221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1098632
Thực phẩm ngoại giá rẻ "so găng" với hàng nội
1
Article
null
Thực phẩm ngoại giá rẻ 'so găng' với hàng nội
,

 - Từ đầu năm đến nay, VN nhập khẩu khoảng 12.000-13.000 tấn thịt, chủ yếu là thịt gà đùi đông lạnh từ Brazil, Mỹ, Mexico... Nhiều loại thực phẩm nhập khẩu rẻ hơn hàng trong nước là tin vui đối với người tiêu dùng nhưng lại là nỗi đe dọa ngành chăn nuôi trong nước.

Người Việt thích... phụ phẩm!

Theo ông Trần Thanh Sơn, Cục phó Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, hiện nay một số sản phẩm chăn nuôi như thịt gà, bò, lợn, nhất là sản phẩm gia cầm đã phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu. Các sản phẩm được ưa chuộng tại VN như đùi và cánh gà, tại các nước, chỉ được coi là sản phẩm phụ. Vì vậy, giá nhập khẩu vào VN rất rẻ, giá cập cảng có khi chỉ 1,1-1,2 USD/kg. So với giá gà nguyên con ở mức 1,1-1,2 USD/kg, thậm chí gần 2USD thì các sản phẩm ngoại thừa sức cạnh tranh.

Từ đầu năm đến nay, VN đã nhập khẩu khoảng 12.000-13.000 tấn thịt, trong đó chủ yếu là thịt gà đùi đông lạnh từ Brazil, Mỹ, Mexico...

Tại các siêu thị lớn như Big C, Metro, các sản phẩm thịt bò, gà, cừu... nhập khẩu có giá bán khá cạnh tranh với sản phẩm trong nước. Hơn nữa, nhiều người tiêu dùng lựa chọn thịt ngoại vì lý do lượng cũng như mức độ an toàn.

Theo ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Big C, hiện nay thực phẩm từ thịt gia súc, gia cầm bán tại Big C chiếm từ 30-40% tổng lượng tiêu thụ của siêu thị này. Nếu như thịt bò nhập khẩu từ Mỹ, New Zealand có giá cao hơn giá bán trong nước, do chất lượng hơn hẳn, song một số loại sản phẩm gia cầm nhập khẩu lại có giá bán thấp hơn, ví dụ gà đông lạnh nhập từ Pháp, rẻ hơn gà nội.

Thực phẩm ngoại cạnh tranh gay gắt với thực phẩm nội. 
Ảnh: Báo Thương mại điện tử.


Theo ông Sơn, chất lượng sản phẩm chăn nuôi trong nước rất thấp vì chưa giám sát được kỹ lưỡng việc chăn nuôi, giết mổ, lưu thông trên thị trường. 

Bên cạnh đó, các trang trại chăn nuôi trong nước đã và đang đau đầu đối phó với các loại dịch bệnh như cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng... Mặt khác, nước ta chưa xây dựng được các vùng an toàn dịch bệnh nên sản phẩm chăn nuôi khó có tấm giấy chứng nhận sản phẩm an toàn, rất khó xuất khẩu sang các nước có tiêu chuẩn sản phẩm khắt khe. Các khách sạn cao cấp trong nước cũng lựa chọn nhập khẩu thực phẩm từ các nước khác để phục vụ thực khách, thay vì sản phẩm nội địa.

Sản phẩm nội: sạch lại không dễ bán!

Ông Trần Thanh Sơn cho biết, Bộ NN&PTNT đã có quy định về vùng an toàn dịch bệnh, ban hành 4 tiêu chuẩn về chăn nuôi an toàn đối với lợn, ong, bò sữa... chăn nuôi sản phẩm sạch, nhưng trên thực tế đến nay chưa thực hiện được.

Muốn có sản phẩm sạch, an toàn, phải thực hiện theo chuỗi, từ chăn nuôi đến giết mổ, lưu thông, chế biến... Nhưng cái khó là phần đông người tiêu dùng chưa thực sự quan tâm đến sản phẩm sạch. Thực tế cho thấy, sản phẩm gà sạch, lợn sạch tiêu thụ rất chậm vì giá cao hơn từ 15-20% so với sản phẩm bình thường. Nhiều người dân vẫn chấp nhận mua và sử dụng sản phẩm không sạch vì giá rẻ. Vì vậy, khi hàng nhập khẩu đáp ứng được cả hai tiêu chí, chất lượng và giá rẻ, thì chắc chắn sẽ gây không ít khó khăn cho các sản phẩm nội.

“Quan trọng nhất là phải thay đổi phương thức chăn nuôi, không kiểm soát được chất lượng giống, thức ăn, dịch bệnh thì sẽ không thể có sản phẩm sạch”, ông Sơn nói.

Bộ NN&PTNT đã kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai, trong đó có đề xuất cần dành đất cho chăn nuôi. Vấn đề xử lý môi trường, về lâu dài Nhà nước cũng cần chia sẻ với các trang trại.

Theo ông Trần Thanh Sơn, để đẩy mạnh chăn nuôi nội địa, ngoài sự nỗ lực cải thiện chất lượng của các chủ trang trại, cần xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu. Chẳng hạn như cần quy định thời gian bảo quản tối đa, để phòng ngừa việc nhập khẩu sản phẩm sắp hết thời hạn sử dụng thường nước ngoài bán tống bán tháo với  giá rẻ.

  • Hương Giang
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,