của hãng là dẻo chay hiện cũng có giá 12.000 đồng, thay cho mức 7.000 đồng/chiếc trước đây.
Giảm lượng Theo đại diện các DN sản xuất, một chiếc bánh thuộc dạng thập cẩm thường cần đến 20 loại nguyên liệu khác nhau, trong khi giá đầu vào tăng trung bình 40–50%, có loại tăng gần 200% nên giảm lượng là cách thức hữu hiệu nhằm đưa đến mức giá bán chấp nhận được với khách hàng. Có thể lấy ví dụ bánh hạt sen trà xanh 2 trứng của Kinh Đô, nếu năm ngoái, loại bánh này có trọng lượng là 260g, thì năm nay rút xuống còn 210g, giá bán vẫn giữ ở mức 41.000 đồng/chiếc như năm ngoái. Tương tự, ở các hãng khác, loại bánh to, trọng lượng từ 260–280g thường thấy trước đây hiện được thay thế bằng các trọng lượng 210, 230g hoặc cùng lắm là 250g. Thay vào đó, họ đều tập trung vào các loại có trọng lượng trung bình như 150, 180 và 200g. |
Tăng giá trung bình 20% phải kể đến bánh của Kinh Đô. Cụ thể, loại thập cẩm lạp xưởng 2 trứng (210g) từ 40.000 đồng, nay lên 48.000 đồng/chiếc; loại đậu xanh lá dứa 2 trứng (210g) từ 34.000 đồng, lên 40.000 đồng/chiếc, các loại khác như sữa dừa 2 trứng, đậu xanh 2 trứng, đậu đỏ 2 trứng (210g), từ 33.000 đồng cũng lên 39.000 đồng/chiếc…
Chưa kể, một số loại trọng lượng 250g có mức tăng đến 25% như dẻo hạt sen 1 trứng từ 24.000 lên 30.000 đồng, dẻo hạt sen từ 22.000 đồng lên 27.000 đồng, dẻo đậu xanh từ 21.000 đồng lên 26.000 đồng/chiếc.
Cũng cần nói thêm rằng, với mức giá bán trội hơn đáng kể, từ vài năm nay, bánh trung thu của Kinh Đô ở miền Bắc nói riêng đã xác lập cho mình đối tượng khách hàng cao hơn các hãng khác.
Bà Ngô Thị Tính, GĐ Công ty TNHH Bảo Minh, tiền thân là cơ sở bánh Bảo Minh so sánh, năm ngoái bánh trung thu loại phổ biến của Hữu Nghị như ngũ nhân, thập cẩm có giá từ 16.000 đến 24.000 đồng/chiếc (tuỳ trọng lượng), cao hơn không đáng kể với giá bánh cùng loại của Bảo Minh. Nhưng hiện tại, công ty bà đã tăng giá 35% mà vẫn còn thua xa giá bán của Hữu Nghị.
Theo đó, loại có trọng lượng thấp nhất của Hữu Nghị là 150g năm nay cũng lên 24.000–29.000 đồng/chiếc; trọng lượng 180g: giá dao động từ 27.000–40.000 đồng; trọng lượng 210g: giá từ 32.000–50.000 đồng/chiếc.
Giá của DN: chưa phải giá cuối cùng
Giá bánh trung thu đã được các DN điều chỉnh tăng cao như vậy nhưng ở những quầy hàng nhỏ, lẻ, dường như đó chưa phải là mức giá cuối cùng.
Một khách hàng ở quận Thanh Xuân phản ánh, vừa rồi chị đã phải mua 30.000 đồng/chiếc bánh của Kinh Đô tại một cửa hàng bánh kẹo trên đường Vũ Trọng Phụng, sau đó mới biết, giá bánh thực tế của hãng chỉ 26.000 đồng.
Không thấy bảng giá niêm yết, khi hỏi các loại bánh hạt sen 1 trứng, đậu xanh 1 trứng, sữa dừa 1 trứng, chủ cửa hàng chỉ trả lời chung chung là tất cả đều 30.000 đồng. “Với giá này, chưa tính phần lãi chiết khấu, các cửa hàng đã “móc túi” của người tiêu dùng thêm từ 3.000-4.000 đồng/chiếc bánh” - chị nói.
Khách hàng nên mua tại những điểm bán lớn, chính hãng - Ảnh: N.N |
Về vấn đề này, đại diện của Kinh Đô tại Hà Nội một mặt cho rằng chỉ lo các điểm bán lẻ giảm giá để đẩy nhanh tiêu thụ chứ rất khó tăng giá bán hơn nữa, bởi cạnh tranh gay gắt, làm thế chẳng khác nào họ tự đào thải mình.
Nhưng mặt khác, vị này cũng thừa nhận không thể kiểm soát hết được các cửa hàng nhỏ lẻ, mua đi bán lại. “Có thể ở các điểm này, mức độ chiết khấu thấp, thứ nữa, đầu mùa bánh - khi lượng mua chưa nhiều, giá cả chưa được niêm yết rõ ràng nên các cửa hàng lợi dụng, làm ăn lộm nhộm” – anh giải thích.
Để hạn chế việc mua bánh quá giá, một nguồn tin tại Hữu Nghị khuyên rằng, bất kể mua bánh trung thu ở cửa hàng, siêu thị nào, người tiêu dùng cũng nên so sánh, đối chiếu với bảng giá niêm yết có dấu đỏ của công ty hoặc tờ rơi báo giá.
Vị này cho hay, không chỉ các thị trường ngách, nhỏ lẻ khó can thiệp và kiểm soát, ngay cả việc sử dụng thiết bị bắn giá tại các siêu thị nhỏ lẻ, cửa hàng tiện lợi cũng nhiều trường hợp không chuẩn, kê giá hơn lên. Cụ thế năm ngoái, đoàn kiểm tra của công ty đã phát hiện một cửa hàng tự chọn trên đường Trần Huy Liệu, quận Ba Đình tăng quá giá niêm yết của công ty đến 5.000 đồng/chiếc bánh trung thu.
“Báo giá bánh của DN đến tay người tiêu dùng đã tính hết chi phí từ công đoạn sản xuất đến lưu thông, phân phối. Chúng tôi cấm tuyệt đối các hàng vi bán tăng hoặc giảm giá. Đơn vị nào sai phạm, bị phát hiện chúng tôi sẽ ngừng cung cấp hàng và tùy theo mức độ, có thể xử lý đuổi việc nhân viên giám sát địa bàn đó”.
Cũng theo người này, hiện đã có nhiều cửa hàng ở các quận Hà Nội do “chuyên bán phá giá” đã bị công ty đình chỉ, không đưa hàng vào.
Song tóm lại, nếu như năm ngoái, khách hàng thu nhập trung bình khá có thể mua được hộp bánh trung thu (4 chiếc) của các hãng kể trên với giá 80.000 - 90.000 đồng, thì năm nay, tính cả tiền bánh và tiền hộp, ít nhất cũng lên tới 120.000 đồng.
-
Nguyễn Nga